Theo Fortune, trong thế giới công nghệ, phong cách quản lý phần nào độc đoán của những CEO như Elon Musk và Steve Jobs gần như đã trở thành huyền thoại. Họ được ca ngợi vì đã thúc đẩy nhân viên làm việc không ngừng nghỉ, có tầm nhìn xa và đôi khi ra những quyết định quyết liệt. Tên của họ gợi lên hình ảnh những cuộc họp căng thẳng, những buổi làm việc đêm khuya và việc đạt được nhiều mục tiêu tưởng như không thể. Elon từng ngủ trên sàn nhà máy hay Steve với câu nói huyền thoại “One more thing” khi giới thiệu sản phẩm mới mỗi năm.
Lãnh đạo “một mình” vs “tập thể”
SpaceX và Tesla của Musk, và Apple của Jobs, là minh chứng cho tầm cao những nhà lãnh đạo như vậy có thể đạt được. Tuy nhiên, những thành công này cũng có mặt tối. Musk cũng được biết đến vì tạo ra môi trường làm việc siêu căng thẳng, với việc tạo áp lực công việc cao cho nhân viên và tỷ lệ luân chuyển việc làm rất cao. Còn Jobs, mặc dù là thiên tài, nhưng cũng từng được biết đã có hành vi thô lỗ với nhân viên.
Hai CEO nổi tiếng với phong cách lãnh đạo cá nhân. Ảnh: Daily Mail. |
Bất chấp những mặt trái này, những nhà lãnh đạo như Musk hay Jobs vẫn trở thành hình mẫu cho nhiều CEO đầy tham vọng. Câu thần chú của Thung lũng Silicon là sự vĩ đại không chỉ đòi hỏi tầm nhìn và sự đổi mới, mà còn cần một sự quyết liệt và lập dị nhất định. Đây cũng là những phẩm chất được các nhà đầu tư mạo hiểm tìm kiếm trước khi quyết định rót vốn. Tư duy này có thể đã đẩy một số CEO vượt qua những nguyên tắc lãnh đạo thông thường. Travis Kalanick, người sáng lập Uber, đã bị đẩy khỏi công ty của chính mình sau một loạt bê bối về quyền riêng tư và khiếu nại về phân biệt đối xử, quấy rối tình dục trong thời gian ông tại vị.
Trong khi những CEO này rất được truyền thông chú ý thì còn một tỷ lệ cao hơn những CEO có thành công không kém cạnh. Họ đang thầm lặng xây dựng các công ty mang tính biểu tượng và công nghệ đột phá nhưng không “mang tiếng” cứng rắn hay hà khắc.
Những CEO thầm lặng có cách tiếp cận khác trong việc thể hiện vai trò lãnh đạo, nhấn mạnh vào sự hợp tác, đồng cảm và trao quyền cho nhân viên. Mặc dù giới truyền thông chưa nhắc nhiều nhưng phong cách này đã định nghĩa nên một số CEO thành công, chẳng hạn Satya Nadella của Microsoft, Shantanu Narayen của Adobe, Sundar Pichai của Google và cựu chủ tịch Tata Group Ratan Tata và chủ tịch Mahindra Group Anand Mahindra ở Ấn Độ.
Thành công của Ratan Tata và Anand Mahindra không kém các CEO như Musk hay Jobs . Ảnh: Mashable. |
Nadella đã chuyển đổi một Microsoft trì trệ, bị chia rẽ bởi sự cạnh tranh và mắc kẹt trong tư duy “ham chiến” của Steve Ballmer sang một Microsoft giàu tính đổi mới, đề cao văn hóa hợp tác và thậm chí cởi mở với triển khai sử dụng mã nguồn mở. Những ý tưởng mới giúp Microsoft tiếp tục dẫn đầu về công nghệ và là một đối tác có trọng lượng trong nhiều dự án trên thế giới.
Tương tự, Narayen đã chuyển đổi Adobe từ một công ty phần mềm khép kín truyền thống thành một gã khổng lồ cung cấp phần mềm dịch vụ, nhấn mạnh vào trải nghiệm của khách hàng và sự hài lòng của nhân viên. Hay CEO Sundar Pichai tại Google cũng ủng hộ văn hóa cởi mở và hòa nhập, thúc đẩy đổi mới trong khi vẫn duy trì trọng tâm mạnh mẽ vào thiết kế lấy người dùng làm trung tâm.
