Suốt đời học Bác là cuốn sách của nhà báo Kiều Mai Sơn mới ra mắt, kể những câu chuyện dung dị, sâu sắc về Bác qua 16 nhân vật. Được sự cho phép của NXB Kim Đồng, Zing trích đăng phần nội dung theo lời kể của bà Trần Thị Minh Châu, nguyên Chánh Văn phòng Khu giải phóng Tân Trào, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Cục trưởng Cục Xuất bản.
Có thể nói rằng, cụ bà Trần Thị Minh Châu là một nhà báo lão thành, vì cụ từng tham gia viết Báo Đảng bí mật từ thời kì Mặt trận Bình dân năm 1939 với các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Hoàng Văn Thụ, đồng chí Đào Duy Kì… Rồi sau đó cụ là người phụ trách (như Tổng biên tập bây giờ) tờ báo Bãi Sậy ở Hưng Yên (cùng nhà văn Học Phi)…
Những năm gần đây, cụ vẫn viết báo, viết sách. Còn bây giờ: “Bà già rồi, yếu rồi, không còn viết nữa, chứ cũng có nhiều chuyện đáng để viết lắm đấy”. Tôi xin cụ kể cho nghe những kỉ niệm ở Tân Trào, ngày cụ làm Chánh Văn phòng Khu Giải phóng Trung ương.
Cụ Trần Thị Minh Châu hồi tưởng…
“Nữ tướng Võ Nhai” kể chuyện ông Ké
Tháng 4 năm 1945, đang công tác tại Võ Nhai – Đình Cả (Thái Nguyên), sau khi chỉ huy Cứu Quốc quân đánh thắng thực dân Pháp liên tiếp ở Tràng Xá, La Hiên và Đình Cả thì có quyết định của cấp trên điều tôi về Tân Trào nhận nhiệm vụ mới.
Sau nhiều ngày trèo đèo lội suối, tôi đã đến được Tân Trào thuộc châu Tự Do (Sơn Dương – Tuyên Quang) Thủ đô cách mạng. Tại Tân Trào đã thành lập Ủy ban Khu Giải phóng Trung ương lâm thời gồm sáu tỉnh: Cao Bằng – Bắc Kạn – Lạng Sơn – Hà Giang – Tuyên Quang – Thái Nguyên do đồng chí Tống (Phạm Văn Đồng) làm Chủ tịch, đồng chí Hưng (Võ Nguyên Giáp) làm Ủy viên thường trực.
Cạnh nhà của Ủy ban Khu Giải phóng Trung ương có hai đơn vị là Ban quản lí do đồng chí Lý (Hoàng Hữu Kháng) phụ trách và Văn phòng, khi tôi về liền được cử phụ trách, lấy bí danh là Chi.
Một hôm có một đồng chí lên Tân Trào vào Văn phòng đề nghị: “Cho tôi gặp đồng chí Chi”. “Vâng, mời anh vào”. Ông ấy cứ loay hoay mãi: “Tôi có việc cần lắm, chị cho tôi gặp đồng chí Chi ngay, càng sớm càng tốt. Tôi chỉ muốn gặp đồng chí Chi để giải quyết công việc này, xong tôi phải về ngay”. Lúc bấy giờ buồn cười, tại sao mình không nói: “Tôi là Chi đây!” mà lại cứ: “Vâng mời anh vào làm việc”.
Thấy khách cứ băn khoăn đi ra đi vào, cậu Nguyễn Chính (tức Du Phong) đang ngồi đánh máy ở phòng trong, chạy ra bảo: “Thì đồng chí Chi là đồng chí này chứ còn ai nữa mà từ nãy giờ cứ lằng nhằng mãi”.
Bà Minh Châu khi làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông năm 1942. Ảnh: KMS/CAND. |
Ông kia ngạc nhiên: “Chị là đồng chí Chi à?” “Vâng, tôi là Chi”. Ngồi làm việc một lúc lâu, đến khi xong việc, ông ấy đứng lên bảo: “Tôi xin lỗi chị, tôi tưởng người tên Chi là anh Chi”. Tôi bảo: ”Có gì đâu mà phải xin lỗi”.
