Cuốn sách “Pep Guardiola – một cách khác để chiến thắng” của tác giả Guillem Balague được đánh giá là một trong những cuốn tiểu sử hay nhất về cuộc đời vị HLV người Tây Ban Nha.
Người viết lời tựa cho cuốn sách, ngạc nhiên thay, lại chính là Sir Alex Ferguson. Pep Guardiola chưa bao giờ đến MU trên tư cách cầu thủ lẫn HLV, nhưng sự ngưỡng mộ sâu sắc mà HLV huyền thoại người Scotland dành cho hậu bối đã được ông thể hiện rõ ràng trong cuốn sách.
Sir Alex ít nhất đã có hai lần đích thân ngỏ ý mời Pep Guardiola về MU. Ảnh: Getty. |
Cầu thủ Guardiola – tiếc nuối lớn của Sir Alex
Sau đây là lời tựa Sir Alex viết cho cuốn tiểu sử về Pep.
Tôi đã thất bại trong việc chiêu mộ Guardiola từ khi cậu ta còn là cầu thủ. Đó là thời điểm Guardiola nhận ra cậu ấy không còn có tương lai xán lạn tại Barcelona. Dù thế, cậu ấy có lúc vẫn do dự với quyết định rời câu lạc bộ mình đã cống hiến gần cả tuổi thanh xuân.
Chúng tôi (Manchester United) đã nói chuyện với Guardiola và tôi nghĩ mình có cơ hội tuyệt vời để đưa cậu ấy về Old Trafford. Có lẽ tôi đã chọn đúng người, nhưng sai thời điểm.
Guardiola luôn là cầu thủ đầy thú vị. Cậu ta giống như Paul Scholes: Một đội trưởng, thủ lĩnh và là tiền vệ trưởng thành dưới mái trường của Johan Cruyff – cậu ta thuộc về Dream Team của Barca những năm 90 của thế kỷ trước.
Guardiola biết cách điều tiết trận đấu, giống như nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng vậy. Điều đó khiến Guardiola trở thành một trong những tiền vệ trung tâm giỏi nhất ở thế hệ của mình.
Tôi luôn khao khát cầu thủ như thế. Vì không mua được Guardiola, cuối cùng tôi đã chiêu mộ Juan Sebastian Veron thay thế. Những cầu thủ dạng đó luôn là thứ tôi tìm kiếm trong đội hình của mình.
Thi thoảng, bạn sẽ hồi tưởng lại những cầu thủ hàng đầu trong quá khứ và tự hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu cậu ta đến Man United?”. Pep thuộc về trường hợp như vậy. Cậu ta là một trong những trường hợp tôi tiếc nuối nhất.
Tôi có thể hiểu được tại sao Pep không muốn rời Barca. Trên tư cách cầu thủ, được chơi bóng tại Barca với cậu ấy chẳng khác gì được chơi cho CLB của cuộc đời mình. Khi tôi tiếp cận Pep, cậu ấy có thể vẫn nuôi hy vọng về việc mình tiếp tục được chơi bóng tại CLB xứ Catalonia.
Điều ấy thật đáng buồn, bởi vì không có gì là bất tử trong bóng đá: Tuổi tác và thời gian sẽ săn đuổi bạn. Đến ngày nào đó, bạn và CLB sẽ phải đường ai nấy đi.
Ngày ấy tôi đã đưa cho Pep một giải pháp, ngã rẽ khác cho sự nghiệp, nhưng mọi thứ rốt cuộc đã không xảy ra. Trường hợp của Pep khiến tôi nhớ đến Gary Neville. Cậu ấy đã ở Manchester United từ năm 12 tuổi. Old Trafford giống như nhà của cậu ấy, còn MU là gia đình.
Trong bóng đá, đến ngày nào đó mọi thứ phải kết thúc. Ở trường hợp của Pep, sự nhận ra muộn màng ấy khiến mọi thứ trở nên khó khăn.
Sir Alex ngưỡng mộ Pep từ khi còn là cầu thủ. Ảnh: Getty. |
Bóng đá thật tốt khi có Pep
Có điều tôi khiến tôi chú ý về Guardiola – một phẩm chất quan trọng tạo ra thành công ngày hôm nay cho cậu ấy trong vai trò HLV – đó là sự khiêm tốn. Pep chưa bao giờ tự mãn, luôn tôn trọng mọi người.
Đó là phẩm chất cực kỳ quạn trọng với cầu thủ. Pep không phải là mẫu cầu thủ hay xuất hiện trên trang nhất các tờ báo. Cậu ấy luôn chơi thứ bóng đá trầm tĩnh của mình. Pep có thể không phải là người nhanh nhất, nhưng tuyệt diệu nhất, nhạc trưởng của bóng đá.
Khi làm HLV, Pep cực kỳ nguyên tắc trong cách vận hành đội bóng. Thua hay thắng, các đội bóng của Pep luôn chơi thứ bóng đá giống nhau, một thứ bóng đá thanh lịch và không phô trương những kỹ năng cá nhân.
Tôi nghĩ thật tốt cho thế giới bóng đá khi có nhân vật như vậy. Tuy nhiên, tôi luôn chắc khi đã ở đỉnh cao của nghiệp HLV (quãng thời gian cùng Barca), Pep sẽ luôn bị ám ảnh bởi những gì xảy ra sau đó.