Còn Ratan Tata cũng đã dẫn dắt quá trình mở rộng toàn cầu của Tata Group, mua lại nhiều thương hiệu như Jaguar Land Rover và Tetley Team giúp tập đoàn phát triển hoạt động tại hơn 100 quốc gia, trải rộng trên các ngành công nghiệp như thép, ôtô, CNTT và hàng tiêu dùng. Tương tự, Anand Mahindra đã mở rộng hoạt động của Mahindra Group sang nhiều lĩnh vực như hàng không vũ trụ, kinh doanh nông nghiệp và CNTT.
Công ty mà những CEO này dẫn dắt không kém phần ấn tượng so với Apple hay Tesla, nhưng không xoay quanh cá nhân nhà lãnh đạo, mà nổi bật nhờ thành công của chính công ty. Vậy điều gì ở các CEO người Ấn Độ khiến họ trở nên khác biệt?
Triết lý lãnh đạo từ phía sau
Trong cuốn Leading From The Back: To Achieve The Impossible, Ravi Kant, Harry Paul và Ross Reck, đã mang tới sự so sánh hấp dẫn giữa phong cách lãnh đạo do Musk và Jobs thể hiện và cách tiếp cận hợp tác hơn của giới CEO Ấn Độ.
Tác giả chính từng có kinh nghiệm làm việc với giới CEO Ấn Độ. Ảnh: Amazon. |
Tác giả chính Kant, cựu CEO của Tata Motors và từng làm việc cùng Ratan Tata, giải thích rằng mặc dù phong cách lãnh đạo của Musk và Jobs có thể hiệu quả trong thúc đẩy hiệu suất cao và sự đổi mới, nhưng không phải lúc nào cũng có tác dụng và thậm chí có thể đẩy công ty đến chia rẽ.
Thêm vào đó, cách quản lý phần nào chuyên quyền thường khiến nhân viên phải căng thẳng và không tạo được đà sáng tạo lâu dài. Apple hiện chủ yếu hưởng thụ thành quả từ công trình của Jobs. Các mẫu iPhone gần đây chưa thực sự đột phá. Còn Tesla đang gặp khó khăn khi cạnh tranh gia tăng và sản phẩm của công ty bị đình trệ.
Ngược lại, phong cách lãnh đạo của các CEO Ấn Độ nhấn mạnh vào sự đồng cảm, trao quyền và hợp tác. Bản chất của “lãnh đạo từ phía sau” là nhà lãnh đạo không đi tiên phong mà thay vào đó, là bệ phóng thúc đẩy mọi người xung quanh thành công. Triết lý này được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc cốt lõi.
Đầu tiên là “Tôi nên như thế nào?”, nhấn mạnh vào sự tự phát triển bản thân. Bản thân các nhà lãnh đạo luôn cởi mở, hiểu được vị thế sở hữu/quản lý của mình và biết khi nào nên giữ khoảng cách. Sự cởi mở giúp các nhà lãnh đạo thích nghi và nắm bắt ý tưởng mới, hiểu được vị thế tạo nên ý thức trách nhiệm đối với tổ chức; biết giữ khoảng cách bao gồm việc sẵn sàng lùi lại để nhân viên trở thành tâm điểm, thúc đẩy sự phát triển và quyền tự chủ của họ.
Nguyên tắc thứ hai là về cách làm việc với nhóm nhân viên. Các lãnh đạo tạo ra môi trường hỗ trợ và trao quyền cho nhóm, như tin tưởng các thành viên, để họ đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề; nhà lãnh đạo chỉ hỗ trợ và định hướng khi cần. Cách làm này giúp các thành viên cảm thấy được coi trọng và có động lực đóng góp.
Và nguyên tắc thứ 3 là về cách hoàn thành công việc, tập trung vào cách tiếp cận mục tiêu của nhà lãnh đạo, sẵn sàng ủng hộ tư duy táo bạo của nhân viên và tạo môi trường làm việc khuyến khích đổi mới. Về tổng thể, khi được thực hiện tốt, phong cách lãnh đạo này có thể mang lại nhiều lợi ích lâu dài, tạo nên một tổ chức mạnh mẽ hơn, gắn kết hơn và có sức chịu đựng cao hơn với biến động.
You must be logged in to post a comment Login