Tác giả lừng danh Jodi Picoult đã kể câu chuyện rung cảm về nạn phân biệt chủng tộc, qua tiểu thuyết Những điều nhỏ bé vĩ đại (Small great things), do NXB Trẻ xuất bản.
Tựa sách được tác giả lấy ý từ câu trích dẫn thường được cho là của Martin Luther King, Jr.: “Nếu không thể làm những điều vĩ đại, tôi có thể làm những điều nhỏ bé theo một cách vĩ đại”.
Hai nhân vật trong truyện có hành động nhỏ nhưng tác động lớn và lâu dài với người khác là Ruth và Kennedy.
Những “cơn gió xuôi” của sự kỳ thị
Ruth là y tá hộ sinh lành nghề người Mỹ gốc Phi. Cô yêu công việc ở bệnh viện, tận tụy với các bà mẹ và trân quý từng sinh linh nhỏ bé chào đời trên tay mình. Cô cũng nuôi dạy con trai một cách tử tế, để xứng với người cha là quân nhân đã hy sinh cho nước Mỹ.
Nhưng một lần, Ruth buộc phải rời khỏi vị trí làm việc theo lệnh của cấp trên, vì cha của một đứa trẻ sơ sinh yêu cầu không để y tá da đen chăm sóc con mình. Đứa bé chẳng may mất sau đó, và Ruth, người da màu duy nhất trong bệnh viện, bị kiện ra tòa vì tội giết người.
Để chứng minh mình vô tội, để tiếng nói của người Mỹ gốc Phi được cất lên, Ruth phải trải qua một chặng đường rất khó khăn, nhưng cô không cô đơn. Bên cạnh cô là luật sư, chị gái, con trai và những người bạn không ngờ khác…
Đặc biệt, nữ luật sư Kennedy, một người Mỹ da trắng với đầy đủ những “đặc quyền vô hình” mà người da trắng vẫn thụ hưởng, đã sát cánh bên cô.
Ruth không đấu tranh cho bình đẳng – cô muốn sự công bằng, vì, “Bình đẳng là đối xử với mọi người như nhau. Còn công bằng là có tính đến sự khác biệt của từng người, để ai cũng có cơ hội thành công và phát triển”.
Người da màu tại Mỹ, cho đến tận năm mà Những điều nhỏ bé vĩ đại được viết ra, khi Mỹ đã có tổng thống da màu đầu tiên, vẫn phải hứng chịu những bất công âm thầm mà không phải ai cũng cảm nhận được.
Ruth và Kennedy cùng đi vào cửa hàng mua sắm, nhưng Ruth là người duy nhất bị quản lý cửa hàng nhìn theo từng bước chân và soát giỏ khi ra. Cách người Mỹ né ra xa khi cùng ngồi với cô trong căn tin, hoặc những định kiến bám chặt lấy đứa con trai của cô, dù nó là học sinh xuất sắc, mẫu mực…
Nữ luật sư đã thẳng thắn chỉ ra “cơn gió xuôi” đó, trong một xã hội tưởng như rất tự do bình đẳng:
“Thật dễ để chúng ta nhìn ra cơn gió ngược của sự kỳ thị chủng tộc, cái cách mà người da màu bị phân biệt đối xử. Chúng ta thấy nó khi một người da đen vô cớ bị cảnh sát bắn và một cô gái da nâu bị bạn cùng lớp bắt nạt vì đội hijab trên đầu. Thế nhưng, cơn gió xuôi của sự kỳ thị chủng tộc thì khó thấy hơn, và cũng khó thừa nhận, khi mà những người không phải da màu chúng ta được hưởng lợi từ làn da trắng”.
Bìa sách Những điều nhỏ bé vĩ đại. Nguồn: NXB Trẻ. |
Thế giới vẫn chưa chấp nhận sự đa dạng – vì sao?
Jodi Picoult cho biết từ lúc dấn thân vào nghiệp viết lách, bà đã nghĩ đến việc viết quyển sách về vấn đề kỳ thị chủng tộc tại Mỹ, sau một sự kiện có thật ở New York: Cảnh sát chìm người da đen bị bắn vào lưng nhiều lần, bởi các đồng nghiệp da trắng – dù anh ta đang mang cái được gọi là “màu sắc của ngày” – một chiếc vòng tay để cảnh sát ngầm nhận ra nhau.
Tuy nhiên, phân biệt chủng tộc là vấn đề nhạy cảm tại Mỹ và không dễ viết. Hai mươi năm sau, tin tức về y tá người Mỹ gốc Phi ở Flint, Michigan thu hút sự quan tâm của bà – người cha theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng đã ra yêu sách là người da màu không được đụng vào con ông ta, và nhóm nhân viên người Mỹ gốc Phi đã đâm đơn kiện. Họ đã chiến thắng.
Từ sự kiện này, Jodi Picoult dệt nên câu chuyện của mình, từ góc nhìn của y tá da đen, một người cha theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng và một luật sư công.
Nữ luật sư này, cũng như Jodi Picoult và nhiều người Mỹ khác, luôn nghĩ mình rất bình đẳng, không bao giờ có tư tưởng kỳ thị chủng tộc. Họ dễ dàng chỉ ra và lên án những kẻ phát xít mới, nhưng không thể nhận ra sự phân biệt âm thầm trong chính bản thân mình.
Có thể nói Những điều nhỏ bé vĩ đại là câu chuyện sâu sắc về vấn đề kỳ thị chủng tộc, sự lựa chọn, nỗi lo sợ và niềm hy vọng. Tất cả được thể hiện qua ngòi bút sinh động của tác giả, với những phân tích thuyết phục về tâm lý nhân vật, cuộc sống người da màu ở Mỹ, cách cả người da màu và da trắng vượt qua rào cản, nỗ lực đứng lên giành lấy công bằng cho xã hội.
Tác phẩm cũng gợi mở nhiều vấn đề để độc giả tự rút ra kết luận về cách chúng ta nhìn nhận bản thân và người khác trong thế giới đa dạng này.
Jodi Picoult là tác giả có sách bán chạy nhất theo bình chọn của New York Times. Bà đã xuất bản 25 tiểu thuyết, bao gồm Siêu Thoát, Luật nhà, Nơi chốn lưu đày, Hai cõi người ta… và luôn được độc giả chào đón nồng nhiệt.
Nói về Những điều nhỏ bé vĩ đại, báo chí trên khắp thế giới đã không tiếc lời khen ngợi.
The Washington Post viết: “Những điều nhỏ bé vĩ đại là tiểu thuyết quan trọng nhất mà Jodi Picoult từng viết… Nó sẽ thách thức độc giả… [và] mở rộng cuộc thảo luận văn hóa về chủng tộc và định kiến của chúng ta”.
San Francisco Book Review đã bình luận: “Một tiểu thuyết đã đặt những ngón tay của nó lên mạch đập của đất nước chúng ta đang sống ngày nay… lôi cuốn từ đầu đến cuối, như ta vẫn kỳ vọng từ Jodi Picoult, tiểu thuyết này giữ được nhịp điệu khiến ta phải liên tục lật xem tiếp trang sau, không thể nào đặt xuống.
Nó mở ra một cuộc thảo luận, khiến mọi người phải ngồi xuống nhìn lại cuộc đời mình, những hành động của họ (hiện tại và quá khứ) và đặt câu hỏi làm thế nào tiến lên phía trước.
Đây là cuốn sách tuyệt vời, không chỉ vì nó đề cập đến một vấn đề xảy ra trên đất Mỹ và toàn thế giới, mà còn cho chúng ta thấy thay đổi là điều có thể”.