Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đã có nhiều tác phẩm viết về những cuộc đời phi thường. Trong số đó, nổi tiếng nhất và được tái bản nhiều lần nhất là sách Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời viết về thiếu tướng, nhà tình báo, nhà báo không chỉ được độc giả Việt Nam quan tâm, mà còn là một cái tên thu hút nhiều nhà nghiên cứu, học giả, độc giả quốc tế.
Tác phẩm có sức sống với thời gian
Đã 21 năm kể từ lần đầu ra mắt, đến nay là lần tái bản thứ tám, cuốn sách vẫn được nhiều thế hệ độc giả mới yêu thích. Trong buổi giao lưu với khán giả tại Đường sách TP Thủ Đức ngày 25/12 vừa qua, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải đã chia sẻ kỷ niệm thực hiện cuốn sách.
Để hoàn thiện được tác phẩm, bà Hải có 10 năm tiếp xúc với tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Trong quá trình bầu bạn với ông để chuẩn bị cho cuốn sách, bà Hải học được một điều từ nhà tình báo, đó là trong cuộc sống hãy nhìn tới, không nhìn lui. Việc nào đã hoàn thiện, thì ta gác lại để chuyển sang những việc khác. Chính bản thân bà sau khi xuất bản cuốn sách, đã lâu không đọc lại tác phẩm nổi tiếng nhất của mình này.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải (phải) tại buổi chia sẻ về cuốn sách ở Đường sách TP Thủ Đức. |
Tuy vậy, bà Hải vẫn còn nhớ rất nhiều kỷ niệm trong quá trình viết sách. Trong đó phải kể đến việc bạn của bà khi giới thiệu bà với nhân vật, đã nói rằng bà “tuy không xinh đẹp sắc sảo nhưng lại là người chân chất thực thà”. Sự chân thành ấy cũng là lý do khiến ông Phạm Xuân Ẩn dần mở lòng và chia sẻ chuyện đời mình cho bà.
Cũng nhờ vậy, bà Hải có cơ hội hiểu hơn về con người ông Phạm Xuân Ẩn, bên cạnh sự nghiệp và những cống hiến của ông. Câu chuyện ông Phạm Xuân Ẩn chia sẻ về cách giáo dục con cái có thể được các bạn trẻ ngày nay nhìn nhận và rút ra các bài học cho thế hệ mình. Theo đó, ông không hướng con thành người chỉ biết sách vở, mà ông dạy con trai những kiến thức hiện trường, thực tế.
Bản thân ông Phạm Xuân Ẩn cũng là một người lăn xả, tự mình dấn thân học hỏi rất nhiều. Ông đã là người thành thạo ngoại ngữ, chắc nghề báo và là cây bút thường xuyên cho những hãng thông tấn lớn nhất thế giới, có nhiều bạn bè quốc tế. Nếu nhìn nhận với những tiêu chuẩn ngày nay, hoàn toàn có thể gọi ông là một “công dân toàn cầu”.
Sách Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời. |
Tôn trọng bút pháp và tư duy của người viết sách
Bà Hải nói mình vốn không có nhiều hiểu biết về công việc của điệp viên tình báo. Do đó, từ đầu bà đã quyết định tập trung vào những khía cạnh phong phú trong cả cuộc sống đời thường và sự nghiệp của nhân vật.
Bà tâm niệm những thành tích vinh quang sử sách có thể ghi lại, nhưng điều mà độc giả muôn đời sau muốn đọc, muốn biết, điều sẽ khiến họ ghi nhớ và khắc ghi về nhân vật là chân dung con người đó ở góc độ nhân văn.
Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn – Ký họa của họa sĩ Trần Hồng Nguyên, con trai nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, tháng 5/2006. Ảnh chụp từ sách. |
Có lẽ chính vì vậy mà nhà văn người Mỹ, giáo sư sử học Larry Berman, tác giả cuốn sách nổi tiếng Điệp viên hoàn hảo đã nhận định bà “là người hiểu rõ chủ nghĩa nhân văn của ông ấy hơn ai hết”. Tác phẩm của bà Nguyễn Thị Ngọc Hải đã trở thành nguồn tư liệu tham khảo quý cho nhiều học giả nước ngoài nghiên cứu về Phạm Xuân Ẩn.
Nói thêm về công việc khắc họa chân dung những nhân vật xuất chúng, bà Nguyễn Thị Ngọc Hải chia sẻ đó là đam mê của mình. Bà nói mình có một cái tài là “ghi chép không sót chữ nào”. Tự mình ghi chép trong lúc lắng nghe nhân vật, bà đã biết được đâu là những điểm sáng để đưa vào tác phẩm, và sau đó là công đoạn chọn lọc, viết lại.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải kể sau lần đầu đọc tập bản thảo cuốn sách, ông Phạm Xuân Ẩn không góp ý, chỉnh sửa gì nhiều mà chỉ lưu ý những chỗ tên tiếng Anh viết sai hoặc lỗi chính tả. Điều này theo ông giải thích là đến từ quan niệm của một nhà báo ở ông. “Ông ấy không can thiệp vào nội dung của người khác, ông tôn trọng bút pháp và tư duy của họ”.
Nguồn: https://znews.vn/dieu-khien-diep-vien-hoan-hao-pham-xuan-an-mo-long-post1451142.html
You must be logged in to post a comment Login