Với sự xuất hiện của Messi, phòng thay đồ của đội chủ sân Camp Nou được xem là một trong những nơi khó quản lý nhất bóng đá thế giới.
Quique Setien hẳn đang thấm thía điều này. Cựu thuyền trưởng Real Betis không có một sự nghiệp cầu thủ ấn tượng hay gặt hái thành công trên tư cách HLV. Điều đó khiến ông gặp khó để thu phục những cầu thủ có cá tính mạnh của Barca.
Tháng trước, Suarez công khai chê Setien. Liên tục trong vài tuần lễ qua, truyền thông đề cập đến những lần các cầu thủ Barca nghe chỉ đạo của Messi và phớt lờ hướng dẫn HLV trưởng cùng trợ lý Eder Sarabia.
Quản lý phòng thay đồ Barca chưa bao giờ là điều dễ dàng. Đến ngay cả một huyền thoại như Pep Guardiola cũng vấp phải không ít khó khăn trong buổi đầu dẫn dắt đội một Barca.
Trong cuốn sách “Pep Guardiola – một cách khác để chiến thắng”, cuốn sách được đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất về cuộc đời Pep, tác giả Guillem Balague đã kể về buổi đầu khó khăn của HLV người Tây Ban Nha trong việc thu phục những cá tính lớn trong đội hình Barca.
Messi – cá tính phức tạp nhất
Với Messi, bóng đá luôn là tất cả. Với anh, được chơi trên khoảnh sân xấu thậm tệ ở quê nhà Rosario đem lại hạnh phúc không kém gì sải bước trên thảm cỏ Camp Nou.
Messi luôn là như vậy. Trên sân Messi hành xử thế nào, ngoài sân anh cũng hành xử thế. Messi không thích nói chuyện với báo chí, luôn trốn camera và không thích phải ra mặt tuyên bố một thứ gì đó cho tập thể.
Messi không thích nói nhiều. Anh chỉ có một ngôn ngữ được thể hiện qua trái bóng. Nhiệm vụ của Pep tất nhiên là phải khiến Messi hạnh phúc, tạo mọi điều kiện cho chàng trai này thể hiện tốt nhất trên sân cỏ.
Bạn có thể đấm, đá, chơi xấu với Messi trên sân cỏ và anh ta vẫn sẽ chơi bóng như thể ngày còn ở quê nhà Rosario. Messi chỉ không thích tất cả những thứ còn lại như truyền thông, quảng cáo hay sự quan tâm từ những cô gái.
Pep Guardiola sẵn sàng nuông chiều Messi vì tài năng bóng đá quá lớn của cầu thủ người Argentina. Ảnh: Getty. |
Pep nhanh chóng nhận ra rằng mình cần bảo vệ Messi tốt nhất có thể trước truyền thông. Khi trở thành HLV Barca, Pep đề nghị để Messi thoát khỏi nhiều cuộc phỏng vấn từ báo chí. Nếu có, Messi chỉ được phép nói về bóng đá.
Pep từng nói chuyện với HLV trưởng Argentina Alejandro Sabella về Messi thế này: “Ông không cần nói quá nhiều với Messi, đơn giản chỉ cần bảo vệ và lắng nghe những gì cậu ấy nói. Và điều quan trọng nhất, đừng bao giờ thay cậu ấy ra khi cậu ấy không muốn”.
Nếu tình hình trở nên xấu đi, HLV trưởng Barca cần có cách phản ứng thông minh và ý nhị để yêu cầu Messi giải quyết vấn đề. Trong bóng đá, Messi chưa bao giờ sợ hãi bất cứ điều gì.
Một hôm, Pep dặn dò các học trò của mình: “Khi Messi bỗng dưng chạy nhiều hơn để pressing đối thủ, các cậu cần phải hiểu rằng Leo đang muốn toàn đội đồng thời làm điều đó. Cậu ấy sẽ hiếm khi nói ra trực tiếp”.
Nhưng Messi cũng có lúc mắc lỗi. Trong một trận đấu gặp Arsenal, Messi chơi cực kỳ kém. Anh không thèm lui về hỗ trợ phòng ngự, thi đấu mờ nhạt và hoàn toàn bị lu mờ bởi Ibrahimovic, người đã lập cú đúp trong vai trò trung phong.
Pep chắc chắn cảm thấy mình may mắn khi dẫn dắt Messi trong thời điểm Xavi và Iniesta còn thi đấu.
Hai huyền thoại của Barca là những người luôn bảo vệ Messi, nhưng cũng sẵn sàng chỉ trích Leo khi cậu ta phạm sai lầm. Họ đã làm điều đó sau trận gặp Arsenal nói trên.
Việc ăn uống của Messi cũng khiến Pep đau đầu. Leo chưa từng ăn cá trước khi Pep đến. Số 10 của Barca còn ăn cả bỏng ngô, pizza, uống nước ngọt có gas và xơi một lượng lớn loại chocolate ưa thích.
Bằng một cách tiếp cận nhẹ nhàng và bao dung, Pep đã thành công trong việc yêu cầu Messi thay đổi khẩu phần ăn của mình.
HLV người Tây Ban Nha chưa bao giờ nói rằng Messi phải làm thế này, Messi phải làm thế nọ. Pep tự để cho Messi cảm thấy mình có trách nhiệm trong một tập thể.