Thì ra, các tỉnh trong vùng giải phóng nhận được công văn từ Văn phòng Khu Giải phóng, lại nghe nói người phụ trách Văn phòng là đồng chí Chính trị viên Cứu Quốc quân từng chỉ huy đánh thắng quân Pháp ở Võ Nhai, thế nên cứ yên chí đây là một nam giới và rất bất ngờ khi thấy đó là một cô gái trẻ đẹp mới hai mươi ba tuổi.
Thời gian ở Tân Trào, tôi cùng anh em được xếp ở nhà ông Tiến Sự là một già bản có uy tín nhất làng Kim Long. Hàng ngày, tôi được anh em và đồng bào kể nhiều chuyện về “Ông Ké” người dong dỏng cao, quắc thước, nhanh nhẹn, đặc biệt ông có đôi mắt rất sáng, rất tinh anh.
“Ông Ké” mới về đây được vài tháng đã dựng lán bên lưng núi Nà Lừa để ở và làm việc. Nhưng ông luôn quan tâm đến đồng bào nên được đồng bào vô cùng quý mến.
Phải hơn một tháng sau khi tôi đến Tân Trào công tác, đồng chí Lê Giản mới “bật mí” cho tôi biết “Ông Ké” chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, là Cụ Hồ Chí Minh.
Với anh em phục vụ, “Ông Ké” luôn gần gũi và quan tâm. Lúc đó bên cạnh lán của Bác còn có lán điện đài liên lạc với quân Đồng minh do một số người Mỹ trong nhóm tình báo “Con Nai” của OSS làm việc. Mỗi lần đi công tác với các bạn Mỹ về, bao giờ Bác cũng có quà, dù món quà rất đơn giản, cho mọi người, nhưng đó là thể hiện tấm lòng của Bác.
Có một kỉ niệm tôi không bao giờ quên trong cuộc đời của mình. Một hôm, Bác được các bạn người Mỹ tặng chiếc áo bu dông để mặc vào mùa đông giá rét. Bác không dùng cho riêng mình mà đem ra cho anh em. Nhưng cơ quan Ủy ban Giải phóng rất đông người nên Bác bảo hãy bắt thăm để cho công bằng. Thấy tôi ngồi im lặng không tham gia, Bác bảo tôi cũng phải bắt thăm.
Tôi giãy nảy vì người tôi bé nhỏ, còn cái áo thì vừa to vừa rộng thùng thình làm sao tôi mặc được. Bác ôn tồn nói: “Cô vẫn phải tham gia bắt thăm, không phân biệt nam nữ”. Cuối cùng tôi lại chính là người bắt trúng, cái áo thuộc về tôi.
Lúc đó Bác mới nhẹ nhàng: “Bác không tặng cái áo này cho cô Chi đâu. Cô giữ lấy đến khi nào chú ấy ở ngoài Côn Đảo về thì để chú ấy mặc”.
Tôi sửng sốt quá vì chưa bao giờ tôi thấy Bác hỏi về hoàn cảnh gia đình tôi. Vậy mà Bác biết rõ anh Đào Duy Kỳ, chồng tôi, đang ở nhà tù Côn Đảo. Tôi cảm động quá không cầm nổi nước mắt. Tôi thấy tấm lòng của Bác thật mênh mông.
Đó là tấm lòng của người cha vô cùng tôn kính, vô cùng thân thương, luôn luôn lo lắng, chăm sóc hết mực cho con cái.
Đó là tấm lòng của người cha vô cùng tôn kính, vô cùng thân thương, luôn luôn lo lắng, chăm sóc hết mực cho con cái. Từ đó, đi đâu tôi cũng mang chiếc áo theo bên người.
Hà Nội tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Bác và các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn… về Hà Nội. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan, Lê Giản… và tôi được Bác giao nhiệm vụ vẫn tiếp tục ở lại xây dựng và củng cố căn cứ Việt Bắc.
