Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo là sách viết về cuộc đời hoạt động và cống hiến của vị lão thành cách mạng Trần Quốc Hương. Ông là người chỉ huy mạng lưới tình báo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cấp trên trực tiếp của các nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.
Được sự đồng ý của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, NXB Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị tái bản sách nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 – 19/8/2020), Zing trích đăng một phần nội dung tác phẩm.
Có thể nói bản lý lịch công tác của đời ông khá điển hình cho cuộc đời của một thế hệ chiến sĩ lão thành, được Đảng phân công làm rất nhiều công tác khác nhau đều nỗ lực hoàn thành.
Về cuộc đời ông Mười Hương, các đồng chí của ông nhận xét rằng không chỉ là một cuộc đời mang nhiều chiến công gắn bó với các giai đoạn cách mạng, mà đời ông còn cho thấy ông là một người dám nói ra nhận định của mình một cách thẳng thắn.
Một phần bìa sách Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo của NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM sắp phát hành. |
Chịu đựng, rồi sự thật sẽ chiến thắng
Thái độ cư xử với những thăng trầm cuộc đời, với những điều không may, với bè bạn, rất rõ những suy nghĩ sâu sắc, mang phong cách riêng.
“Suốt cuộc đời tôi sống không có gì phải ân hận”. Câu nói này chúng ta đã nghe ở nhiều người. Ý nghĩa chính mà họ nghĩ có lẽ là: Cả đời đã cống hiến, đã đi theo cách mạng là đúng, không có gì phải ân hận. Nhưng nếu xét chi li kỹ lưỡng theo những gì một đời người phải trải qua, phải giải quyết, có thể có gì sai không, thì nói ra được câu ấy, không phải chuyện dễ.
“Tôi là người dạng ưu tư, hay nghĩ ngợi lắm. Suốt gần 6 năm ở trong tù chế độ Ngô Đình Diệm, tôi nghĩ kiểm lại toàn bộ quá khứ. Là bởi vì ở trong tù luôn căng thẳng, luôn phải nghĩ ngợi, cái đầu làm sao giữ được quân bình và sáng suốt. Muốn vậy trong lòng phải thật sự không có gì phải ân hận hay vướng mắc”.
“Tôi nhớ lúc đó mình chỉ tiếc một điều là ra đi không để cho con một tấm hình nào, nếu từ đây không bao giờ được trở về nữa thì con nó không biết gì về cha. Còn ngoài ra, lòng tôi thanh thản vì đã sống đúng, làm việc hết mình cho cách mạng. Nếu trước đây sống bừa bãi, sai trái thì lúc ở tù nghĩ lại ấy chắc chắn sẽ ân hận giày vò không thế nào sống yên được.
Không quan tòa nào bằng lương tâm, mình không thể giấu chính mình được. Giả dụ như tòa án của nó không giết mình được, không xử tội mình được, nhưng nếu mình làm điều gì sai trái thì quả là sống dở chết dở”.
Chính vì vậy, ông nói rằng đời ông không có gì ân hận. Ông là người coi trọng đạo đức, lương tâm. Với Đảng, ông luôn trung thực nghĩ gì nói nấy. “Người ta bảo tại tôi có một quá trình lịch sử tốt mới dám nói thẳng”. Nhưng để có một lịch sử tốt, lại càng phải có tình. Ông thích câu thơ đơn giản của Tố Hữu khi nói về Bác Hồ: “Bác để tình thương cho chúng con”.
Tình thương yêu là quan trọng. Ông bảo: “Các con tôi sẽ mừng vì cha để lại bản lý lịch cuộc đời rất trong sáng. Chúng đến đâu nơi cha mình từng làm việc đều thấy mọi người quý hóa. Khi tôi trở lại những đơn vị cũ đã công tác qua ở cả Hà Nội hay TP.hCM, làm ngành công an, quân đội, hay tình báo, tôi cảm động vì tình thương yêu của mọi người. Trở lại những gia đình cơ sở cũng vậy, tình cảm đó không gì mua được”.
