Mặc dù cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra hết sức sôi động. Nguyên nhân là nhu cầu của người dân về thể loại sách này vẫn cao, mức xử phạt với hành vi này chưa đủ sức răn đe.
Bán tràn lan
Lâu nay tại các cổng chùa lớn, lễ hội thường xuất hiện nhiều người bày bán công khai nhiều loại sách về thế giới vô hình. Từ sách bói toán, tử vi, tướng số, nghiên cứu vận mệnh đến những cuốn sách về vong linh.
Những tựa sách hàng chục năm vẫn vậy như: Tử vi tướng pháp trọn đời; Bói toàn thư; Đoán mộng; Giải mộng; Xem quẻ chân gà; Số tiền định; Sách xem tuổi làm nhà và dựng vợ, gả chồng… Hầu hết sách được bày bán đều là sách photocopy hoặc in màu sơ sài, nhem nhuốc không in tên tác giả và nơi xuất bản rõ ràng. Thậm chí nhiều cuốn còn viết sai chính tả nhưng vẫn được rất nhiều người mua.
Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “mua sách bói” có thể cho ra hàng nghìn kết quả. |
Khi chúng tôi đến tham quan tại một ngôi chùa ở Bắc Ninh, dù không bày bán công khai những cuốn sách “thế giới thứ 3” nhưng khi hỏi thì vẫn được người bán đáp ứng. Khi được hỏi về nguồn gốc sách thì chúng tôi nhận được câu trả lời: “Khách mua xem cho vui thôi, có lãi thì bán chứ không biết sách làm từ đâu”, có người thì xác nhận tải các bài viết từ mạng Internet theo từng chủ đề rồi in ra bán.
Cũng không khó để tìm được những người bán hàng rong quanh hồ Hoàn Kiếm có bán những cuốn sách này. Bà Lê Q. người bán hàng rong lâu năm ở bờ hồ Hoàn Kiếm tiết lộ: “Bán sách cho khách tham quan du lịch thường bán chạy vào những ngày cuối năm, sách tử vi, bói toán bán chạy nhất. Những ngày thường lác đác vẫn có người mua, nhưng chủ yếu là người có tuổi, họ mua xem cho vui. Dễ bán nhất là những tờ tử vi photocopy nói trước vận hạn trong năm theo từng tuổi với giá bán khoảng 5.000-10.000 đồng/cuốn. Có những khách mua 4-5 cuốn cho cả gia đình để ngẫm trong cả năm. Vài năm trở lại đây người ta cũng xem trên mạng nhiều chứ không thì bán còn chạy nữa”.
Không chỉ các địa điểm công cộng mà ngay ở những sạp báo cũng bày bán một số cuốn sách tương tự. Chủ một sạp báo trên phố Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết vì thấy nhiều người hỏi mua nên cũng lấy về bán. Việc nguồn gốc, nhà xuất bản nào in chị cũng không quan tâm vì thấy lãi là bán. Thậm chí có bị cấm hay không bản thân người chủ sạp cũng không biết.
Có thể thấy một điểm chung là đa phần các loại sách mê tín dị đoan được bán rong hoặc tại các điểm công cộng đều không rõ xuất xứ, không ghi nhà xuất bản hoặc một nhà xuất bản với cái tên lạ hoắc. Tên tác giả thì thường là những cái tên cũng chẳng ai biết nhưng nghe rất “nho học” như: Quảng Lân Nguyệt Lan, Bảo Trai Đường, Thiệu Vi Hoa…
Không chỉ tại các sạp báo, nơi công cộng mà tại một số nhà sách cũng có bán những cuốn sách tương tự như vậy. Tại nhà sách L.N trên phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chúng tôi cũng đếm được hàng chục tựa sách như: Hóa giải vận hạn; Dự trắc theo lá bài; Khai vận đỏ; Tài vận 12 tuổi giáp; Phương pháp dâng sao giải hạn; 200 câu hỏi về giải mộng; Xem tay đoán người; Phong thủy hóa giải…
Thậm chí nhiều sách mê tín dị đoan núp bóng khoa học được phát hành công khai như: Tử vi dưới ánh sáng khoa học; Tổng hợp các luận điểm tử vi; Tử vi lý học; Bói bài và căn cứ thực tế; Khoa học về tướng số…
Đa phần các cuốn sách này của các nhà xuất bản địa phương hoặc một số nhà xuất bản nhỏ liên kết với các nhà sách phát hành. Một số cuốn sách thoạt nhìn không có vẻ gì là mê tín dị đoan nhưng khi đọc nội dung thì lại là những câu chuyện ma quái, câu khách.
