Vừa được tin Nhật đầu hàng, Xứ ủy Nam Kỳ lập tức thành lập Ủy ban Khởi nghĩa vào ngày 15/8. Tối 16/8, Xứ ủy triệu tập Hội nghị mở rộng tại Chợ Đệm (Chợ Lớn) bàn về khởi nghĩa. […]
Sau Hội nghị của Xứ ủy, công việc chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành rất khẩn trương ở Sài Gòn. Số lượng các đội “Công đoàn xung phong” và “Thanh niên Tiền phong” được tăng cường. Các đội tự vệ được trang bị thêm vũ khí.
Để thăm dò và tác động đến thái độ của quân đội Nhật ở Sài Gòn, Xứ ủy cử Phạm Ngọc Thạch và Ngô Tấn Nhơn là thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong đến Tổng hành dinh Đông Nam Á của Nhật để giải thích đường lối của Việt Minh Nam Bộ, yêu cầu quân Nhật không can thiệp vào phong trào dân tộc Việt Nam và giao số vũ khí Nhật đã tước của Pháp lại cho Việt Nam.
Sáng ngày 19/8, 50.000 đoàn viên “Thanh niên Tiền phong” tổ chức tuyên thệ lần thứ hai tại vườn Ông Thượng để biểu dương lực lượng. Các khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập”, “Việt Nam thống nhất”, “Việt Nam hùng cường” được hô vang. Cuộc mít tinh sau đó chuyển thành cuộc tuần hành trong thành phố. Chiều tối ngày 19/8, tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, Việt Minh trình bày chương trình hành động, hô hào quần chúng đứng lên giành độc lập dưới cờ Việt Minh. Cờ Việt Minh, cờ Đảng xuất hiện ở nhiều nơi.
Ngày 20/8, Việt Minh ra công khai ở thành phố Sài Gòn. Cùng ngày, tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi truyền vào gây chấn động thành phố. Sáng 21/8, trong khi hàng chục xe loa cắm cờ đỏ sao vàng chạy khắp thành phố Sài Gòn thì hội nghị mở rộng Xứ ủy Nam Kỳ (Tiền phong) lại được triệu tập tại Chợ Đêm để định ngày giờ phát lệnh khởi nghĩa và chỉ định Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ. […]
Sáng ngày 23/8, được tin Tân An đã khởi nghĩa thành công nhanh gọn mà quân Nhật không phản ứng gì, hội nghị Xứ ủy mở rộng lập tức quyết định: “Tối 24 phát động khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 25 huy động chừng một triệu nhân dân nội, ngoại thành và các tỉnh lân cận, chủ yếu là Gia Định, Chợ Lớn, có cả Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và đoàn các tỉnh lên dự để rút kinh nghiệm và lãnh chỉ thị mới, tất cả làm tổng biểu tình vũ trang xem như hoàn thành việc giành chính quyền ở Thủ phủ miền Nam”. Ủy ban hành chính Nam Bộ được chỉ định gồm 9 đồng chí.
Cũng trong ngày 23/8, Việt Minh thành phố đã vận động nhân dân tẩy chay cuộc biểu tình đón Nguyễn Văn Sâm vào Nam Kỳ để thực thi chức vụ Khâm sai đại thần do chính quyền bù nhìn và cái gọi là “Mặt trận quốc gia thống nhất” tổ chức.
Tối 23/8, tại trụ sở Thanh niên Tiền phong, trước đại biểu các đảng phái, Việt Minh trân trọng giới thiệu chương trình hành động, kêu gọi toàn dân đoàn kết, quyết tâm giành độc lập tự do; khẩu hiệu “Chính quyền về tay Việt Minh” được tất cả đảng phái, tổ chức tôn giáo nhiệt liệt tán thành. Sáng ngày 24/8, một lá cờ búa liềm bay phấp phới trên nóc nhà số 272 đường Chasseloup Laubat. Đông đảo quần chúng nhân dân tụ họp ngắm nhìn lá cờ Đảng.
Quần chúng cách mạng xuống đường giành chính quyền tại Sài Gòn ngày 25/8/1945. Ảnh tư liệu. |
Ngày 24/8, Ban Trung ương Liên đoàn công chức Nam Bộ ra thông báo như một “mệnh lệnh” cho công chức cộng tác với Việt Minh. Thông báo viết: “Chỉ có Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) từng chiến đấu bên cạnh Nga, Tàu, Mỹ, Anh mới đủ lực lượng để thương thuyết với các nước Đồng minh mà củng cố nền độc lập hoàn toàn của nước Việt Nam (…) Việt Nam độc lập đồng minh có một tổ chức hoàn bị và đã thu hoạch được nhiều thành tích vẻ vang (…) Tất cả công chức ở Nam Bộ Việt Nam ‘phải thực lòng cộng tác triệt để’ với chánh phủ Việt Nam”.
Từ chiều ngày 24/8, khắp thành phố Sài Gòn hừng hực khí thế khởi nghĩa. Các khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Chế độ dân chủ cộng hòa”, “Chính quyền về tay Việt Minh”… được đăng trên các báo, in trên truyền đơn, áp phích phổ biến khắp thành phố. Việt Minh công khai kêu gọi nhân dân tham gia cuộc mít tinh ngày 25/8. Đúng như kế hoạch đã định, 18 giờ ngày 24/8, Ủy ban khởi nghĩa phát lệnh khởi nghĩa.
