Mỗi dịp tháng 7 về, trong căn nhà ở phố Nguyên Hồng (Hà Nội), nhà văn Trần Hữu Tòng, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lại bồi hồi bên những trang viết và ký ức về đồng đội. Với ông, nghề viết là công việc không theo trình tự và không có tuổi nghỉ hưu. Mới đây, ở tuổi 85, ông ra mắt bạn đọc 3 cuốn sách để tri ân đồng đội và những vùng biên cương mà ông từng gắn bó.
1. Thân thiện, cởi mở, dễ mến, đó là cảm nhận ban đầu của tôi về nhà văn Trần Hữu Tòng. Ở tuổi 85, ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn… Dẫn tôi lên căn phòng làm việc ở tầng 3, ông hào hứng kể cho tôi nghe về kỷ vật, những cuốn sách mà hầu hết là viết về các vùng biên cương của Tổ quốc.
Ông ép plastic 2 trang báo có bài viết về ông, của Báo Quân đội nhân dân và Báo Biên phòng – hai cơ quan báo chí mà ông từng công tác, gắn bó và đã tạo điều kiện để ông có những chuyến đi đến các miền biên cương.
Gần 60 năm cầm bút, nhà văn Trần Hữu Tòng sở hữu “gia tài” là khoảng 40 cuốn sách, trong đó, cuốn sách đầu tay Bên dòng Păng Pơi viết năm 1965 được coi tác phẩm định duyên cho nghề viết của ông. Thật thú vị khi cuốn sách được xuất phát từ bài báo viết về Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ ở Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (tỉnh Điện Biên ngày nay), nơi tiếp giáp ba nước Việt – Trung – Lào.
Ngày ấy, lên Tây Bắc là một hành trình đầy gian khó. Ông đã đi bộ suốt hai tuần mới tới nơi, sống cùng tổ xây dựng cơ sở của đồn Leng Su Sìn suốt 3 tháng. “Cách lấy tài liệu của tôi là cũng “ba cùng” với đồng bào như anh Thọ đã làm, vào rừng tận mắt nhìn những hang ổ thổ phỉ, tận mắt chứng kiến những đống bàn đèn, thuốc phiện; cùng dân bản phát cây, làm ruộng.
Đợt đó, tôi dính sốt rét, anh em buộc tôi lên lưng ngựa, vượt núi đồi về Bệnh viện Quân y 110. Chính trong thời gian đi an dưỡng tôi đã tranh thủ viết bài báo đầu tiên về Trần Văn Thọ với tiêu đề “Người lính biên phòng trọn đời trung với Đảng, hiếu với Dân”, in gần trọn hai trang Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 16-8-1965” – nhà văn Trần Hữu Tòng nhớ lại.
Trong những trang văn, nhà văn Trần Hữu Tòng đã ghi chép tỉ mỉ để làm rõ hơn về việc người lính Biên phòng Trần Văn Thọ đã sống “ba cùng” với đồng bào dân tộc Hà Nhì, tổ chức tiễu phỉ, vận động bà con định canh, định cư, làm nương, bỏ tệ nạn hút thuốc phiện, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng chính quyền cơ sở… và anh dũng hy sinh.
Có thể nói, cuốn sách Bên dòng Păng Pơi ra đời đã góp phần làm sáng lên tấm gương lao động, chiến đấu quên mình vì đồng bào, vì dân tộc và góp phần không nhỏ để liệt sĩ Trần Văn Thọ được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1967, trở thành 1 trong 5 Anh hùng đầu tiên trong lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Nhà văn Trần Hữu Tòng trong một chuyến công tác nơi biên cương. |
2. Nhà văn Trần Hữu Tòng sinh ra và lớn lên ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh – vùng đất khoa bảng giàu truyền thống thi ca. Không chỉ viết văn, ông còn thường xuyên làm thơ, nhưng dù làm thơ hay viết văn thì chủ đề mà ông hướng đến là về thương binh, liệt sĩ, về đồng đội và những vùng biên cương.
Trong những bài thơ của ông, nổi bật nhất có lẽ là bài Mười cô tiên Đồng Lộc (in trong tập Mái tóc anh) viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, với 10 khổ thơ, mỗi khổ tượng trưng cho một cô gái.
Bài thơ có đoạn: “Đồng Lộc chiều thơm gió bạch đàn / Xanh bờ dâm bụt trắng hoa lan/ Ao bom vương nhẹ làn mây bạc/ Nắng muộn hàng bia đượm ráng vàng / Bà mẹ làng bên thường kể lại / Đêm nghe tiếng hát vọng về đây / Và trong ánh chớp chiều giông sớm / Mười cô hiển hiện giữa vầng mây / Tần – Hà – Hường – Hợi – Rạng – Xuân – Xanh / Cúc – Nhỏ – Xuân quê bến nước lành / Quê nón bài thơ, quê lụa Hạ / Quê chung – Đồng Lộc gió trăng thanh…”.
