Sốc là từ mà Phùng Thanh Hằng (Phú Thọ) miêu tả cảm giác của mình khi tra cứu điểm chuẩn vào tối 15/9. Đến nay Hằng vẫn không tin mình trượt ngành mình yêu thích dù đã ở ngưỡng điểm rất an toàn so với điểm chuẩn năm trước đó.
D.C.H. đến từ Bắc Giang cũng rơi vào trường hợp oái ăm khi đạt 27 điểm nhưng trượt tất cả nguyện vọng. Dòng trạng thái “18 tuổi, lần đầu tiên tôi biết cảm giác 27 điểm trượt hết tất cả nguyện vọng thi đại học” của D.C.H. đã được lan truyền trên nhiều diễn đàn học sinh sau khi các trường công bố điểm chuẩn.
Điểm chuẩn đại học năm 2021 của nhiều ngành, trường tăng vọt ngoài dự đoán. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Đặt nguyện vọng an toàn nhất có thể nhưng vẫn trượt
Yêu thích ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Phùng Thanh Hằng đặt 2 nguyện vọng đầu vào ngành này vào ĐH Sư phạm Hà Nội ở cả hai khối xét tuyển C00 và D01. Nguyện vọng 3 em vẫn chọn ngành này nhưng ở ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Nhưng Hằng trượt cả 3 nguyện vọng vào ngành, trường mình thích.
“Đạt 24 điểm khối C00 (Văn, Sử, Địa) và 22 điểm khối D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), em đã rất tự tin sẽ đỗ vào ngành mình yêu thích ở ĐH Sư phạm Hà Nội. Ít nhất ở khối D01, điểm thi của em cao hơn điểm chuẩn năm 2020 tận 5 điểm. Nhưng khi tra điểm chuẩn, em không tin vào mắt mình, sao có thể tăng đến gần 8 điểm. Đó là điều không ai có thể tưởng tượng và dự đoán nổi”, Hằng nói.
Năm ngoái, điểm chuẩn ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành ở khối C00 và D01 của ĐH Sư phạm Hà Nội lần lượt là 23 và 16,7. Nhưng năm nay, con số này là 26,9 và 23,95. Điểm chuẩn khối D01 của ngành này tăng đến gần 8 điểm.
Tương tự, Vũ Hạnh đến từ Thái Bình đang không biết nên để sang năm thi lại hay xét học bạ vào một trường đại học nào đó khi em trượt trắng tất cả nguyện vọng.
Đạt 23,5 ở khối A00 (Toán, Lý, Hóa), biết điểm thi không cao so với mặt bằng năm nay, Hạnh chủ động đăng ký vào ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học chương trình chất lượng cao của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Năm ngoái, điểm chuẩn chương trình này là 18,5 điểm. Nhưng năm nay, con số này là 23,6, Hạnh trượt cay đắng.
“Em thấy rất bất công khi năm nay đề Tiếng Anh rất dễ, điểm tăng cao nhưng khối A00, B00 (Toán, Vật lý, Hóa học) xét tuyển chung với D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh). Một mức điểm chuẩn cho cả 3 khối, như vậy rất thiệt thòi cho thí sinh khối A00 như em. Em đã cố gắng chọn chương trình chất lượng cao, điểm chuẩn thấp hơn hệ đại trà, nhưng vẫn trượt”, Hạnh chia sẻ.
Hạnh cũng trượt ngành Quản trị nhân lực ở ĐH Nội vụ Hà Nội khi thiếu 0,5 điểm theo cách tương tự, vì khối A00 xét tuyển chung với A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh).
Được thầy cô dự đoán điểm chuẩn khối D01 có thể tăng từ 1-2 điểm, Đ.T.H.Y (Ninh Bình) mạnh dạn đặt nguyện vọng 1 vào ngành Thương mại điện tử của ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải Hà Nội. Điểm chuẩn ngành này năm 2020 là 22 điểm, trong khi điểm thi của em là 24.
Nguyện vọng 2, Y. đặt vào ngành Thương mại điện tử của ĐH Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Các nguyện vọng còn lại, em lần lượt đặt vào ngành Công nghệ thông tin của ĐH Giao thông vận tải, Marketing của ĐH Công nghiệp Hà Nội và Sư phạm Tiểu học của ĐH Sư phạm Hà Nội 2.
