Trong cuốn sách đầu tay của mình, tác giả Eric Berger đã chia sẻ: “SpaceX không chỉ là một công việc, đó là một lối sống”. Nhận định này đến từ nhiều trải nghiệm của những nhân viên SpaceX, khi các kỹ sư phải bò bên trong một tên lửa có nguy cơ phát nổ còn những người khác nói về việc hết thức ăn trên một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương.
Sách ra mắt ngày 24/9. Ảnh: Amazon. |
Để có được tư liệu cho cuốn sách mới nhất của mình, Reentry: SpaceX, Elon Musk, and the Reusable Rockets that Launched a Second Space Age, Berger đã nói chuyện với khoảng 100 nhân viên hiện tại và trước đây của SpaceX.
Berger, biên tập viên cấp cao mảng không gian tại trang tin có tiếng về giới công nghệ Ars Technica, viết rằng CEO Elon Musk từng “sắp phá sản” chỉ hai năm trước khi Dragon giữ được đà thành công.
Và nhóm kỹ sư của công ty đã nỗ lực để giúp SpaceX đảm bảo dòng tiền rất cần thiết từ Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ NASA. Một trong những vụ việc gây ấn tượng là các kỹ sư SpaceX bị mắc kẹt trên một xà lan trong đêm và phải ngủ gần một tàu vũ trụ chứa đầy khí có khả năng gây nổ.
Chuyến bay đầu tiên của Dragon
Theo đó, Musk muốn Dragon, tàu vũ trụ hàng đầu của SpaceX có thể tái sử dụng. Dragon được thiết kế để đưa hàng hóa và các phi hành gia của NASA đến và đi từ Trạm vũ trụ quốc tế. Và khả năng tái sử dụng là đặc điểm nổi bật của công ty, khiến cho các vụ phóng tên lửa Falcon 9 để đưa tàu vũ trụ lên không gian của công ty rẻ hơn đáng kể so với tàu con thoi của NASA.
Sức ép đó buộc các kỹ sư của SpaceX phải đưa được Dragon rời khỏi Thái Bình Dương để xúc tiến kế hoạch bay lên vũ trụ sau chuyến bay đầu tiên thành công vào tháng 12/2010. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra chính xác như kế hoạch.
Nhiên liệu Dragon sử dụng là nhiên liệu hypergolic, với các thành phần tự bốc cháy khi chúng gặp nhau. Tính chất này giúp việc đốt cháy các động cơ đẩy trở nên đơn giản vì chỉ cần mở các van giữa các thành phần nhiên liệu và phản ứng hóa học sẽ tự động xảy ra.
Nhóm kỹ sư gặp nhiều khó khăn trong nhiệm vụ cứu hộ đầu tiên với tàu Dragon. Ảnh: BI. |
Tuy nhiên, điều đó cũng khiến nhóm nhân viên đầu tiên tham gia cứu hộ con tàu gặp nguy hiểm. Trong quá trình đưa con tàu rời khỏi Thái Bình Dương, không ai biết con tàu sẽ xảy ra điều gì. Nó có thể bị rò rỉ nhiên liệu, gây ra nguy cơ nổ.
Theo cuốn sách, đó là lý do nhân viên SpaceX phải ngay lập tức kiểm tra rò rỉ. Một kỹ sư tên là Kevin Mock đã dùng một thiết bị dài 20 foot (khoảng 6 m) có gắn một công cụ “ngửi” có thể phát hiện bất cứ luồng khí nào trong không khí khi con tàu vũ trụ lắc lư trên mặt nước.
Khi không phát hiện thấy rò rỉ nào, nhóm đã kéo Dragon lên xà lan bằng cần cẩu. Sau đó, hai kỹ sư và ba kỹ thuật viên mặc đồ bảo hộ và sử dụng nguồn cấp không khí độc lập, lên xà lan và bắt đầu nhiệm vụ nguy hiểm là làm rỗng các thùng nhiên liệu của tàu vũ trụ.
Việc đó diễn ra suôn sẻ và nhóm đã trở lại thuyền của phi hành đoàn để ngủ. Tuy nhiên, ngày hôm sau, họ lại gặp rắc rối.
Ngủ trong container vận chuyển
Vào ngày thứ hai, nhóm năm người của Mock đã dành khoảng tám giờ để xả nhiên liệu từ hệ thống của tàu vũ trụ và cất giữ trong các container.
Biển trở nên động, sóng lớn đánh vào xà lan lúc chạng vạng tối. Khi các nhân viên đã sẵn sàng để quay trở lại thuyền của phi hành đoàn, thuyền trưởng quyết định rằng điều kiện thời tiết quá nguy hiểm và không thể đưa họ trở về.
Mock và nhóm của ông bị kẹt trên một xà lan chứa đầy nhiên liệu độc hại, dễ xảy ra phản ứng hóa học gây nổ và họ không có giường để ngủ qua đêm.
Các nhân viên SpaceX trên thuyền đã nhét đồ ăn nhẹ vào một túi lớn thường dùng để đựng rác, các túi ngủ vào một chiếc túi đựng rác khác và đưa kèm một phích cà phê lên xà lan. Nhóm của Mock đặt túi ngủ của họ bên trong một container vận chuyển dài 20 feet trên xà lan.
Mock nói với Berger: “Chúng tôi đã có một đêm ngủ ngon nhất có thể. Chúng tôi quá kiệt sức”.
Ngày hôm sau, họ hoàn thành việc xả hết nhiên liệu của tàu vũ trụ.
“Đó là công việc khó khăn nhất mà tôi từng thấy ở SpaceX hay bất cứ nơi nào khác”, Roger Carlson, một nhà vật lý theo dõi từ thuyền của nhóm cứu hộ, nói với Berger.
Tuy nhiên, bất chấp sự khó khăn, công việc tại SpaceX có sức hấp dẫn mạnh mẽ. “Bạn sẽ phảỉ làm việc rất chăm chỉ, nhưng bạn cũng sẽ được làm việc với những công nghệ hiện đại nhất. Sau một vài năm ở đó với nhiều trải nghiệm được điền trong sơ yếu lý lịch, về cơ bản bạn có thể đi tới bất kỳ đâu trong ngành mà bạn muốn đến”, Berger chia sẻ với Business Insider khi quảng bá cuốn sách.
Berger viết rằng sau chuyến bay đầu tiên đó, SpaceX đã đưa được Dragon trở lại các cơ sở trên đất liền sau khi giảm áp hệ thống nhiên liệu đẩy.
Sau những thử thách ban đầu, các kỹ sư không cần phải mất nhiều ngày để dỡ nhiên liệu hypergolic trên biển. Ngày nay, việc thu hồi Dragon chỉ mất vài giờ và không gây ra vụ nổ chết người nào.
Hiện tại, tàu vũ trụ Dragon đã trở thành một phần chính trong chương trình của NASA, vận chuyển vật tư và phi hành đoàn đến và đi từ Trạm vũ trụ quốc tế. Dragon cũng đã thực hiện năm nhiệm vụ thành công đưa phi hành đoàn tư nhân lên vũ trụ.
Nguồn: https://znews.vn/trai-nghiem-mac-ket-xuyen-dem-cung-tau-vu-tru-spacex-chua-khi-gay-no-post1508201.html
You must be logged in to post a comment Login