Tình cảm của nhà văn Trần Hữu Tòng dành cho 10 cô gái Đồng Lộc không chỉ thể hiện qua những vần thơ xúc động, mà còn qua những nghĩa cử cao đẹp. Ông đã dành trọn số tiền nhuận bút từ tập thơ Mái tóc anh để về Ninh Bình đặt mua một lư hương bằng đá núi Hoa Lư, cung tiến vào Nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc.
Nói về việc này, nhà văn tâm sự: “Nhà văn luôn phải gắn với trách nhiệm xã hội, mà trách nhiệm ở đây không chỉ thể hiện qua những trang văn mà còn bằng những việc làm cụ thể. Tôi – một quân nhân, một nhà văn về hưu chỉ còn biết dùng chính năng khiếu của mình để góp cho đời những trang văn đẹp, và ý nghĩa hơn nữa là có được những việc làm cụ thể góp phần tri ân sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc”.
Nhà văn Trần Hữu Tòng còn là tác giả của 2 câu thơ “Hang Dơi, Thanh Thủy vùng biên máu / Đồng đội nằm đây xin chớ quên…!” được khắc lên đá núi Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang – trước Nhà tưởng niệm các liệt sĩ ở Hang Dơi bên suối Thanh Thủy.
Đó là 2 câu thơ được viết khi ông là phóng viên Báo Quân đội nhân dân có mặt tại đây trong những ngày quân dân ta chiến đấu bảo vệ biên cương.
Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, ông khắc khoải, day dứt, đớn đau viết nên hai câu thơ về một thời khói lửa, một thời hy sinh mất mát khó có thể đo đếm được. Từ đó, ông muốn thế hệ trẻ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa cho Tổ quốc.
3. Trong thời gian dịch Covid-19 xuất hiện, mặc dù tuổi đã cao nhưng nhà văn Trần Hữu Tòng vẫn tập hợp, sưu tầm, viết và cho in 3 cuốn sách (do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành) là Non ngàn kỳ thú, Bóng vàng chóp núi, Chuyện non thiêng biên ải. Hiện ông còn một cuốn sách nữa, do Nhà xuất bản Công an nhân dân chuẩn bị ấn hành, đó là Sao sáng biên cương.
Ông tâm sự: “Đại dịch Covid-19 đấy nhưng tôi không muốn đầu óc mình ngưng trệ. Nguồn tư liệu của tôi về đồng đội và biên cương còn rất phong phú. Tuy tuổi đã cao nhưng trí nhớ của tôi vẫn còn rất tốt, tôi vẫn có thể gõ bản thảo qua máy tính hoặc viết tay. Đợi đến mấy năm nữa, muốn viết thì cũng không thể viết được nữa rồi”.
Đọc truyện ngắn in trong những cuốn sách này mới thấy ông đã đi sâu tìm hiểu, quan sát kỹ lưỡng, tinh tế về thế giới loài vật. Qua ngòi bút của ông, các loài vật dường như cũng có tiếng nói, có tâm hồn, có trí tuệ và cảm xúc.
Những truyện ngắn của ông đều gây sự tò mò cho độc giả ngay từ nhan đề, như: Chuyện con đom đóm rừng đêm, Chào voi xa ma khi, Chàng báo hoa chào thua ba bà sư tử, Chuyện con chim “hiếu nghĩa với cha mẹ”, Chuyện rừng Phù Luông có đàn ong vò vẽ, Con rắn đeo vòng vàng, Rùa vàng đất núi vùng biên, Thân thương con nhím Chiềng Nam…
Viết về những con vật nhưng cái độc đáo của ông là viết nó dưới góc độ là người bạn, người “đồng đội” của người lính Biên phòng khi giúp họ tìm ra dấu vết của kẻ địch.
Nhà văn Trần Hữu Tòng tâm đắc với lời nói của một nhà văn Nga, đại ý người viết văn cũng như người thợ tần tảo góp nhặt những bụi vàng trong cuộc sống để tạo nên bông hồng vàng lộng lẫy dâng hiến cho đời…
Bởi vậy, ông luôn cố gắng để tạo ra cái riêng của mình. Qua năm tháng, ông đã định hình một phong cách viết về đồng đội và biên cương không giống với bất cứ cây bút nào. Nghĩ về ông là nghĩ về một tấm gương lao động nghệ thuật không mệt mỏi, một cây bút luôn nhiệt huyết, sung sức và tràn đầy năng lượng với văn chương và cuộc đời.
Nhà văn Trần Hữu Tòng sinh năm 1938 tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông có 5 năm là chiến sĩ biên phòng, 10 năm là phóng viên báo Biên phòng, 20 năm là phóng viên báo Quân đội nhân dân, 10 năm là Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Văn hóa thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ông là tác giả của khoảng 40 cuốn sách, trong đó hầu hết là sách viết về các anh hùng liệt sĩ, về những người lính biên phòng và biên cương tươi đẹp của Tổ quốc.