Có lần, Pep sẵn sàng để Messi đi nghỉ mát sớm (và về trễ) hơn phần còn lại của đội bóng. Sự nuông chiều của Pep với Messi có lý do của nó. Pep nói chuyện và yêu cầu Messi chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào khác trong đội hình Barca.
Và Messi luôn đáp ứng yêu cầu của Pep. Pep hơn một lần khẳng định rằng nếu Messi chơi không tốt, đó là bởi vì người ta đã không tạo ra được cho Messi một môi trường tốt để anh phát huy hết khả năng.
Đó là lý do Barca sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn với thủ môn dự bị Jose Manuel Pinto, người bạn thân thiết nhất của Messi trong đội hình Barca.
Kể từ khi Pep ra đi, không còn HLV nào đủ khả năng “thuần phục” Messi tốt như cựu HLV Bayern nữa. Ảnh: Getty. |
Quyền lực tuyệt đối của Messi
Tất cả mọi ưu ái mà Pep dành cho Messi đều nhằm mục đích duy nhất: giúp Barca chiến thắng. Nhưng khi mọi thứ trên sân không diễn ra đúng theo kịch bản, các vấn đề bắt đầu lộ ra.
Trong năm cuối cùng của Pep tại Barca, Messi đã chơi thứ bóng đá có thể coi là tệ nhất trong sự nghiệp.
Sau khi bị HLV đẩy lên băng ghế dự bị trong trận đấu với Real Sociedad, Messi bỏ tập ngày hôm sau. Messi đã không thể kiềm chế cơn giận dữ của mình cho đến khi bị gạt ra rìa ở trận đấu tiếp theo.
Nhược điểm lớn nhất của Messi (và cũng có thể là ưu điểm!?) đó là khi không được thi đấu, anh trở thành một bóng ma vật vờ. Phải chăng Guardiola chính là người góp công lớn nhất, tạo ra con “quái vật” mang tên Messi tại Barca?
Siêu sao người Argentina đã có quyền lực tuyệt đối ở Camp Nou trong giai đoạn cuối của Pep, điều đã kéo dài đến tận ngày hôm nay.
Messi bực tức với các cầu thủ trẻ khi họ không làm theo ý anh trên sân bóng. “Ngẩng cái đầu lên”, Messi hét với Cuenca trong trận gặp Granada. “Chuyền đi”, Messi hét vào mặt Tello trong trận gặp Milan khi cầu thủ trẻ này không chuyền cho Leo ghi bàn trong tư thế trống trải.
David Villa cũng có thời điểm trở thành nạn nhân chỉ vì quá ham sút trong một pha bóng. Tầm ảnh hưởng của Messi lúc này đã vượt qua ngoài sân bóng.
Ban lãnh đạo Barca đã hỏi ý kiến Messi khi họ chuẩn bị chiêu mộ Neymar. Messi biết cầu thủ trẻ người Brazil thông qua Dani Alves và ba cầu thủ đã chơi game cùng nhau. Sau lần chơi game cùng nhau đó, Messi bật đèn xanh cho Barca chiêu mộ Neymar.
Messi nhiều lần đòi BLĐ Barca mua lại Neymar trong 2 năm qua. Ảnh: Getty. |
Liệu Pep có lúc nào đó cảm thấy hối hận vì đã trao cho Messi quá nhiều quyền lực? Trong bài phát biểu ngày chia tay Barca, Pep tuyên bố ông ra đi vì không muốn làm tổn thương những người khác.
Lời nói của Pep khiến nhiều người liên tưởng đến Messi, người mà Pep yêu quí nhất và không muốn phá vỡ mối quan hệ để giúp Barca đạt thành công.
Sự ở lại của Pep (nếu có) sẽ tạo ra xung đột quyền lực với Messi. Để tiếp tục lèo lái con thuyền Barca đến đỉnh cao, Pep có thể sẽ phải tước bỏ một phần quyền lực của Messi.
Tất nhiên, mọi thứ chỉ là giả thuyết. Pep đã chấp nhận rời Barca để tiếp tục hành trình HLV của mình ở Bayern rồi bây giờ là Man City.
Từng là một cầu thủ huyền thoại tại Barca, hơn ai hết Pep chính là người thấu hiểu nỗi đau và sự cô đơn của Messi. Trong phần lớn thời gian dẫn dắt Barca, Pep đã tạo ra sự cân bằng cho Messi, một cầu thủ xuất chúng trên sân cỏ nhưng không phải lúc nào cũng dễ mến.
Messi có những vấn đề phức tạp của riêng mình và Pep đã nhiều lần giải quyết nó thành công.
Khi Pep rời Barca, ông có lẽ đã hiểu rằng mình không còn tạo ra được sự cân bằng hoàn hảo cho phòng thay đồ Barca.
Trong bóng đá hiện đại, HLV luôn là người tạo ra sự cân bằng cho đội bóng. Khi HLV nhượng bộ quá mức một cầu thủ kể cả anh ta xuất chúng đến như thế nào đi chăng nữa, điều đó sẽ tạo ra những hệ luỵ cho tập thể.
Trong con mắt của nhiều người, sự sa sút của Barca trong nhiều năm trở lại đây có nguyên nhân không nhỏ từ việc đội bóng này thiếu một HLV tên tuổi trên băng ghế huấn luyện.