Nếu như nhiều năm trước, sách bói toán, tử vi thường được rao bán rầm rộ trước và sau Tết Nguyên đán trước cổng chùa, bến xe, chợ, nhà chờ xe buýt… thì ngày nay, vào thời công nghệ 4.0, những loại sách này lại được bán tràn lan công khai trên các trang mạng.
Những cuốn sách kiểu thế này được bán rất nhiều trên mạng. |
Chỉ cần gõ cụm từ “sách bói toán”; “sách xem tử vi” lập tức ra hàng nghìn kết quả. Các loại sách được rao bán nhan nhản trên mạng như: Sách dạy xem bói và bói dịch; Lý thuyết tượng số; Ngày lành tháng tốt; Bói quẻ bài thần; Thuật dự đoán tương lai…
Cụ thể như trong cuốn Sách dạy xem bói và bói dịch có lời giới thiệu: “Có câu: ‘Linh tại ngã, bất linh tại ngã’, vậy khi xem điều gì thì phải thật tin tưởng và tập trung tư tưởng lại khi xem. Khi bói thì việc phải thật quan trọng khiến cho tâm trí bối rối băn khoăn không thể nào quyết đoán được thì xem mới thấy nghiệm, tuyệt đối không được bói chơi hay bói thử vì khi đó quẻ sẽ không nghiệm, không ứng và không ra gì. Chỉ được bói một lần duy nhất, không được hỏi nhiều khi việc bói”. Và hướng dẫn cách bói: “Nghĩ chữ”: Khi muốn bói một điều gì thì nhận trong óc 2 chữ đầu tiên, biên ngay ra giấy, 2 chữ không được suy nghĩ, chọn lựa, tính toán, tìm tòi… 2 chữ được coi như là hoàn toàn tự nhiên có.
Hay trong cuốn Bói quẻ bài thần cũng có lời quảng cáo rằng: “Dạng bói này có thể xem mỗi ngày, hàng tuần, 12 tháng, 4 mùa, một năm. Xem về tình duyên, gia đạo, tiền tài công danh, địa vị, học hành, thi cử, tai nạn, ngày kị, ngày tốt… Trong bộ bài Tây (bài cào, bài xì) gồm có 52 lá, nhưng nếu đem áp dụng khoa bói toán thì thông thường người ta chỉ dùng 32 lá kể từ lá bài xì trở xuống lá bài 7… Có nhiều người ít tin và thường lấy làm lạ liền hỏi rằng: “Có lý nào một bộ bài dùng để cờ bạc ăn thua lại có thể đem áp dụng vào khoa bói toán? Nhưng nhờ lòng tin vô hạn của con người mà giữa con người và vạn vật đã tạo nên mối liên hệ rất mãnh liệt và màu nhiệm”.
Cuốn sách về phong thủy được phóng viên mua tại một cửa hàng sách trên phố Đinh Lễ. |
Trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok cũng đăng bán tràn lan những loại sách thuộc thể loại này. Trên một trang mạng xã hội có tên “Sách xem bói” có đăng trạng thái: “Khi đối diện với những tình huống khó khăn trong cuộc sống, đa số chúng ta thường nghĩ: “Trời ơi, sao tôi lại không may đến thế? Tôi đã làm những gì đến nỗi phải chịu khổ thế này?”. Từ đó, nhiều người đã tìm kiếm mua những cuốn sách về bói toán, tử vi để đi tìm lời giải cho những bất hạnh mà mình phải trải qua.
Không chỉ rao bán sách bói toán tràn lan trên mạng xã hội mà trên thực tế cũng có nhiều hội nhóm trao đổi, luận giải về lá số tử vi. Đơn cử như nhóm “Tử vi luận giải quán” đã thu hút 231.100 thành viên. Tại đây, khi mỗi thành viên đăng lên những thắc mắc của mình thì lại có hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn thành viên khác vào bàn luận xôn xao.
Mức phạt quá nhẹ chưa đủ sức răn đe?