Sách Suốt đời học Bác. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Bác Hồ và những người lính Mỹ
Cuối tháng 9 năm 1945, trước yêu cầu mới của cách mạng, chúng tôi lần lượt về Hà Nội nhận nhiệm vụ. Đồng chí Phạm Văn Đồng làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí Lê Giản làm Giám đốc Nha Công an Trung ương. Tôi tham gia phong trào Nam tiến, cùng đoàn với đồng chí Lê Đức Thọ, để có điều kiện sớm gặp anh Đào Duy Kỳ vừa được đón từ Côn Đảo về đất liền.
Cũng trong khi ấy, người Mỹ muốn xâm nhập Đông Dương để ngăn chặn sự tấn công của Nhật ở phía Nam Trung Quốc và Đông Dương. Họ gặp phải nhiều khó khăn, nên cũng cần tìm một đối tác hợp lí để nhanh chóng vào sâu Đông Dương.
Một sự kiện tình cờ đã đến – một máy bay của Mỹ bị trúng đạn Nhật, phi công đã nhảy dù xuống vùng núi gần thị xã Cao Bằng – được Việt Minh cứu.
Bác Hồ đã lệnh phải bảo vệ an toàn và bí mật đưa về gặp Bác. Người phi công ấy là Trung úy Sao (William Shaw).
Bác Hồ đã gặp Sao nói chuyện chân tình. Quà tặng cho Sao là một tấm lụa trắng thêu dòng chữ tiếng Anh “Chúc mừng khách đến”, một tấm vải đỏ có chữ kí của nhiều hội viên Mặt trận Việt Minh ủng hộ Đồng minh chống phát xít.
Bác Hồ còn tặng Sao một bản dịch tiếng Anh toàn văn bản Chương trình Việt Minh rồi cho người đưa Sao về Côn Minh. Sao đã báo cáo tất cả những gì tai nghe mắt thấy, tất cả sự chăm sóc bảo vệ của Việt Minh cho tướng Sê-nô (Claire L. Chernault).
Bác Hồ ở Tân Trào trong thời kỳ kháng chiến. Ảnh: Ban quản lý Lăng Chủ tịch. |
Sau đó không lâu, Bác Hồ với danh nghĩa là phái đoàn của Việt Nam độc lập đồng minh sang đàm phán với Mỹ – Đồng minh về hợp tác đánh Nhật, đã gặp được tướng Sê-nô. Qua sự phản ánh của Trung úy Sao, qua tình báo riêng của Bộ Tư lệnh và cũng qua sự tiếp xúc với Bác Hồ, người Mỹ rất vui mừng vì đã nhận được những thông tin hết sức quan trọng về quân Nhật trên lãnh thổ Đông Dương. Ngoài ra, Việt Minh còn giúp đỡ cứu trợ những phi công Mỹ bị nạn và một số yêu cầu khác của Đồng minh.
Về phía Việt Minh, Bác Hồ chỉ mong muốn Mỹ giúp đỡ vũ khí, điện đài và giúp đào tạo cán bộ, nhân viên sử dụng vũ khí, điện đài.
Tướng Sê-nô đã tin cậy đáp ứng mọi yêu cầu của Bác Hồ.
Khi trở về Việt Nam, có hai người Mỹ cùng về với Bác. Họ trở thành những người Mỹ đầu tiên có mặt ở Khu Giải phóng Việt Nam. Họ có nhiệm vụ đón tiếp những người Mỹ khác sẽ lần lượt đến.
Trong chuyến đi này, Bác giành được hai mục đích: Một là đã gây được thiện cảm với Mỹ – Đồng minh, tranh thủ được sự giúp đỡ của Mỹ – được Mỹ công nhận vai trò của Việt Nam trong sự hợp tác đánh Nhật. Hai là đã tạo được thế vững chắc cho cách mạng Việt Nam bên cạnh người bạn láng giềng Trung Quốc.
Vào lúc 16 giờ ngày 16 tháng 7 năm 1945, chúng tôi đón đoàn phi công nhảy dù xuống Tân Trào gồm sáu người do Thiếu tá Tô-mát (Thomas) chỉ huy.
Để chuẩn bị tiếp đoàn Mỹ, Bác Hồ bảo chúng tôi phải làm một bữa tiệc mừng.
