Sách (tạm dịch từ nguyên bản tiếng Anh: Pay the devil in bitcoin) thuật lại quá trình sinh thành, bành trướng và tác oai tác quái hầu như trên toàn cầu của bitcoin, đồng tiền ảo đang gây tranh cãi.
Xuất hiện chính thức từ 2008, bitcoin được coi như đồng tiền trung gian trước hết trong các giao dịch thương mại. Nó khiến cho các giao dịch khác cũng được thực hiện mau lẹ và thuận tiện. Song hiểm họa ập đến, từ vai trò “sứ giả” của nó đối với các đồng tiền thật, chỉ hoạt động trên mạng, nó trở thành công cụ lừa đảo vô hình. Ví như rửa tiền, mại dâm, buôn người, ma túy.
Nhật Bản là trung tâm của bitcoin. Ấy là do một người Nhật, biệt danh Satoski Nakamoto, sinh ra nó. Người này không bao giờ lộ diện. Sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới, tên là Bitcoin Mt.Gox, hoạt động ở xứ sở hoa anh đào.
Năm 2013, nó nắm giữ 80% giao dịch bitcoin thế giới. Tuy nhiên, năm 2014, nó phá sản, với khoản “thâm hụt” 850.000 bitcoin, tương đương nửa tỷ đô la Mỹ. Nó bị nhiều tổ chức và cá nhân ở nhiều nước khởi kiện về tội gian lận, chiếm đoạt tiền của của họ.
Jake Adelstein và quà tặng đầu tiên của các Yakuza. Ảnh: An Ninh Thế Giới. |
Tổng giám đốc của nó, Mark Karpeles, chàng trai người Pháp sinh năm 1985, đến Nhật làm ăn từ 2009, vướng vòng lao lý, dù luôn khẳng định mình vô tội.
Tới nay, vụ Bitcoin Mt.Gox trở thành vụ bê bối kỹ thuật số lớn nhất toàn cầu. Mark Karpeles, một ông trùm kỹ thuật này, hóa thành tên tội phạm “mạng” đáng gờm hơn cả.
Vụ việc chấn động dư luận, không chỉ ở Nhật Bản. Hai trong hàng chục nghìn người lo lắng đã không thể chỉ bằng lòng với những bài báo đơn giản. Họ thấy cần đào sâu vào cơ cấu của hệ thống chằng chịt vô số tương giao bitcoin nhằm tìm ra những luật riêng của vấn nạn kinh tế ngầm mới này.
Thật thú vị, cả hai người đều yêu thương hết lòng đất nước Nhật Bản. Một người là nữ nhà báo Thụy Sĩ Nathalie Stucky, do mẹ là người Nhật, nên nhiều năm rồi, tới lui quê mẹ làm việc.
Cô làm sao có thể dửng dưng với những đòn như bitcoin của giới tội phạm có tổ chức! Người kia là nhà báo kiêm nhà văn Mỹ Jake Adelstein, gắn bó với xứ sở hoa anh đào bằng một tình yêu có một không hai.
Chính thảm họa bitcoin khiến Jake Adelstein phát hiện Nathalie Stucky và mời cô cộng tác điều tra kỹ lưỡng để viết nên bộ sách nêu trên. Với nội dung như vừa được biết, cuốn truyện ký bóc trần những nguy hại mà đồng tiền ảo mang lại cho rất nhiều người. Đáng thương nhất trong đó là những người lao động lương thiện, suốt đời cần cù và tiết kiệm…
Jake Adelstein sinh năm 1969, bị bệnh hay cáu kỉnh, ông được một người thầy cấp một khuyên học võ Nhật Bản. Từ việc học võ, ông biết rằng xứ sở hoa anh đào là nơi đáng sống.
Năm 19 tuổi, ông không vào đại học mà tự mình sang Nhật. Đến nơi, ông xin vào ở một ngôi chùa. Để sống được, ông dạy tiếng Anh, chủ yếu cho trẻ em bản địa, ghi phụ đề phim ảnh.
Năm 1992, Jake Adelstein ra trường, đến xin việc ở Yomiuri Shunbun, nhật báo có lượng phát hành rất lớn. Yomiuri Shunbun đòi hỏi rất cao ở nhân viên của mình. Đến mức nghiệt ngã.