Chấp hành lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, từ 20 giờ các đội Thanh niên Tiền phong xung kích gồm hàng nghìn đội viên ưu tú, đa số là đoàn viên Tổng công đoàn mà nòng cốt là các đảng viên cộng sản, được vũ trang triển khai lực lượng đánh chiếm các cơ sở trọng yếu trong thành phố như: Kho bạc, Nhà máy đèn, Sở bưu điện, dinh Thống đốc Nam Kỳ, Sở Công an, các đầu cầu vào Sài Gòn, các bốt cảnh sát, các vùng lân cận trại lính Nhật, khu Pháp kiều, khu vực trại lính Pháp…
Trong lúc các đội xung kích chiếm các công sở thì thanh niên, công nhân có vũ trang trên các xe cam nhông cắm cờ chạy khắp thành phố để cổ động và phòng ngừa bọn lưu mạnh, phản động. 22 giờ ngày 24/8, quân khởi nghĩa đã làm chủ dinh Khâm sai, cờ đỏ sao vàng đã được kéo lên trên đỉnh dinh báo hiệu tất cả bộ máy cai trị của chính quyền bù nhìn trong thành phố đã về tay cách mạng. […]
Cũng từ nửa đêm 24/8/1945, hàng chục vạn quần chúng, nhân dân từ các vùng ngoại thành Bà Điểm, Hóc Môn, Bình Đông, Bình Xuyên, Chợ Đệm… ở các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, với băng cờ, gậy gộc, dao găm, giáo mác, súng… ồ ạt tiến vào thành phố Sài Gòn. Cả thành phố vang lên những tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Minh độc lập muôn năm”…
Rạng sáng ngày 25/8, Sài Gòn bừng dậy trong không khí cách mạng hào hùng. Các đường phố tràn ngập cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ. Tiếng hô khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Độc lập hay là chết” vang dội trong thành phố.
Cuộc biểu tình tuần hành vĩ đại của quần chúng bắt đầu từ nhà thờ Đức Bà diễu qua các đường phố Catinat, Belgique, Kitchener, Bonard, hội tụ trước dinh Đốc lý thành phố nơi được chọn làm trụ sở của Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ.
Khoảng 13 giờ ngày 25/8, từ trên bao lơn của trụ sở, đồng chí Phạm Ngọc Thạch thay mặt Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ đọc ba lần danh sách Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ trong tiếng hô vang dậy của đồng bào […]
Đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Trần Văn Giàu thay mặt Ủy ban lâm thời hành chánh Nam Bộ trịnh trọng tuyên bố: “Chế độ cộng hòa dân chủ thành lập tại Nam Bộ Việt Nam”, “không thừa nhận chính phủ Nam triều và cương quyết chống chế độ thực dân bất cứ từ đâu đến”, Ủy ban lâm thời hành chánh Nam Bộ thay mặt cho Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh miền Nam “lãnh trách nhiệm nắm giữ chánh quyền ở Nam Bộ đến ngày triệu tập xong Quốc hội sẽ giao lại cho đại biểu toàn quốc”.
Chủ tịch Ủy ban lâm thời hành chánh Nam Bộ kêu gọi nhân dân giữ thái độ đúng đắn với người ngoại quốc, chăm chỉ, nỗ lực làm việc phụng sự Tổ quốc, cải tạo cấp tốc những cơ quan bị phá hoại, chống tất cả mọi sự ly gián của quân thù và tay sai của chúng, coi chừng những bọn quấy rối gây hỗn loạn thừa cơ phá hoại cách mạng, “phải kiên gan bền chí, đấu tranh với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Chủ tịch Ủy ban lâm thời hành chánh Nam Bộ kết thúc bằng các khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”.
Đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn thay mặt Xứ ủy Nam Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương thông báo trước nhân dân rằng: Đảng đã 15 năm đấu tranh cho đời sống nhân dân và cho nền độc lập của dân tộc; Đảng cùng Mặt trận Việt Minh do Đảng thành lập đã lật đổ chính quyền thực dân; tiếp tục cuộc đấu tranh đã tiến hành từ mười mấy năm trời, Đảng “tham chánh để giải quyết các vấn đề khó khăn, nguy hiểm bên trong và bên ngoài, để thực hành và củng cố nền dân chủ lâm thời”.
Đồng chí nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản kêu gọi hết thảy anh em thợ thuyền, nông dân, thanh niên, binh lính và các giới đồng bào nỗ lực làm việc kiến thiết nền dân chủ quốc gia, đem toàn lực ủng hộ ban hành chánh lâm thời đương thực hiện một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và làm cho người Việt Nam tự do, sung sướng. Việt Nam độc lập muôn năm!”.
Đồng chí Nguyễn Lưu đại diện Tổng công đoàn Nam Bộ đọc lời hứa của giai cấp công nhân, nhân dân lao động cùng toàn thể nông dân sát cánh bên nhau quyết giữ vững chính quyền cách mạng.
Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn thành công rực rỡ.