Làm sao để tạo nên một thương hiệu giải trí tỷ USD? Đầu tiên, bạn cần phải có một tác phẩm thật sự xuất sắc. Độc giả, khán giả, người hâm mộ yêu thích nhân vật của bạn, câu chuyện của bạn, và họ tiếp tục bỏ tiền ra mua sách, truyện, ra rạp xem phim, mua các vật phẩm ăn theo…
Đó dường như là quy trình duy nhất mà các thương hiệu lớn trên thế giới đạt được thành công. Star Wars ở Mỹ, Harry Potter ở Anh, hay Dragon Ball ở Nhật đều phát triển theo cách này.
Nhưng, có một thương hiệu tỷ USD đã đi ngược lại hoàn toàn quy luật trên. Là một bộ manga Nhật có vòng đời 8 năm (1996 – 2004) số lượng sách giấy phát hành chỉ vỏn vẹn 40 triệu bản, quá khiêm tốn so với hơn 400 triệu bản in của One Piece, hay 300 triệu bản in của Dragon Ball. Nhưng thương hiệu này mang lại doanh thu khổng lồ: 20 tỷ USD, ngang ngửa với những manga bán chạy nhất mọi thời đại.
Điều đặc biệt ở chỗ, phần lớn doanh số đó không hề đến từ bản thân bộ truyện, mà đến từ một trò chơi hư cấu nằm trong truyện. Bộ manga đó có tên là Yu-Gi-Oh!, được biết đến tại Việt Nam với tên gọi thân thuộc hơn: “Vua Trò Chơi”.
Trò chơi trong truyện còn phổ biến hơn bản thân cuốn truyện
Một trò chơi hư cấu từ truyện được đưa ra ngoài đời, không phải là điều quá xa lạ với các độc giả. Ví dụ tiêu biểu nhất là trò chơi Quidditch trong loạt truyện Harry Potter rất được fan yêu thích, đã được mang ra thi đấu với những giải đấu Quidditch như thật được tổ chức rải rác trên thế giới.
Nhưng câu chuyện của Dual Monster (Yu-Gi-Oh! Trading Card Game) thì ở một đẳng cấp hoàn toàn khác. Trò chơi sưu tầm thẻ bài mà giới trẻ Việt Nam ngày xưa hay gọi là “bài Magic” này đạt được một thành công không thể tin nổi, mặc dù ban đầu chỉ xuất hiện trong một chương của truyện Yu-Gi-Oh!.
Được công ty game Konami cho ra mắt chính thức vào năm 1999, 3 năm sau khi bộ truyện phát hành, trò chơi thẻ bài này đã phổ biến nhanh chóng trên toàn thế giới. Sau 10 năm, ngày 7/7/2009, sách kỷ lục thế giới Guiness đã vinh danh Yu-Gi-Oh! là trò chơi thẻ bài sưu tầm bán chạy nhất thế giới, với hơn 22 tỷ thẻ bài đã được bán ra.
Những giải đấu Yu-Gi-Oh! được tổ chức liên tục ở nhiều nơi trên thế giới, với phần thưởng vô cùng hấp dẫn, thu hút một lượng lớn bài thủ tham dự.
Một giải đấu Yu-Gi-Oh! với hơn 4.000 bài thủ tham dự. |
Fan hâm mộ của trò chơi thẻ bài Yu-Gi-Oh! không tiếc tiền để sở hữu những lá bài hiếm. Đã có những lá bài có trị giá hàng nghìn USD. Một trong những lá bài đắt nhất từng được rao bán là lá Rồng Trắng Mắt Xanh 3 Đầu, phiên bản phần thưởng độc nhất dành cho người vô địch Asian Championship Series trước đây, với chữ ký của chính tác giả bộ truyện là Kazuki Takahashi.
Thẻ bài Rồng Trắng Mắt Xanh 3 Đầu được rao bán với giá 45 triệu yên (10 tỷ đồng). |
Yu-Gi-Oh! là bộ truyện thành công đầu tiên của tác giả Kazuki Takahashi, và cũng là tác phẩm thành công duy nhất của ông. Bắt đầu sáng tác manga từ năm 1982, ông không có được một tác phẩm nào đáng kể trong suốt những năm sau đó.
