Vì thế, hầu hết nhà thơ đánh Mỹ đều phản ánh chiến tranh bằng cái nhìn lý tưởng thông qua những hình tượng lý tưởng. Trường ca của Thu Bồn cũng đã được cái hơi thở hào hùng của cuộc sống kháng chiến phả vào chất sử thi hoành tráng, bi tráng mà rất nhân văn.
Thu Bồn có 25 đầu sách gồm nhiều thể loại, từ thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận và nhiều bài báo. Với trường ca, có thể coi ông là một trong những người khai mở, đặt dấu ấn thành công và cũng là tác giả có nhiều trường ca nhất với các tác phẩm Bài ca chim chơ rao, Vách đá Hồ Chí Minh, Quê hương mặt trời vàng, Oran 76 ngọn, Người vắt sữa bầu trời, Thông điệp mùa xuân, Ba dan khát…
Trường ca Thu Bồn bi đến tận cùng mà cũng hùng tráng đến tận cùng. Độ bền nghệ thuật của những trường ca Thu Bồn được neo giữ giữa dòng chảy khắc nghiệt của thời gian là ở chỗ có sự song hành giữa tinh thần bi tráng và lý tưởng nhân văn.
Trong Bài ca chim chơ rao, đôi trai gái cách chia nhau bởi sự săn đuổi của phong kiến thực dân, đều gặp nhau ở con đường chung: Cách mạng. Rồi cả hai cùng rơi vào nhà tù thực dân, chịu đựng muôn cực hình tra tấn: “Lấy tóc làm khăn chùi nước mắt / Cô gái đi về cuối nhà lao / Trong đêm tối mò theo song sắt / Chân đeo xiềng bước thấp bước cao”.
Bi thương là thế, tù đầy tối tăm là thế, nhưng chính tình yêu được ủ mầm trong khổ đau, ngang trái đã trở thành ngọn lửa bừng lên soi sáng cả trại giam tăm tối, u buồn: “Không phải mộng rồi tình gắn bó / Đôi ngọn lửa rừng quấn quýt vào nhau / Giữa tàn phá âm u bừng cháy / Tình yêu vẫn nở giữa thương đau”.
Ở Chim vàng chốt lửa là một màu vàng do chiến tranh gieo rắc: “bom đào sâu thêm những hố đất vàng / cơn sốt lưu huỳnh nám mặt dòng sông/ những cây nấm hình thù kỳ dị / những đám bỏng napan trên thịt da mình như họa đồ thế giới / lặng câm/ những tổ chim trống hoác như con mắt mất tròng”.
Từ con “chim vàng” làm những tổ vàng trên bụi tre làng, cơn bão chiến tranh đến tàn phá đã phủ đầy màu vàng da cam rùng rợn để buộc “chúng tôi thành người lính”. Khi chung một lý tưởng, họ cùng chung một niềm vui trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh: “Tôi chỉ cho em xem khẩu súng sáng ngời/ và chốt lửa trăm quả mìn định hướng/ ơi bàn tay nào hướng đến niềm vui sướng/ điểm một lần trăm khối thuốc nổ tung”.
Còn sự hy sinh đầy bi phẫn của người cha (“Ông già tóc trắng”), người chồng (Dang A Nghi) trong trường ca Vách đá Hồ Chí Minh những tưởng sẽ giết chết cuộc đời cô gái Dy Mơ Thưng trong u uất, thế nhưng không, chính khúc bi ca kia đã nâng dậy khúc “đàn goong” trên mọi “cung đường”: “Dy Mơ Thưng lại đi, xua bóng tối / Tiếng đàn goong nâng dậy những cung đường / Lân tinh cháy dịu dàng trên lá ải / Lồng ngực em nghiêng tới chiến trường”.
Không dừng lại ở khía cạnh bi tráng, chính cái lý tưởng nhân văn đã đưa giá trị của trường ca Thu Bồn giữ được độ bền, giờ đọc lại vẫn tràn đầy xúc cảm. Nếu quy ước tinh thần bi tráng là biểu tượng “máu – lửa”, lý tưởng nhân văn là các biểu tượng “cánh chim”, “trẻ con”, “mầm nụ”, có thể thấy tần suất xuất hiện của hình ảnh “cánh chim”, “đàn trẻ nhỏ”, “hạt giống, nụ mầm”, “lồng ngực”, “bộ ngực”, “vú sữa” khá nhiều: “Biển Hồ ơi! người là biển sữa / bên cạnh người là nỗi khát trẻ con” (Oran 76 ngọn); “Mẹ thả neo vào mồm con bằng chiếc vú/ mà sóng đau thương cuộc đời/ không đánh bật được mẹ ra” (Quê hương mặt trời vàng).
Như vậy, khi phản ánh hiện thực chiến tranh, trên cơ sở song hành của tinh thần bi tráng và lý tưởng nhân văn, Thu Bồn đã đưa trường ca tiến đến một cái nhìn sắc sảo, đúng bản chất chiến tranh cùng những chiêm nghiệm đầy thuyết phục. Có lẽ đây chính là thế mạnh mà trong các thể loại thơ, chỉ có trường ca mới có, mà Thu Bồn là một đóng góp tiêu biểu. Với các trường ca nổi tiếng của mình, Thu Bồn đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.
Nguồn: https://zingnews.vn/truong-ca-thu-bon-tinh-yeu-van-no-giua-dau-thuong-post1440877.html
You must be logged in to post a comment Login