Bài trừ mê tín dị đoan đang được rất nhiều cơ quan ban ngành nỗ lực để thực hiện, việc lưu hành công khai và ngày càng nhiều cuốn sách mê tín dị đoan dường như đang thách thức các nhà quản lý.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội mới đây đã phải thừa nhận rằng, sách mê tín dị đoan nói riêng và sách lậu nói chung khiến cơ quan quản lý rất đau đầu. Các loại sách nói trên chủ yếu in đi in lại nhiều năm hoặc lấy từ trên mạng, đem photocopy, đóng thành tập rồi bán.
“Hiện Sở cũng giao cho các phòng văn hóa quận, huyện tăng cường thu giữ sách lậu, không rõ nguồn gốc nhưng không hề dễ bởi các đối tượng bán sách có quá nhiều chiêu tẩu tán hàng”, đại diện của Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Việc bán sách mê tín tràn lan đã được cơ quan chức năng xử lý nhưng vẫn chưa thể triệt để. |
Theo các chuyên gia, để hạn chế những loại sách có nội dung không lành mạnh cần sự quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành liên quan. […]
Ở nhiều nước trên thế giới, cơ quan quản lý xuất bản không chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản nhưng do dân trí cao, nhà xuất bản có ý thức công dân, ý thức về thương hiệu nên họ rất ít để lọt những cuốn sách nội dung kém chất lượng. Còn ở ta, chừng nào người dân vẫn đổ xô vào việc bói toán, buôn thần bán thánh thì chắc chắn chừng đó những cuốn sách mê tín dị đoan vẫn còn đất tồn tại. Vì vậy, việc đánh mạnh vào các nhà xuất bản in trái phép, các cơ sở in lậu là cần thiết, rất cần phải tăng cường kiểm tra các cơ sở in và điều chỉnh tăng mức xử phạt, thậm chí xử lý hình sự nếu cần thiết.
Lý giải của việc sách giả, sách lậu có nội dung không chuẩn mực vẫn tồn tại trên thị trường là do nguồn lợi lớn từ kinh tế. Việc làm sách giả không phải đầu tư đề tài, bản thảo, không phải chi tiền bản quyền, không phải nộp thuế, chất lượng mực, giấy in và những chi phí khác cho việc hoàn thiện xuất bản phẩm rất thấp. Dù khi bán với chương trình khuyến mãi, chiết khấu cao so với giá bìa thì lợi nhuận vẫn rất cao.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến cho tình trạng in lậu, làm giả sách chưa bị đẩy lùi là do các chế tài và mức phạt đối với hành vi vi phạm đó chưa đủ răn đe. Để ngăn chặn tình trạng in sách lậu, các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng chế tài luật pháp đủ mạnh nhằm xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động in ấn sách giả, nhất là sách giáo khoa, tránh ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục đào tạo.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: Nhiều người vì lâm vào tình cảnh bế tắc hoặc trong chuyện tình cảm hoặc trong chuyện làm ăn nên họ trở nên mất phương hướng. Từ đó, họ tìm đến một thế giới khác gọi là “thế giới tâm linh” để đi tìm lời giải cho những khó khăn, trắc trở mà mình đang gặp phải. Đây cũng chính là cơ hội để những cuốn sách về bói toán, tử vi được bán tràn lan. Chúng ta giờ đang sống trong một xã hội hiện đại nên phải tỉnh táo để nhìn nhận sự việc một cách logic. Chỉ có tự thân chúng ta mới có thể giúp được chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách chứ không có điều huyền bí, tâm linh nào giúp được chúng ta.
Điều 24 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, hành vi vi phạm quy định về hoạt động in bị xử phạt như sau:
Phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản; in tài liệu không kinh doanh không có giấy phép xuất bản; in gia công xuất bản phẩm, sản phẩm không phải là xuất bản phẩm cho nước ngoài không có giấy phép in gia công.
Điều 27 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, hành vi kinh doanh sách giả, sách lậu bị xử lý theo các mức phạt hành chính từ 1 triệu đến 30 triệu đồng tùy vào số lượng và hành vi.
Điều 334 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản sẽ bị phạt tù 2-5 năm trong các trường hợp: có tổ chức; thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh đã có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản để xuất bản bản thảo có nội dung bị cấm theo quy định của Luật xuất bản; Phát hành xuất bản phẩm có nội dung bị cấm theo quy định của Luật xuất bản.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị xử phạt theo Luật bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ và các nghị định liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan tới tác phẩm.
You must be logged in to post a comment Login