Dịch bệnh Covid-19 kéo dài ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, trong đó có ngành xuất bản. Thực hiện chỉ đạo của ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục Xuất bản, In và Phát hành và các đơn vị xuất bản, phát hành đã tổ chức hội nghị tìm cách tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Hội nghị được tổ chức sáng 12/8 theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu văn phòng Hội Xuất bản Việt Nam (Hà Nội) và 28 điểm cầu khác, với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị xuất bản, phát hành trên cả nước.
Vượt khó, giữ mức tăng trưởng
Trong bối cảnh đại dịch, ngành sách có nhiều nỗ lực để xuất bản, phát hành sách. Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông – đã nhìn lại công tác của ngành trong nửa đầu năm 2021.
Sáu tháng đầu năm, toàn ngành xuất bản được 19.217 cuốn, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2020; hơn 33 triệu bản, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu đạt 1.578 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài tăng trưởng về số lượng, doanh thu, ngành sách chú trọng vào chất lượng xuất bản phẩm. Bên cạnh phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị quan trọng, các đơn vị xuất bản cũng đầu tư làm nhiều đầu sách chất lượng phục vụ bạn đọc. Trong đó, sách khoa học công nghệ, sách về chuyển đổi số, sách kỹ năng sống, hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm… được quan tâm xuất bản với số lượng lớn.
Tuy vậy, ông Nguyễn Nguyên cũng nhấn mạnh những kết quả này có được do nỗ lực sản xuất, phát hành ở 5 tháng đầu năm, khi làn sóng Covid-19 thứ tư chưa bùng phát. Thời gian qua, đại dịch bùng phát mạnh ở khu vực phía Nam. Hà Nội cũng thực hiện nghiêm giãn cách. Đây là hai thị trường lớn của ngành sách, đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm. Có nơi rơi vào khủng hoảng, đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – chủ trì hội nghị. Ảnh: Việt Linh. |
Những thách thức của ngành sách trong đại dịch
Những khó khăn khi dịch bùng phát lần thứ tư đã được các nhà xuất bản, công ty phát hành nêu cụ thể.
Bà Phan Thị Thu Hà – Phó giám đốc NXB Trẻ – thông tin hiện nay, các cửa hàng sách của NXB Trẻ đóng cửa. Bán sách online gặp khó trong khâu giao hàng. Nhiều nơi, shipper không thể đến hoặc gửi sách cho người nhận, dẫn đến tình trạng các đơn sách online tồn đọng nhiều. Nhà in hoạt động khoảng 30% công suất. Do vậy, sách mới, sách tái bản phải xếp hàng chờ in.
Theo ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch HĐQT công ty Fahasa, từ tháng 7 đến nay, rất nhiều cửa hàng trong hệ thống Fahasa đóng cửa. Tuy vậy, đội ngũ phát hành online vẫn hoạt động.
“Thương mại điện tử đóng góp lớn cho doanh thu Fahasa, mỗi tháng hơn 30 tỷ đồng”, ông Thuận chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam nêu khó khăn trong nguồn cung sách giáo khoa: “Chúng tôi chưa nhận được sách giáo khoa theo chương trình mới từ Công ty Sách và Thiết bị trường học. Chúng tôi có thể phát hành online, nhưng hiện nay không có sách để cung cấp cho học sinh, phụ huynh”.
Nhìn từ khía cạnh xuất, nhập khẩu sách và xuất bản phẩm, ông Phạm Đình Phương – đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Phát triển Văn hóa – nêu thực tế rất khó khăn khi thực hiện giãn cách. Xuất nhập khẩu giảm 30% trong năm 2020, năm 2021 vẫn giảm và có thể giảm sâu hơn. Hàng ở nước ngoài về rất chậm.
Ông Phương kiến nghị được hỗ trợ kịp thời về thuê mặt bằng trong lúc đang khó khăn. Nếu chậm trễ, ông cho rằng sẽ có những đơn vị giải thể, đóng cửa trước khi nhận được hỗ trợ.
Cũng vì khó khăn trong đại dịch, thời gian qua, Công ty sách Nhã Nam phải đóng cửa 6 nhà sách. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của đơn vị này chỉ còn 76% so với cùng kỳ năm 2020. Đối với tháng 7 và 8, doanh thu còn giảm sâu hơn nữa.
Ông Nhật Anh – Giám đốc Công ty sách Nhã Nam – thông tin đơn vị đang cố gắng đảm bảo nguồn lực để duy trì trả lương, đảm bảo sản xuất, cố gắng không để nhân viên quá khó khăn.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo (bên trái) và ông Nguyễn Nguyên tại điểm cầu Hà Nội, lắng nghe ý kiến của đại diện các nhà xuất bản, phát hành trên cả nước. Ảnh: Việt Linh. |
Áp dụng công nghệ, đẩy mạnh phát hành online
Đại diện các nhà xuất bản, công ty phát hành cùng lãnh đạo ngành sách đã cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn. Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM – nêu ba kiến nghị.
Thứ nhất, để công việc phát hành sách được lưu thông, sách cần được xem là mặt hàng thiết yếu.
Thứ hai, làm sao để các đơn vị xuất bản, in và phát hành được hoạt động một phần trong giai đoạn giãn cách.