Ông có một phương châm sống, hay nói đó là triết lý sống cũng được: Chịu đựng, rồi sự thật sẽ chiến thắng. Khi bị giam cầm đày đọa, giặc hành hạ ông bằng đủ cách. Cho ăn cơm sống, ông vẫn ăn và nghĩ theo lời người lính đưa cơm còn chút lương tâm đã khuyên ông: Bác chịu khó. Cuộc đấu tranh còn gian khổ lắm.
Lúc ra khỏi tù do chính quyền Diệm đổ, ông ở trong tình trạng tê bại, mắc bệnh trĩ nặng. Căn bệnh hành ông một thời gian dài. Cho đến tận năm 1975 vừa hành quân, ông vừa dùng tay đẩy hậu môn. Đi cầu, ra máu như cắt tiết gà, răng lung lay hết, ảnh hưởng cả cái đầu, thần kinh căng thẳng để hậu quả lên cái dạ dày.
Ông là thương binh loại 1/4. Khi trở ra Bắc, được nằm Quân y viện 108 dưỡng bệnh mà buổi trưa nằm nghỉ, thấy bóng những người y tá qua lại, ông vẫn tưởng đó là bọn mật thám canh gác ông. Một vị bác sĩ đã nhận xét: Ông bệnh nhân này cư xử, cảm nhận như một người tù.
Không chỉ là sự chịu đựng, cảm nhận đến giới hạn kinh khủng nhất của con người là cái sống – chết, ông còn nói rằng chính sự từng trải mọi thử thách khốc liệt đó khiến mình bình tĩnh và bao dung. “Ra tù, thấy lòng mình nhân ái hơn”.
Sách về ông Trần Quốc Hương của NXB Công an Nhân dân. Ảnh: Từ Xuân Minh. |
Dựa vào tổ chức, không bất mãn cá nhân
Nếu nhìn vào câu chuyện đời ông, có cả những chuyện xưa nay khó có ai viết ra trong sách vở, hồi ký, dù sự thật ngoài đời ai cũng biết, thì sẽ thấy lòng nhân ái, sự chịu đựng và niềm tin mãnh liệt vào sự thật, vào sự ngay thẳng ở ông không phải là lời nói văn chương, hoa mỹ.
Ông đã giải quyết cho bản thân mình, ứng xử ra sao trước các nghi vấn, các lời tố cáo ông sau này một cách thiếu cơ sở? Ông bảo: “Tổ chức Đảng đã xác minh và kết luận sáng rõ tất cả”.
Thực tế, ông Mười Hương đã phải đề đạt ý kiến xin làm rõ vấn đề có người khiếu nại ông. Đảng làm đi làm lại công tác kiểm tra tới 5 lần, mãi tới Đại hội V năm 1980 mới kết luận.
Cũng rất may cho ông, lúc Đảng kiểm tra xác minh những người liên quan còn cả, giấy tờ hồ sơ của địch vẫn còn nguyên. Và ông đã được tổ chức kết luận qua xác minh từ các đồng chí bị tù chung cho đến lời khai của những tên đang bị ta giam giữ cải tạo sau giải phóng trước đây có liên quan việc giam giữ ông.
Nhưng trong quá trình còn chưa được làm sáng tỏ, ông sống và nghĩ sao?
“Đây là một thực tế xảy ra trong Đảng, nếu Đảng làm rõ, chỉ có lợi về chính trị. Vì đất nước ta trải qua cuộc chiến tranh lâu dài và quá phức tạp. Nhiều cán bộ bị tù đày ra, còn phải tiếp tục chịu đựng sự kiểm tra của tổ chức, có thể bị hàm oan nữa”. Đó là chưa kể tới sự tố giác có khi rất nguy hiểm. Bởi không phải có thể luôn làm rõ được mọi trường hợp.
