Nếu chỉ đọc tựa và mục lục, người ta dễ nhầm lẫn Ăn để nhớ là tập tản văn kể về những trải nghiệm ẩm thực riêng tư của tác giả.
Tuy nhiên chỉ cần bắt đầu bằng cách lật ngẫu nhiên một tản văn bất kỳ trong Ăn để nhớ, người đọc dễ bị cuốn hút bởi lời văn nữ tính của tác giả Kim Em.
Sách Ăn để nhớ. Ảnh: VK. |
Các món ăn dân dã và thân thương được cảm nhận bởi một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, đặc biệt không ủy mị và không cố lấy cảm xúc của người đọc bằng tính từ. Sự rung cảm được kể lại bằng lời đôi khi ráo hoảnh, đôi chỗ thủ thỉ, trở thành một mạch văn uyển chuyển như lời ca dao.
Đọc Ăn để nhớ, có cảm giác ngay bên mình đang có một người mẹ, người chị lúi húi sau chái bếp, cái dáng hiền lành bày soạn “mớ rau muống luộc xanh mướt chấm tương với bát nước rau vắt chút chanh, hoặc dầm mấy trái sấu xanh hay đĩa mè rang chín giã nhỏ” (Lỗi lầm vì cá trích ve). Từng lời văn mang đến cảm giác ngọt ngào và thân thương cho người đọc.
Nhưng rồi, người đọc lòng chùng xuống đột ngột vì bắt gặp “hũ sành ngày xưa mẹ hay dùng để muối dưa cải nằm lăn lóc bên cái giếng cũ mọc đầy cỏ dại… Cái hũ sứt miệng do một lần tôi ham chơi, vội vàng rửa qua loa khi mẹ sai rửa hũ…” (Hũ dưa muối).
Vị dưa cải muối trường mặn chát ấy một thời chỉ biểu hiện cho tháng năm khó khăn, giờ đây chợt sống dậy từ hình ảnh chiếc hũ sành sứt miệng bên giếng cũ. Cái mùi vị của ký ức ấy không chỉ đánh thức kỷ niệm của tác giả, mà còn đánh thức những niềm bứt rứt êm đềm trong tuổi thơ của bất kỳ người đọc nào.
Cuốn sách gồm 51 tản văn, được viết từ kỷ niệm của chính tác giả. Ảnh: VK. |
Ai cũng có “cái hũ sành sứt miệng”, để rồi được nhớ tiếng mẹ càm ràm, chợt thức dậy niềm thương của riêng mình trong từng tản văn của tác giả Kim Em.
51 bài viết không chỉ trôi qua một cách êm đềm và dễ thương; bởi êm đềm và dễ thương là lối viết an toàn nhưng đồng thời cũng khiến nhiều tập tản văn rơi vào lối mòn của sự nhàn nhạt dễ dãi.
Từng tản văn trong Ăn để nhớ là từng đoạn ký ức – từng cảnh phim nhỏ. Để rồi khi tác giả đặt từng cảnh phim nhỏ ấy vào hai phần: “Miếng ngon” và “Miền nhớ”, sẽ hiện ra cả một thước phim dài của “con bé lùn xủn, lì đòn, tóc khét nắng vì để đầu trần…” với những biến cố và trăn trở, những thắt và mở nút, những cao trào tình cảm và bứt rứt của kỷ niệm, trên bối cảnh Hội An thập niên 1960, 1970.
Càng ngày con người càng có xu hướng thích khám phá nhiều vùng đất lạ, thử nhiều món ngon trên hành trình ấy. Duy chỉ có một nơi mà từng món ăn là từng cánh cửa để trở về, ấy chính là miền nhớ. Ăn phải “ngậm nghe”, để nhớ mẹ ta xưa, nhớ gian nhà cũ, và nhớ thương chính mình trong vùng ký ức miên viễn ấy!