Thứ ba, chúng ta cần tập trung hỗ trợ hệ thống phát hành online.
Trong khi đó, ông Nhật Anh – Giám đốc Công ty Nhã Nam – cho rằng làm sao để mỗi nhà xuất bản, công ty sách có một số nhân viên được tiêm vaccine, nhằm duy trì hoạt động ở mức tối thiểu.
Tuy các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, nhà xuất bản và doanh nghiệp vẫn phải chi trả toàn bộ chi phí liên quan nhằm không đứt gãy hệ thống phân phối hàng. Tiền lương, tiền thuê mặt bằng, chi phí vận chuyển, dịch vụ, lãi vay ngân hàng, thuế thu nhập doanh nghiệp… vẫn giữ nguyên, không giảm.
Thời gian qua, phát hành online rất quan trọng. Không chỉ trong dịch bệnh, mà sau này, khi bình thường trở lại, ta phải tập trung xuất bản điện tử, phát hành trực tuyến.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo
Còn ông Anh Vũ – Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn học – mong muốn cơ quan chủ quản cho các nhà xuất bản vay nguồn vốn để sản xuất, chi trả lương trong thời gian này.
Năm 2020, các nhà xuất bản được giảm một số thuế, phí. Ông Vũ đề xuất năm nay, các đơn vị tiếp tục được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn nộp bảo hiểm xã hội trong vòng 6 tháng đến 1 năm.
Tiếp nhận kiến nghị của các nhà xuất bản, phát hành, ông Hoàng Vĩnh Bảo nói trong thời gian dịch bệnh vừa qua, chúng ta thấy phương thức làm việc qua mạng rất cần thiết. Cục Xuất bản, Hội Xuất bản cần tăng cường trang thiết bị, kỹ năng làm việc trực tuyến cho hiệu quả.
Chủ tịch Hội Xuất bản cho rằng các đơn vị xuất bản, phát hành cần lập nhóm trao đổi để tăng cường liên lạc, làm việc với nhau qua mạng.
“Chúng ta nên thành lập nhóm Zalo, có đại diện của Cục Xuất bản, Hội Xuất bản, các nhà xuất bản, công ty phát hành để việc liên lạc được nhanh, hiệu quả. Qua những trao đổi đó, có thể giúp cơ quan quản lý tiếp cận khó khăn từ các nhà xuất bản, phát hành. Thứ hai, các đơn vị cũng có thể bàn bạc những khó khăn, nêu kiến nghị với cơ quan quản lý để được hỗ trợ kịp thời, cùng tìm biện pháp giải quyết”, ông Bảo nói.
Với vấn đề giao sách khó khăn trong bối cảnh giãn cách, ông Hoàng Vĩnh Bảo thông tin ông đã trao đổi với đại diện Bộ Công Thương về việc sách có phải mặt hàng thiết yếu hay không. Đến nay, sách không thuộc nhóm mặt hàng không được vận chuyển trong giãn cách. Bởi vậy, vấn đề còn lại là lực lượng vận chuyển sách, các shipper.
“Các nhà xuất bản, công ty phát hành cần tìm cách sử dụng hình thức vận chuyển cho phù hợp. Chỗ nào dùng shipper, chỗ nào dùng nhân viên phát hành, sử dụng đơn vị vận chuyển nào… Điều này phụ thuộc tình hình dịch bệnh tại từng địa phương. Do đó, các nhà xuất bản, phát hành phải tính toán kỹ. Đó là bài toán mấu chốt để có thể lưu thông sách trong tình thế hiện nay”, ông Bảo khẳng định.
Với đề xuất giảm thuế, cơ quan chủ quản hỗ trợ, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng các đơn vị cần xem lại chính sách hỗ trợ, giảm thuế dựa trên cơ sở nào, từ đó mới có thể nêu kiến nghị. Khi đề xuất, mỗi đơn vị phải có kiến nghị cụ thể cần hỗ trợ điều gì, hỗ trợ như thế nào, tại sao cần được hỗ trợ như vậy.
Đối với sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cục Xuất bản, In và Phát hành sớm có văn bản gửi Bộ GD&ĐT, NXB Giáo dục Việt Nam, đề nghị các công ty phát hành được chia sẻ phát hành sách giáo khoa tới học sinh, địa phương.
“Trong tình trạng dịch bệnh thế này, riêng một Công ty Sách và Thiết bị trường học ở địa phương chưa chắc đã phát hành kịp sách tới tay học sinh, trong khi ngày khai giảng đang đến gần”, ông Hoàng Vĩnh Bảo cho hay.
Một trong các giải pháp mà Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhấn mạnh là nhà xuất bản, công ty phát hành nên tập trung, chú trọng ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
“Rõ ràng thời gian qua, phát hành online rất quan trọng. Không chỉ dịch bệnh, mà sau này, khi bình thường trở lại, ta phải tập trung xuất bản điện tử, phát hành trực tuyến”, ông Hoàng Vĩnh Bảo gợi ý giải pháp.
Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông cho biết hiện nay, Bộ đang thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Chính các nhà xuất bản, phát hành phải đặt ra các phương thức hoạt động của mình trên môi trường số, xem xét mô hình nhà xuất bản, cách phát hành.