Ông bị nghi vấn “sao Ngô Đình Nhu không giết mà lại gặp ông”, “Sao bị nó biết là tình báo cao cấp, ông lại được thả”, v.v…
Những nghi vấn chỉ của một số cá nhân, nhưng tổ chức phải làm rõ. Việc này ảnh hưởng việc để cử ông vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông chấp hành quyết định của Tổ chức nhưng quan điểm của ông cũng rõ và thẳng thắn. Ông nói: “Tôi chấp hành nhưng phải làm rõ. Nếu không làm rõ, sau này tôi không nhận công tác đâu”.
Vốn là một người công tác lâu năm với đồng chí Trường Chinh từ thời đầu cách mạng, nên đồng chí Trường Chinh rất hiểu và tin ông. “Một lần đồng chí Trường Chinh kêu tôi sang ăn cơm. Anh ấy hỏi: Chú thấy tôi có cần nói việc của chú với anh Ba (đồng chí Lê Duẩn) không? Tôi bảo không.
“Anh nói mà anh Ba không nghe thì anh có ngừng lại không? Tôi tin là anh không thể ngừng. Tôi không muốn vì tôi mà có gì ảnh hưởng tới sự đoàn kết nhất trí của Đảng. Anh cứ yên trí. Tôi chỉ có mỗi việc bị bắt thôi. Bây giờ tài liệu sống cũng có, tài liệu chết cũng có: Tụi bắt tôi, trừ Dương Văn Hiếu, tất cả đều còn trong trại cả. Hồ sơ của địch về tôi cũng còn nguyên. Mọi chuyện của tôi đều rất rõ. Trung ương có muốn làm hay không thôi”.
Vậy nên làm gì? Anh Trường Chinh rất thương và muốn giúp làm sáng tỏ. Tôi bảo: Nếu anh nói cho tôi, không có lợi đâu, bởi ai cũng biết rõ tôi với anh có quan hệ như thế nào. Tôi sẽ tự đặt vấn đề với Bộ Chính trị. Nếu không giải quyết được, tôi đề nghị đưa ra Ban Chấp hành.
Nếu vẫn không được, tôi sẽ đưa ra trước Đại hội để tranh thủ ý kiến cao nhất là trí tuệ đại hội giúp cho làm rõ mọi chuyện. Anh Trường Chinh: Tôi tán thành ý kiến của chú. Trong Đảng cứ nguyên tắc điều lệ mà làm. Ở xã hội cứ theo luật pháp mà làm”.
Về sau, một số đồng chí như các ông Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt đều gặp ông nói: Cậu dũng cảm, không nóng nảy, xử sự như thế là tốt cho Đảng. Chịu đựng, âm thầm suy nghĩ, không hay to chuyện, nhưng lại làm đến tận cùng.
Ông Mười Hương dựa vào tổ chức, không bao giờ bất mãn cá nhân, và rất cương quyết, dứt khoát. Ông không dựa vào cá nhân. Bởi theo ông “mình sống, làm việc là quan trọng quyết định chứ một vài người quý hóa nâng đỡ cũng không có ý nghĩa gì. Những suy nghĩ của tôi về sự nghiệp của Đảng, về vấn đề cán bộ, về nhận định thời cuộc, tôi có trao đổi với anh Nguyễn Văn Linh. Anh Linh bảo: Ông nghĩ thế là đúng. Nếu ông không nghĩ thế, không phải là ông nữa”.
Ông không nghĩ thế, không phải là ông nữa – lời nhận xét ấy trùng hợp với những gì người ta nghĩ về Mười Hương. Ông có những suy nghĩ riêng, có phong cách. Một trong những đặc điểm của “phong cách Mười Hương” là ông tin con người theo nhận xét của mình, dù người đó có bị ai nói vào nói ra ra sao, ông vẫn giữ niềm tin.