“Những vinh quang này sẽ kéo dài bao lâu? Liệu tôi có thể tạo ra đội bóng bách chiến bách thắng khác? Tôi có thể vô địch Champions League lần nữa? Tôi có thể duy trì đỉnh cao này trong tương lai?”.
Nếu phải khuyên Pep, tôi sẽ nói với cậu ấy rằng đừng lo lắng về điều đó. Một thất bại ở Champions League sẽ không thể phủi sạch những thành tựu và tài năng của cậu ấy trong nghề HLV.
Tôi hiểu những áp lực, kỳ vọng cao vời vợi mỗi khi Guardiola cầm sa bàn. Mọi người luôn muốn đánh bại các đội bóng của Guardiola.
Tôi nghĩ cậu ta thật may mắn khi rơi vào trường hợp kiểu như vậy. Bởi vì điều duy nhất cậu ta phải lo lắng chỉ là đánh bại những kẻ muốn ngăn cản họ đến thành công. Cậu ta sẽ có sự tập trung tốt nhất cho chiến thắng.
Trong trải nghiệm của tôi, một con người bình thường luôn chọn làm những điều dễ dàng trong cuộc sống. Tôi biết một số người muốn nghỉ hưu sớm ở tuổi 50. Vì thế thật tuyệt khi có những Scholes, Giggs, Xavi, Messi hay Puyol, những con người tuyệt vời luôn chiến đấu vì danh dự hơn tất thảy mọi thứ.
Đội bóng của Pep luôn có những người như thế, những người không bao giờ muốn nghỉ hưu sớm.
Bữa ăn tối gây tiếc nuối
Khi viết lời tựa cho cuốn sách tiểu sử của Guillem Balague, Sir Alex không nói cụ thể thời gian lần mời Pep trên tư cách cầu thủ. Tuy nhiên, theo cây viết Paolo Baldini, lần MU muốn chiêu mộ Guardiola là giai đoạn những năm 1998-2000, thời điểm tương lai của Pep tại Barca bị đặt dấu hỏi nghiêm trọng nhất.
Barca khi đó đã từ chối lời đề nghị trị giá hơn 2,3 triệu USD của Roma cho Pep vào mùa hè 1998. MU với Sir Alex chưa bao giờ công khai mua cầu thủ, họ chỉ âm thầm thực hiện các cuộc nói chuyện. Pep do dự và sau đó gia hạn hợp đồng với Barca đến năm 2001.
Đó cũng là thời điểm Veron cập bến MU. Lúc này, Pep đã 30 tuổi và hài lòng với việc thi đấu cho Brescia của Italy theo dạng chuyển nhượng tự do.
Lần mời còn lại của Sir Alex diễn ra khi Pep đã trở thành HLV hàng đầu. Sir Alex giải nghệ vào cuối mùa giải 2012/13, và ông đã nói chuyện với Pep vào năm 2012, thời gian khá lâu trước khi thông báo quyết định giải nghệ.
Pep lúc này nghỉ việc tại Barca được một thời gian. Sir Alex không hề giấu sự ngưỡng mộ với Pep (điều sau này khiến Jose Mourinho hết sức tức giận). Cả hai đã có một bữa ăn tối thân mật tại New York (Mỹ), nhưng rồi thương vụ Pep đến MU đã không diễn ra vì rào cản ngôn ngữ.
Trong cuốn tự truyện “Leading” của mình, Sir Alex kể lại: “Tôi đã đề nghị Pep thông báo trước với tôi một tiếng, nếu có bất kỳ CLB nào mời Pep về làm việc, trong giai đoạn nghỉ ngơi của cậu ấy vào năm 2012. Cậu ấy sau này đã không nói gì với tôi về Bayern Munich”.
Không được Pep thông báo, Sir Alex chọn David Moyes vào năm 2013, cùng thời điểm Pep đến Bayern Munich.
Sau này, HLV người Tây Ban Nha thừa nhận tiếng Anh của mình khi đó không tốt, và nhiều khả năng lời đề nghị của Sir Alex đã bị HLV này hiểu nhầm.
“Tiếng Anh của tôi khi đó không tốt như bây giờ”, Pep nói về bữa ăn với Sir Alex. “Chúng tôi đã nói chuyện nhiều, về đủ thứ trên đời. Sir Alex nói nhanh và nhiều khiến tôi gặp khó khi nghe. Có lẽ tôi đã không nghe kịp hay không hiểu hết những lời ông ấy nói khi đó. Tôi thật sự không nhớ rõ hết mọi nội dung của cuộc nói chuyện năm đó”.
Thêm một lần nữa, mối lương duyên giữa Pep và MU không thành. Tuy nhiên, tiên trách kỷ hậu trách nhân, Sir Alex chỉ có thể tự trách mình vì theo lời Pep, HLV người Scotland đã không đưa ra lời đề nghị công khai nào trong bữa ăn hôm ấy.
Và có thể những câu nói bóng gió về tương lai, với chất giọng Scotland đặc sệt của Ferguson đã khiến Pep không nghe nổi. Có lẽ vị HLV huyền thoại này chờ đợi nhiều hơn sự mở lời từ Pep với mong muốn dẫn dắt MU.
Tuy nhiên, Pep đã không làm thế và giờ thì ông đang ở Man City. Đầu năm nay, HLV người Tây Ban Nha khẳng định vì đã dẫn dắt Man City, ông thà thất nghiệp còn hơn đến Old Trafford.
Sau 2 lần mời gọi bất thành của Sir Alex, Pep có lẽ sẽ chẳng bao giờ đến MU nữa.