Trong bốn năm Pep Guardiola dẫn dắt Barcelona, anh không có bất kỳ cuộc phỏng vấn cá nhân với bất kỳ ấn phẩm báo chí nào, với ngoại lệ duy nhất là cuộc phỏng vấn cho DVD về lịch sử Brescia nhưng cuối cùng không biết bằng cách nào lại được phát trên kênh truyền hình RAI của Italy!
Trong khi đó, nói chuyện với Pep lại là cách duy nhất để tôi có thể mở cánh cửa cho tới nay vẫn còn đóng kín dẫn tới thế giới riêng của anh; để tôi có thể khám phá ra điều gì thôi thúc anh, đưa anh tới vị trí mà anh đang đứng hôm nay; thứ gì đã nuôi dưỡng bản năng của anh để anh có thể đưa ra những quyết định đúng trong bóng đá. Và sau tất cả, là để hiểu được cái gì đã kéo anh rời xa những gì mà anh tôn thờ, hay là từng tôn thờ.
Trước cuộc gặp riêng với anh, tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ nghịch ngợm đang kiễng chân nhòm qua một bức tường cao với hi vọng có thể nắm bắt được một vài lát cắt trong một cuộc đời, một bộ não mà tôi chắc chắn là không giống với cuộc đời, bộ não đang thường xuyên được đem ra bàn luận và mổ xẻ.
Chúng ta đều có thể thấy rõ là có rất nhiều Guardiola: Một Guardiola của công chúng, một Guardiola giàu cảm xúc, một Guardiola mong manh, một Guardiola là thủ lĩnh, là hình mẫu, và còn nhiều nữa.
Để có thể khám phá ra phần nào đó của Pep Guardiola đích thực, không thể không cố gắng bóc tách những lớp vỏ bên ngoài, tìm hiểu xem người đàn ông phía sau những bộ trang phục được cắt may khéo léo và vẻ ngoài lạnh lùng kia là người như thế nào.
Thường thì những cuộc gặp với Pep sẽ là cuộc trò chuyện ngắn kéo dài khoảng 20 phút được lên lịch trước và diễn ra khi cả đội kết thúc một buổi tập. Sau khoảng 18 phút, người phụ trách báo chí của câu lạc bộ sẽ tới gõ cửa và hỏi tôi: “Anh có muốn một cốc cà phê không?” thay cho thông báo: “Thời gian đã hết”! Nếu Pep xua anh ta đi và nói rằng “Đừng lo lắng, chúng tôi đang rất ổn”, thì đó là một thành công nhỏ của tôi.
Cuốn sách này được dựng lên từ những chia sẻ của anh. Dù thế nào thì kể từ ngày Pep nắm quyền ở đội một Barcelona, những gì anh nói ra trước báo chí – trong 546 cuộc họp báo – cũng đã đủ để người ta bổ sung vào cuốn từ điển bách khoa bóng đá những thông tin giá trị chắt lọc từ những hiểu biết sâu sắc của anh.
Theo con số mà chính Pep đưa ra, ông đã ngồi trước micro trong hơn 272 giờ, tương đương với 11 ngày trọn vẹn, tức khoảng 800 câu hỏi trong một tháng. Các bạn có tưởng tượng được không? Từng hành động, cử chỉ, lời nói của anh đều bị giới truyền thông mổ xẻ, phân tích, và đôi khi suy luận theo một hướng hoàn toàn khác.
Ônh từng được hỏi liệu có tin Chúa hay không, có làm thơ không, quan điểm chính trị thế nào, nghĩ sao về cuộc khủng hoảng tài chính và, ít nhất một trăm lần, ông có định gia hạn hợp đồng hay không (“mặc dù tôi không thực sự quan tâm anh có gia hạn hay không”, một phóng viên từng nói với anh như thế!).
Pep Guardiola trong một cuộc họp báo trước trận đấu. Ảnh: Reuters. |
Các cuộc họp báo trước trận thường kéo dài trong nửa tiếng, và lúc nào cũng trở thành câu chuyện trong ngày. Nhưng bạn có thể rút ra nhiều điều từ những buổi họp báo ấy hơn nếu bạn thực sự quan tâm tới cả yếu tố chính trị bên trong giới truyền thông lẫn bản thân nhân vật chính.
