Tập sách gồm hai mươi truyện ngắn, tương ứng với năm lần xoay vần tuần tự bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhân vật trung tâm xuyên suốt là Marcovaldo, một công nhân nhà máy có vợ là Domitilla cùng bốn cậu con trai và hai cô con gái.
Marcovaldo cùng gia đình sống ở một thành phố công nghiệp ở miền Bắc Italy. Ông là công nhân nhà máy, một “công việc lao động phổ thông không trình độ”. Cuộc sống gia đình túng thiếu và nghề nghiệp nhàm chán, nhưng điều đó không ngăn cản Marcovaldo nuôi giữ một tâm hồn mơ mộng, đôi khi là lạc quan và thơ ngây quá đà.
Người thành thị luôn hướng về thiên nhiên
Chân dung ông được mô tả trực diện ngay từ truyện ngắn đầu tiên: “Ông Marcovaldo này có cái nhìn không mấy thích nghi với lối sống thành phố: dù các biển báo, trụ đèn giao thông, cửa kính, đèn bảng hiệu sáng rực, áp phích, đều được nghiên cứu ra nhằm lôi kéo sự chú ý nhưng ánh mắt ông chẳng hề nán lại mà dường như cứ trôi tuột đi như trên cát sa mạc.
Ngược lại, ông chẳng bao giờ bỏ qua một chiếc lá vàng úa trên cành, một cọng lông mắc trên mái ngói. Không thể có chuyện một con ruồi bám trên lưng ngựa, một lỗ mọt đục trên bàn hay vỏ một trái sung tách đôi nằm trên lối đi mà Marcovaldo không để ý tới, lấy nó làm đối tượng cho việc suy ngẫm về những mong muốn của tâm hồn và sự hiện hữu nghèo khó của ông trong khi phát hiện ra những thay đổi của các mùa”.
Chính vì say mê quan sát thiên nhiên như vậy, một hôm đứng chờ xe buýt tại trạm ông phát hiện ra nấm mọc trong một góc khuất. Thích thú với phát hiện này, ông trông ngóng từng ngày để thu hoạch chỗ nấm ấy cho cả nhà cùng ăn. Tuy nhiên chẳng may sao, kết cục lại là một tai nạn cho gia đình và cả một số người bắt chước ông.
Sách Marcovaldo hay các mùa trong thành phố. |
Suốt những truyện ngắn sau, Marcovaldo lại tiếp tục đẩy mình và những người xung quanh vào những tình huống “dở khóc dở cười”: kế hoạch săn chim bồ câu trên tầng thượng chung cư (Chim bồ câu thành phố), bắt ong để trị bệnh thấp khớp (Chữa bệnh bằng ong vò vẽ), trộm một con thỏ từ bệnh viện về để nuôi (Con thỏ chứa độc)… Tất cả nỗ lực này đều thất bại, đủ mọi cấp độ từ gây phiền toái nho nhỏ đến những hậu quả nghiêm trọng.
Những câu chuyện trên phần nào phản ánh được cái khó của một gia đình lao động nghèo: túng thiếu, phải chạy cơm từng bữa. Thiếu kiến thức, họ hại mình và vô tình làm hại cả những người xung quanh.
Trong một số truyện, Marcovaldo hiện lên là một người yêu thiên nhiên đến… thiếu thực tế, dẫn đến những hành động lạ lùng: ông ngủ ở công viên để được qua đêm cùng thiên nhiên (Nghỉ mát trên băng ghế), ông ganh tị với đứa con trai đi lạc trong rừng (Chuyến đi với lũ bò), ông mộng mơ trong lúc làm công việc xúc tuyết (Thành phố chìm dưới tuyết),…
Có khi, giấc mơ của ông mới thật gần gũi với những người dân thành thị ngày nay: một ngày sống trong thành phố không còn đông đúc, náo nhiệt như thường nhật – điều có lẽ chỉ xảy ra giữa những đợt giãn cách xã hội hoặc những dịp lễ, Tết dài ngày. Trong Cả thành phố của riêng ông, không có điều kiện đi nghỉ, Marcovaldo dạo quanh thành phố của mình và thấy “những con đường như đáy thung lũng hoặc lòng sông khô cạn, các ngôi nhà như những khối núi dựng đứng hoặc những vách đá”.