Khi ra mắt Yu-Gi-Oh! trên tạp chí Jump vào năm 1996, ban đầu, bộ truyện cũng không quá nổi bật. Mọi thứ chỉ thay đổi khi trong một chương truyện Takahashi “phát minh” ra một trò chơi thẻ bài cho các nhân vật chơi với nhau.
Ban đầu, trò chơi này được các nhân vật trong truyện gọi là “Magic and Wizards”, ảnh hưởng từ Magic: The Gathering của công ty Wizards of the Coast, trò chơi thẻ bài nổi tiếng nhất thế giới tại thời điểm đó. Chương truyện đó kết thúc, và Takahashi cũng không có kế hoạch gì với những chiếc thẻ ma thuật, cho đến khi văn phòng của tạp chí Jump ngập trong thư của bạn đọc yêu cầu được xem tiếp về các trận đấu bài hấp dẫn.
Toàn bộ các chương sau của Yu-Gi-Oh! nói về bài ma thuật. Bộ truyện phát triển theo hướng thần thoại hóa, với các cuộc phiêu lưu đến thế giới Ai Cập cổ đại, nhưng cuối cùng mọi thứ vẫn giải quyết bằng đấu bài. Và độc giả thì vẫn phát cuồng với “Rồng Trắng Mắt Xanh”, “Phù Thủy Áo Đen” hay “Thần Sức Mạnh”.
Với sự thành công to lớn của trò chơi, Takahashi quyết định nghỉ ngơi. Ông kết thúc bộ truyện chính vào năm 2004, và đóng vai trò cố vấn cho việc phát triển game thẻ bài cũng như các phần ngoại truyện về sau.
“Yu-Gi-Oh!” tại Việt Nam
Được xuất bản tại Việt Nam vào khoảng những năm 1998 – 1999 với tên gọi Vua trò chơi, bộ truyện đã tạo ra một hiệu ứng vô cùng mạnh mẽ trong giới trẻ tại thời điểm đó. Tương tự như trên thế giới, sức hút của Vua trò chơi nằm ở “bài Magic”, trò chơi thẻ bài sưu tầm trong truyện.
Không chỉ dừng lại ở một bộ truyện tranh, bài Magic trở thành cơn sốt trong giới trẻ. Cuối 2000, đầu năm 2001, các cửa hàng ở cổng trường cấp 2 của nhiều ngôi trường hay bán truyện tranh, nhập về nhiều hộp bài Magic được in ở Trung Quốc với nhiều màu sắc sặc sỡ, và luôn cháy hàng.
Ở các quán game điện tử Play Station vào hồi đó, game Yu-Gi-Oh! được chơi nhiều không thua gì trò chơi bóng đá PES. Sức hút của Yu-Gi-Oh! lớn đến mức sau khi ra mắt được 21 tập truyện, nhà xuất bản phải quyết định ngừng xuất bản tiếp vì… tạo dư luận quá lớn. (Thời điểm đó, rất nhiều phụ huynh hoang mang khi thấy con cái mình xin tiền để mua thẻ bài, và nghĩ đây là một trò chơi cờ bạc).
Hình ảnh trong giải đấu Yu-Gi-Oh! Vietnam Championship. |
Ngày nay, khi trào lưu board game phổ biến và quay trở lại Việt Nam, phong trào Yu-Gi-Oh! đang lan rộng ra khắp cả nước. Nhiều giải đấu nhỏ được tổ chức, nhiều bạn trẻ cũng quyết tâm đầu tư các bộ bài gốc và giao lưu với nhau trong các trận đấu bài, với cách thức tổ chức tương tự trên thế giới.
Yu-Gi-Oh! là một trường hợp đặc biệt trong làng manga trên thế giới, khi sản phẩm ăn theo có doanh số lớn hơn hàng chục lần so với doanh số của cuốn sách.