Ông có thể hầu như không biết thêm gì về đội bóng, nhưng bằng sự nhạy cảm của mình, ông có thể hiểu thêm về tâm trạng và suy nghĩ của Pep.
Thế cho nên, hãy ngừng nhảy loi choi cố xem điều gì đang diễn ra ở bên kia bức tường đi. Hãy ngồi xuống, nếu bạn còn chưa sẵn sàng, một trong những hàng ghế đầu của phòng họp báo không có người hôm nay. Bạn sẽ là phóng viên duy nhất có mặt.
Hãy tưởng tượng Pep đang kẹp theo một chai nước, vội vã bước tới bàn, vội vã ngồi xuống, căng thẳng chạm tay vào microphone, sẵn sàng chia sẻ với bạn những suy nghĩ của mình. Câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi mà bạn muốn hỏi sẽ được tiết lộ ngay sau đây. Mà cũng có thể chẳng có câu trả lời nào. Nên hãy cứ đọc và tự tìm hiểu.
Buổi họp báo bắt đầu. Pep cúi người về phía microphone, và bắt đầu nói:
“Khi tôi đối mặt cánh báo chí hay các cầu thủ, ban đầu lúc nào tôi cũng phải cố, đôi khi phải diễn. Nhưng cuối cùng tôi luôn nói ra được điều mình nghĩ. Cảm giác xấu hổ, sợ hãi, lo lắng bản thân sẽ hành xử như một thằng ngốc khiến tôi phải nén mình lại”.
“Bóng đá đã dạy tôi rằng tôi không thể kiểm soát được mọi thứ trên sân, nên tôi lúc nào cũng sợ những gì mình nói ra hôm nay có thể quay trở lại ám ảnh mình vào ngày hôm sau. Đó là lý do trong tôi lúc nào cũng có một chút hoài nghi, một chút ‘je ne sais quoi’, một chút mông lung”.
“Người ta hay nói tôi là kẻ giả vờ khiêm tốn vì bao giờ cũng nhường hết công lao cho các cầu thủ. Nhưng không phải là tôi không muốn nhận công về mình – đội được như thế nghĩa là tôi phải làm đúng cái gì đó chứ – mà tôi chỉ sợ là những gì mình nói ra sẽ quay lại tấn công tôi. Bởi vì ngay cả khi tôi làm đúng những gì mà mình đang làm, tôi vẫn có thể thất bại ở trận tiếp theo”.
“Tôi thà bị sai một triệu lần còn hơn là tạo cho những người xung quanh mình ấn tượng là tôi biết chắc về một điều gì đó mà trên thực tế tôi không chắc. Bởi vì nếu hôm sau tôi thất bại dù vẫn làm y chang những gì tôi đang làm lúc này, người ta sẽ bảo ngay ‘Ông đâu có thông minh đến thế, sao điều đó mà ông cũng không nhìn ra nhỉ?’”
“Tôi thành công bởi vì tôi đang ở trong một tập thể có nhiều cầu thủ rất giỏi, việc của tôi là làm cho họ nỗ lực và thể hiện hết khả năng của mình. Làm được như thế, cứ mười trận thì tôi có thể thắng tám hay chín trận. Nhưng khoảng cách giữa chiến thắng và thất bại là rất nhỏ… Chelsea không vô địch Champions League bởi vì Terry trượt chân khi đang đá penalty, đúng vậy, là trượt chân! Tôi đã nhắc lại ví dụ ấy hàng nghìn lần với các cầu thủ của mình.
Người ta đã viết ba hay bốn cuốn sách gì đó về thuật lãnh đạo của tôi. Tôi đọc hết, như là một cách tự khám phá bản thân, để xem liệu tôi có thực sự làm những việc như thế hay không, bởi vì chính tôi cũng chẳng biết. Họ rút ra những kết luận về tôi mà khi đọc, tôi cứ tưởng họ đang nói về một ai đó khác”.