Thứ nhất, buổi học nên có một khởi đầu nhẹ nhàng, có thể bắt đầu bằng một mẩu chuyện nhỏ. Điều này đơn giản nhưng cũng đủ để kiếm một vài nụ cười của các con, quan trọng để mở đầu buổi học.
Thứ hai, giáo viên và học sinh cố gắng tương tác nhiều nhất có thể, nếu lớp đông (trên 30 bạn), vì chương trình học vốn đã nhiều nội dung. Nếu gọi nhiều học sinh, mỗi bạn vài giây bật, tắt mic sẽ mất vài phút, chưa kể bạn nói nhỏ không rõ, bạn không biết câu trả lời… khá căng thẳng cho thầy cô mà vèo cái đã hết 45 phút.
Một số học sinh không tuân thủ nguyên tắc dạy học online, giáo viên sẽ trao đổi trực tiếp với bố mẹ qua tin nhắn, điện thoại. |
Giáo viên nên có giải pháp cố gắng gọi nhiều nhất các học sinh khác nhau, không tập trung vào một số bạn. Bạn nào không trả lời được chuyển qua bạn khác. Như vậy học sinh cũng sẵn sàng tâm thế mình có thể được gọi bất cứ lúc nào nên cũng tâp trung học hơn.
Thứ ba, việc bật camera, tắt mic là điều cơ bản nhất nhưng thực hiện được thực sự khó, nhất là với học sinh lớp 4 trở lên, lớp lại đông cỡ 40-50 học sinh, nhắc được bạn này thì bạn khác lại tắt. Thậm chí, khi học sinh bật camera thì không ít học sinh làm việc riêng trong giờ, chao ôi là lắm vấn đề.
Giáo viên cần có giải pháp nói rõ nội quy ngay từ đầu với các con, ai không bật camera mà không có lý do chính đáng (dùng điện thoại, cam hỏng, máy bàn không có cam…) cho ra ngoài 5 phút và báo bố mẹ.
Giáo viên thông báo rõ ràng và thầy cô có uy, nói đi đôi với làm thì đa số học sinh tuân thủ. Một số học sinh không tuân thủ, giáo viên sẽ trao đổi trực tiếp với bố mẹ qua tin nhắn, điện thoại. Thầy cô chịu khó vất vả trong một vài tuần đầu nhưng sau đó thì khá nhàn, không khác dạy học trực tiếp là bao.
Nếu không làm được việc này, thầy cô chỉ còn hình ảnh diễn thuyết một mình trước màn hình đen xì, hiệu quả thế nào thì không cần bàn nữa.
Thứ tư, áp lực vừa phải khi làm bài về nhà: Học đương nhiên cần có áp lực để các con nắm được kiến thức, tiến bộ. Do vậy việc làm bài tập về nhà là cần thiết. Tuy nhiên áp lực như thế nào là vừa, không quá dễ, không quá nặng nề trong tổng thể với các môn học khác nữa lại đòi hỏi mỗi thầy cô cân nhắc kỹ.
Nhiều thầy cô chọn cách làm câu hỏi trắc nghiệm, kết quả gửi thẳng cho thầy cô hoặc các con có thể xem đúng, sai luôn. Như vậy đỡ tốn thời gian. Nhưng có những kiến thức làm trắc nghiệm được, còn những bài Văn, Toán đòi hỏi cách trình bày thì làm trắc nghiệm không thật hiệu quả.
Mình hiếm khi ra bài trắc nghiệm mà luôn ra bài tự luận trong SGK, sách bài tập, yêu cầu học sinh vào sớm 10 phút, từng học sinh giơ vở qua webcam để thầy kiểm tra xem có làm bài tập hay không, ít nhất là đánh giá được về mặt ý thức có học bài. Còn việc đúng, sai thì thầy sẽ chữa sau.
Một cách nữa là dựa trên việc làm bài tập về nhà để lấy điểm miệng, 15 phút…. Làm như vậy đa số học sinh trong lớp có ý thức làm bài về nhà hơn, một công đôi việc.
Thứ năm, phụ huynhkhông phải tham gia nhiều, con ít phải dùng máy tính nhất: “Mỗi ngày chị lướt qua hơn chục group zalo của con, vừa học chính, vừa học thêm mà chóng hết cả mặt”. Đây là tâm sự của một phụ huynh gửi tôi những ngày này.
Nếu hỏi ai căng thẳng nhất khi học online thì mình nghĩ là bố mẹ. Lớp nhỏ thì phải hỗ trợ các con, lớp lớn thì lo làm sao kiểm soát các con dùng máy tính để học chứ không làm việc khác.
Sau khi phải trang bị đầy đủ đồ nghề máy tính, cam, mic lại phải chụp bài, hướng dẫn con vào một loạt trang web để up bài, cô trả bài lại chữa cho con… Mỗi con học 6, 7 môn, nhà có vài con thì gần như cần một người lớn mất toàn bộ thời gian để hỗ trợ việc học online của con.
Con nhỏ thì phải kèm tập viết, làm Toán, con lớn thì lại phải giám sát để con không chơi game, chát chít thay vì học. Sơ sơ vậy để thấy bố mẹ mùa dịch quá khổ. Chưa kể, bố mẹ còn đau đầu lo chuyện mất việc, cắt lương nữa.
Vậy nên tôi cho rằng, một tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả của việc học online là ít phải huy động sự tham gia của bố mẹ nhất.
Với môn Toán, tôi chủ yếu dạy và giao bài trong SGK, các con làm trực tiếp vào vở. Đến tiết học vào sớm 10 phút để giơ vở thầy kiểm tra việc làm bài. Như vậy bố mẹ không phải hỗ trợ chụp bài gửi thầy, các con cũng không phải dùng máy để làm bài, tránh sao nhãng và đỡ hại mắt.
Tóm lại dạy học là việc của thầy cô, còn bố mẹ giúp giám sát ý thức học tập của con là tốt lắm rồi, bố mẹ cần được thảnh thơi làm việc của mình nữa.
Tất nhiên với học sinh lớp 3, 4 trở lên có thể làm như vậy. Học sinh nhỏ quá đành phải nhờ bố mẹ chụp bài nhưng hạn chế ít nhất có thể. Thầy cô hãy đặt mình vào vị trí bố mẹ để hiểu sự vất vả thế nào từ đó sẽ có nhiều cách làm phù hợp.
Thực sự mà nói dạy online vất vả vô cùng cho tất cả, từ giáo viên, bố mẹ và học sinh. Tuy nhiên nhà trường, thầy cô đóng vai trò chủ động, quyết định trong việc này. Chúng ta có thể viện ra rất nhiều lý do khách quan, chủ quan để giải thích cho việc làm của mình là hợp lý, chỉ khi mỗi thầy cô đặt mình vào vị trí học sinh, bố mẹ để chia sẻ với sự thiệt thòi, vất vả của học sinh, bố mẹ thì tin rằng mỗi thầy cô sẽ tìm ra cách làm phù hợp với môn học của mình để việc học bớt áp lực mà đạt hiệu quả chấp nhận được. Vì xét cho cùng đa số các thầy cô cũng chính là phụ huynh.