Khi ĐH Công nghệ Giao thông vận tải Hà Nội công bố điểm chuẩn, Y. sốc vì điểm chuẩn tăng hơn 3 điểm, em trượt nguyện vọng mình yêu thích nhất. Nữ sinh cũng lần lượt trượt cả 4 nguyện vọng còn lại.
“Em đã nghĩ điểm thi của mình không đến nỗi nào nên rất hy vọng nhưng cuối cùng trượt trắng. Theo dự báo từ thầy cô, em cũng biết điểm chuẩn sẽ tăng nhưng chỉ nghĩ là tăng nhẹ nên chủ quan đặt ít nguyện vọng”, H.Y. nói.
Tràn đầy hy vọng tối 15/9, nhưng sau khi ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ĐH Giáo dục lần lượt công bố điểm chuẩn, V.T.L. (Ninh Bình) suy sụp, chán nản cùng cực.
L. đạt 26,25 điểm khối C00 và lần lượt đặt các nguyện vọng vào ngành Văn hóa truyền thông của ĐH Văn hóa Hà Nội, Báo chí và Quản trị văn phòng của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Sư phạm Ngữ Văn của ĐH Giáo dục và ngành Quản trị văn phòng của ĐH Nội vụ Hà Nội.
Chỉ thiếu 0,25 điểm là L. đã có thể trung tuyển nguyện vọng 1 hoặc nguyện vọng 4. Cuối cùng L. trúng tuyển nhưng vì nguyện vọng chống trượt nên em không yêu thích và quyết định không nhập học.
“Lúc tra điểm chuẩn em rất thất vọng và chán nản. Em quyết định sẽ thi lại vào năm sau và đã tâm sự với gia đình. Gia đình cũng ủng hộ quyết định của em”, L. nói.
Dòng trạng thái của D.C.H. lan truyền trên nhiều hội nhóm học sinh, sinh viên sau đêm 15/9. |
30 ngành điểm chuẩn tăng từ 9 – 11 điểm
Theo dõi điểm chuẩn đại học năm nay, các chuyên gia, giáo viên đều nhận định điểm trúng tuyển của các trường tốp đầu không nhiều biến động, nằm ở mức tương đương năm ngoái. Các trường đào tạo khối ngành sức khỏe còn giảm nhẹ khoảng 0,25 điểm. Nhóm bứt phá mạnh mẽ thuộc về các trường có điểm chuẩn tầm trung (năm ngoái). Nhận định này tương tự với thống kê của Bộ GD&ĐT.
Theo thống kê được Bộ GD&ĐT thực hiện, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng tăng 152.000 (tỷ lệ 24%) em so với năm 2020. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng tăng 10.000 nhưng chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT không tăng.
Theo thầy Đỗ Ngọc Hà, giáo viên Hệ thống Học Mãi (Hà Nội), số thí sinh xét tuyển tăng trong khi chỉ tiêu không tăng có thể là nguyên nhân khiến điểm chuẩn ở nhiều trường tăng phi mã.
Bộ GD&ĐT cho biết trong khi các trường tốp trên có điểm chuẩn các ổn định hoặc tăng nhẹ, các trường top giữa có nhiều ngành điểm chuẩn tăng mạnh. Trong tổng số 3.259 ngành xét tuyển của cả nước, số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86%. Số ngành có điểm chuẩn tăng từ 9 – 11 điểm là 30 ngành, chưa tới 1% trong tổng số ngành xét tuyển. Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên có 265 ngành (8%).
Bộ GD&ĐT lý giải vì nhiều thí sinh không trúng tuyển ở các đại học tốp trên đổ về tốp giữa nên một số ngành tại nhóm trường này có điểm chuẩn tăng vọt. Mặt khác, điểm bài thi môn Tiếng Anh tăng mạnh cũng tác động đến điểm chuẩn, dẫn đến điểm chuẩn các ngành xét tuyển khối thi có môn này tăng.
Ngoài ra, sự dịch chuyển trong xu hướng chọn ngành của thí sinh cũng dẫn đến điểm chuẩn một số ngành tăng. Nhóm ngành có điểm trúng tuyển tăng từ 5 điểm trở lên tập trung vào Kỹ thuật – Công nghệ, Sư phạm, Kinh doanh và Quản lý, Xã hội và Nhân văn, Pháp luật. Điều này cho thấy bên cạnh việc chọn trường yêu thích, thí sinh dần có xu hướng chọn ngành, khiến điểm chuẩn tăng cao nhưng chỉ tập trung tại một số nhóm.