Chúng tôi lại chụm đầu vào bàn bạc: Khó quá, ở giữa rừng này làm gì có thực phẩm, bát đĩa cũng không. Cũng chẳng ai biết nấu cơm Tây, lại còn tiệc Tây nữa.
Biết nỗi lo của chúng tôi nên Bác nói:
– Các chú, các cô bí rồi phải không? Vậy hãy cho người sang Định Hóa nhờ Chủ tịch Chanh mua giúp cho con bê, đem về thui chín vàng, để cả con nằm trên chõng tre. Hai bên làm dẫy ghế ngồi bằng tre nứa. Sắp mỗi người một con dao (người Mỹ đã sẵn có dao và nĩa). Có đĩa muối, đĩa gừng, có rượu do đồng bào tự nấu, uống bằng bát to. Mọi người tự do thích ăn chỗ nào thì tự cắt lấy.
Chúng tôi nhìn nhau ngần ngừ. Bác như đã hiểu, Người giải thích luôn: “Không có gì ngại cả – kể cả Tây và ta, không phải ai cũng được ăn một bữa tiệc dân dã trong rừng đâu. Cứ làm đi, để rồi xem họ có thích không? Còn thú vị lắm nữa kia!”
Quả là sau đó, đoàn Mỹ rất hài lòng, mừng rỡ lắm. Chúng tôi lại thì thầm với nhau:
– Đúng là Bác không chỉ rành việc lớn mà thạo cả việc nhỏ, mọi việc đều chu đáo!
Đoàn Mỹ sang Việt Nam chỉ mang theo lương khô. Bác lại bàn phải lo thực phẩm tươi sống cho họ. Mỹ bây giờ là đồng minh, là bạn của mình, nên phải chăm lo sức khỏe cho họ, không để họ sống thiếu thốn, kham khổ như mình.
Ủy ban Khu Giải phóng đóng ở Tân Trào, nhân dân huyện Sơn Dương vốn rất nghèo. Chúng tôi phải sang huyện Định Hóa bàn với Chủ tịch Chanh. Đồng chí Chanh nhận lời ngay và cử hai hội viên là Nguyễn Văn Sách và Ma Văn Bầu lo việc này.
Từ đấy cứ cách hai, ba ngày lại có một đoàn người vừa gánh vừa khiêng những đậu, thịt, rau, trứng, măng từ Định Hóa sang… Họ phải leo qua đèo De, luồn rừng trên hai mươi cây số mới đến được Tân Trào. Các bạn Mỹ thích ăn thịt thú rừng nên có khi được cả một con dê, hay có lần một con nai còn nguyên cặp lộc nhung mềm.
Có mấy tháng liền nhân dân Định Hóa tiếp tế cho cả Khu Giải phóng, trong khi ấy gia đình con cái họ chỉ ăn con cá, con ốc bắt được ở suối với lọ măng ngâm ớt.
Đồng bào nói:
– Mình nuôi bạn Mỹ để Mỹ cùng bộ đội Cụ Hồ đánh Tây, đuổi Nhật, nước Việt Nam được độc lập tự do, mình sẽ được ấm no.
Trước khi về Hà Nội, Bác lại dặn chúng tôi:
– Ta chẳng có tiền, cũng chẳng có vật gì kỉ niệm cho đồng bào. Có đống dù của Mỹ, các cô chịu khó tháo từng ô đem biếu đồng bào. Tính theo đầu người, mỗi người một mảnh. Đồng bào có thể cắt may áo, may chăn.
Nhận được món quà nhỏ từ những tấm vải dù nhân dân rất phấn khởi.
Đồng bào Sơn Dương, Định Hóa, cũng như mọi người dân Việt Nam đã có tập quán nuôi quân, khi còn là du kích, dân quân tự vệ. Nhân dân không chỉ nuôi ăn mà còn mang tặng cả quần áo, lo giày dép, thuốc men. Không bao giờ nhân dân đòi thanh toán. Họ nói: Con cái góp cho cách mạng còn được thì tài sản của dân cũng là của cách mạng, của nước nhà.