TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, cho rằng những bất cập về điểm chuẩn năm 2021 một lần nữa cho thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn phù hợp. Các trường đại học cần một mô hình thi cử khác để đảm bảo chất lượng tuyển sinh.
Ông Phạm Hiệp cho rằng các trường đại học cần một mô hình thi cử, tuyển sinh khác thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT “hai trong một” hiện nay. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Đề thi vẫn là điểm yếu lớn nhất
– Hiện tượng điểm chuẩn trên 30, thí sinh điểm cao trượt tất cả nguyện vọng đăng ký, “lạm phát” điểm chuẩn đã diễn ra 2 năm nay. Theo ông, nguyên nhân từ đâu và vì sao vẫn không khắc phục được?
– Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điểm chuẩn đại học tăng cao là do đề thi năm nay khá dễ, số thí sinh đạt điểm cao tăng đột biến dẫn tới điểm trúng tuyển được đẩy lên cao. Bên cạnh đó, số lượng lớn thí sinh đạt điểm cao tập trung đăng ký nguyện vọng vào một số ngành nhất định.
Ngoài ra, việc các trường đại học được tự chủ trong xét tuyển, sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới điểm chuẩn tăng cao hơn mọi năm.
Nói chung, để xảy ra hiện tượng điểm chuẩn hơn 30, rất khó giải thích với xã hội. Bởi như thế nghĩa là các thí sinh ở khu vực 3 (thành phố lớn), không có điểm ưu tiên thì dù học giỏi, 3 môn đều đạt điểm 10, vẫn trượt đại học. Điều đó là bất bình đẳng, thiếu công bằng với các thí sinh.
– Theo ông, tại sao các trường đại học vẫn phụ thuộc rất lớn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, dù đã được tự chủ về lĩnh vực này từ lâu?
– Việc tổ chức một kỳ thi riêng vừa tốn kém, vừa đòi hỏi kỹ thuật cao, trong khi tính hiệu quả chưa có gì đảm bảo. Vì vậy, việc các trường dè dặt, chưa dám tổ chức một kỳ thi riêng, có quy mô đủ lớn, là điều dễ đoán.
Từ phía nhà trường, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể còn một số bất cập nhất định nhưng hệ số an toàn cao hơn, vẫn tuyển sinh được đủ chỉ tiêu.
– Đã 7 năm chúng ta thực hiện kỳ thi “hai trong một” với nhiều thay đổi, ông nhận xét thế nào về kỳ thi này? Kỳ thi này có còn phù hợp để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa là cơ sở để xét tuyển đại học?
– Một mô hình thi có quá nhiều mục tiêu, vừa để xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, vẫn muốn giảm áp lực thi cử, giảm tốn kém, khó có thể cùng lúc cân bằng được. Nó giống như một phương trình có quá nhiều biến thì vô nghiệm.
Trong những bất cập của mô hình này, việc chưa thể chuẩn hóa được đề thi là vấn đề lớn nhất. Đề thi có năm dễ, năm khó. Hai năm nay, đề thi dễ quá, dẫn đến việc khó phân loại được học sinh xuất sắc, giỏi và khá.
Ví dụ, nếu đề thi có mức độ phân hóa cao, một học sinh khá sẽ được 7 điểm, học sinh giỏi được 8-8,5 điểm, học sinh xuất sắc được 9 điểm trở lên. Đề có mức độ phân hóa thấp, học sinh khá đã có thể đạt 9 thậm chí 9,5 điểm. Như vậy, học sinh giỏi và xuất sắc sẽ bị thiệt thòi nhiều vì không phân biệt được rõ ràng so với học sinh khá.
TS Phạm Hiệp ủng hộ phương án để địa phương tự kiểm tra, công nhận tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC. |
Giao quyền cho các địa phương tự công nhận tốt nghiệp THPT
– Bộ GD&ĐT xác định 2022 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới thi cử và tuyển sinh. Theo ông, kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh nên được tổ chức như thế nào?