Con người trong xã hội công nghiệp hóa
Càng ở những truyện về sau, ta lại càng thấy bủa giăng quanh nhân vật chính là những nỗi lo thiết thực hơn: lo sợ nguồn thực phẩm bẩn, ô nhiễm, ông quyết tìm nơi “nước thật sự là nước, cá thật sự là cá” (Nơi dòng sông xanh hơn); cùng gia đình đi siêu thị, đứng trước những cám dỗ của chủ nghĩa tiêu dùng, nhưng ông chỉ đành bất lực (Marcovaldo trong siêu thị)…
Tình yêu thiên nhiên của mình, Marcovaldo cố gắng truyền sang con, bằng cách tìm cơ hội cho chúng cảm nhận thiên nhiên (Không khí trong lành, Một thứ bảy đầy nắng, cát và giấc ngủ), song lũ trẻ nhà ông cũng không thoát khỏi guồng quay của một xã hội công nghiệp hóa nhanh chóng, bị cuốn vào những chiêu trò buôn bán những món hàng sản phẩm của xã hội công nghiệp (Khói, gió và bong bóng xà phòng)…
Hầu hết các truyện được viết theo lối hiện thực, trừ ngoại lệ là một số chi tiết kỳ ảo, mơ thực lẫn lộn song cốt lõi vẫn bám vào những đổi thay có thực của một xã hội công nghiệp hóa, bê tông hóa nhanh chóng.
Theo Italo Calvino, những truyện đầu tiên trong loạt truyện được viết vào đầu những năm 1950 và do đó lấy bối cảnh một nước Ý rất nghèo. Những truyện cuối cùng viết từ giữa những năm 1960, khi nước Ý trong giai đoạn công nghiệp hóa mạnh mẽ, nhiều người dân kỳ vọng rằng kinh tế sẽ phát triển bùng nổ.
Từ đây có thể thấy, Marcovaldo hay các mùa trong thành phố là một tường thuật về cuộc đời những con người bình dị giữa tác động của bức tranh toàn cảnh xã hội lớn hơn, trong một thế giới chuyển mình mạnh mẽ. Ở đó, dẫu con người ta có hướng về thiên nhiên, cũng khó lòng tránh được những xu thế tất yếu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tưởng chừng là những câu chuyện hài, nhưng cũng phảng phất nỗi buồn, nỗi bất lực. Ước mơ của Marcovaldo có lẽ cũng là khao khát của rất nhiều người trong cuộc sống bó mình giữa những bê tông cốt thép và thức ăn công nghiệp ngày nay.
Theo Trưởng bộ môn Ngữ văn Ý – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Marcovaldo hay các mùa trong thành phố được viết bằng một ngôn ngữ trong sáng, được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn của học sinh từ các lớp nhỏ. Đây cũng là tác phẩm mà sinh viên theo học khoa Ngữ văn Ý được học để làm quen với văn chương trong ngôn ngữ này.
Giảng viên Văn học nước ngoài – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ThS Nguyễn Hồng Anh nhận định rằng Italo Calvino có một văn nghiệp phong phú, càng về sau càng thiên nhiều về thể nghiệm cách viết hơn là nội dung câu chuyện. Do đó có những tác phẩm của ông rất khó đọc.
Tuy nhiên, Marcovaldo hay các mùa trong thành phố lại là một tuyển tập trong trẻo, nhẹ nhàng, rất dễ đọc, vừa hài hước, châm biếm, cũng lại vừa thâm trầm, gợi nhiều suy ngẫm.
You must be logged in to post a comment Login