Jake Adelstein phải làm việc mỗi tuần 80 tiếng. Không say nghề, chắc không trụ lại được. Thế nhưng, năm 2005, ông buộc lòng phải nói lời giã biệt.
Ra khỏi báo, ông vẫn luôn thừa việc, nhờ đức độ cao sang và tay nghề siêu hạng. Bận bịu tối ngày, ông vẫn dành thời gian cho say mê riêng. Ấy là phơi bày những điều không đẹp, lý ra không thể có ở xứ sở của những thần kỳ mang đến biết bao niềm vui cho nhân loại.
Lao động ngoài giờ cật lực của ông kết thành một bộ sách rất dày: “Khuyết tật của Tokyo” (tạm dịch từ “Tokyo vice”). Bộ sách được đánh giá là một thành tựu của sự kết hợp văn học phi hư cấu và tân thông tấn tự sự, vốn thịnh hành ở Mỹ đã nhiều thập niên. Ra mắt năm 2009, bộ sách lập tức gây tiếng vang lớn ở Mỹ và Nhật. Lời khen ngợi nối tiếp nhau bất tận.
“Khuyết tật của Tokyo” là truyện trinh thám lạnh gáy về một nhà báo, một mình chống lại các yakuza (mafia Nhật Bản). Ông dám vào hang bắt cọp. Ông cùng giải trí, cùng trượt băng, cùng “nhậu” với các yakuza. Biết chống trả khi có người định hại mình.
Được biết một chuyện mờ ám của ông trùm mafia Nhật Tadamasa Goto, ông về Mỹ ngay và phát hiện tên này, để được sang Mỹ chữa gan, đã hối lộ FBI một món tiền lớn và một số bí mật nội bộ.
Goto yêu cầu ông không công bố bài báo (và sau này là bộ “Khuyết tật của Tokyo”). Nếu không, ông và gia đình sẽ bị “xóa sổ”. Ông không sợ. Thậm chí còn tìm cách công bố sớm nhất, trước khi mình có thể mất mạng! Khi bộ sách ra đời, yakuza càng tức tối.
Ông bèn cho vợ con về Mỹ, sống trong sự bảo vệ của cảnh sát. Còn ông vẫn ở lại Nhật, nhờ cảnh sát Nhật bảo vệ. Khi ông thuê một vệ sĩ riêng, một cựu yakuza tình nguyện nhận việc.
Theo ý nguyện của người này, ông viết tiểu thuyết thứ hai: “Kẻ cuối cùng của thế giới yakuza” (vinh và nhục của một người sống ngoài vòng pháp luật ở đất nước Mặt trời mọc), 2016.
Vẫn là chuyện người thật việc thật hút hồn. Vũ trụ yakuza được miêu tả chân thực. Với những tên giết người máu lạnh, những kẻ buôn người và kinh doanh ma túy lì lợm… Chúng sẵn sàng trừ khử nhau vì chút lợi nhỏ. Nhưng, cũng xả thân cứu người hoạn nạn. Khi buồn, vẫn hát những khúc dân ca bất hủ…
Nhân vật chính là một yakuza hoàn lương, nguyên mẫu là vệ sĩ của Jake Adelstein. Cuộc chiến của người cựu yakuza này để giữ gìn danh dự cho bản thân và mạng sống cho gia đình là những trang văn thót tim bạn đọc.
Nó được phụ họa bởi nỗ lực của chính phủ triệt phá các “tập đoàn” yakuza (thực chất là các băng đảng tội phạm có tổ chức)… Ba bộ sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ.
Hiện “Khuyết tật của Tokyo” được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều “mùa”. Jake Adelstein vẫn điềm nhiên đi lại, làm việc ở đất nước Mặt trời mọc. Ấy là vì ông được nhân dân xứ này yêu thương và bảo vệ.
Ông biết mình đã thành một người dân Nhật đích thực. Không có tình yêu sâu nặng và thiết thực với xứ ấy, ông làm sao có thể đủ dũng khí để sống và làm việc đến mức đó. Sự nghiệp của ông là một minh chứng cho sức sống vô địch của lương tri và lẽ phải…