– Theo tôi, chúng ta nên tổ chức xét tốt nghiệp hoặc giao quyền cho các địa phương tự kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Để làm được điều này, chúng ta phải sửa đổi Luật Giáo dục.
Đối với tuyển sinh đại học, chúng ta không nhất thiết phải quay lại kỳ thi “ba chung” như trước, có thể học tập mô hình các trung tâm khảo thí riêng, một kỳ thi riêng theo SAT hoặc ACT của Mỹ. Tất nhiên, chúng ta sẽ có những điều chỉnh để phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam.
Một mô hình thi có quá nhiều mục tiêu, vừa để xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học vẫn muốn giảm áp lực thi cử, giảm tốn kém, khó có thể cùng lúc cân bằng được. Nó giống như một phương trình có quá nhiều biến thì vô nghiệm.
TS Phạm Hiệp
Cả nước sẽ có một số trung tâm khảo thí cấp quốc gia hoặc trực thuộc một số trường đại học lớn, thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi và có thể tổ chức nhiều đợt thi trong năm.
Mục đích là tách thi/đánh giá ra khỏi tuyển sinh, tạo điều kiện cho thí sinh tự phân loại, sàng lọc để đăng ký vào các trường đại học theo kết quả thi. Thí sinh có thể thi hai lần trong năm, lựa chọn điểm thi cao nhất để đăng ký vào các trường.
Các kỳ tuyển sinh của trường đại học cũng có thể kéo dài thời gian hơn. Nhà nước sẽ có quy định cụ thể những trường nào bắt buộc phải sử dụng kết quả kỳ thi đó. Ví dụ, một số trường, ngành mang tính chất đặc thù, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước thì bắt buộc phải sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.
Một số trường đại học trọng điểm cũng sẽ có quy định tuyển sinh theo kết quả kỳ thi, bên cạnh đó vẫn có thể kết hợp áp dụng những kỳ thi riêng, kỳ thi năng khiếu sao cho phù hợp mục tiêu đào tạo của mình.
– Nếu phương án thi như ông đề xuất thì các trung tâm khảo thí phải lớn và đủ mạnh, đáp ứng cho khoảng 1 triệu thí sinh/năm. Hiện nay, ông đánh giá có trung tâm nào đủ khả năng chưa? Nếu chưa, chúng ta phải xây dựng như thế nào?
– Mô hình lý tưởng là tách phần thi khỏi phần tuyển. Khi đó, thí sinh có thể thi quanh năm, thi nhiều lần và dùng kết quả cao nhất để đăng ký xét tuyển đại học. Với mô hình đó, áp lực tại mỗi lần thi sẽ giảm đáng kể.
Tất nhiên, trong ngắn hạn, chúng ta chưa đủ năng lực kỹ thuật để thực hiện mô hình như vậy thì vẫn phải tiến hành một kỳ thi như hiện nay. Khi đó, Bộ GD&ĐT phải đóng vai trò điều tiết và can thiệp sâu hơn trong ngắn hạn.
– Trong phương án mà ông đề xuất, Bộ GD&ĐT sẽ đóng vai trò quản lý như thế nào?
– Như đã nói ở trên, trong ngắn hạn, Bộ GD&ĐT vẫn phải đóng vai trò điều tiết, can thiệp sâu. Nhưng dài hạn, khi các trung tâm đã đi vào hoạt động ổn định, vai trò của Bộ GD&ĐT sẽ chuyển dịch theo hướng “kiểm soát từ xa” và “hậu kiểm”.
Bộ quản lý các trung tâm khảo thí, ra quy định, nguyên tắc về đề thi và quy trình thi và giám sát việc tổ chức kiểm tra, đánh giá của các trung tâm.
Các trung tâm sẽ trực tiếp vận hành. Mô hình này tương tự mô hình của các trung tâm kiểm định chất lượng hiện nay. Nếu nhìn rộng sang bên ngành giao thông, mô hình này cũng có phần hơi giống việc Bộ Giao thông Vận tải quản lý các trung tâm sát hạch lái xe.