Bộ sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam gồm hai tập của tác giả Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng về lịch sử phát triển của báo chí Việt Nam thuở ban đầu cho đến hiện tại. Cùng với đó là các chế độ báo chí thể hiện qua các luật, sắc lệnh theo tiến trình thời gian.
Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, được sự cho phép của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM và hai tác giả, Zing lược trích sách giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về sự phát triển của báo chí Việt Nam.
Báo chí cách mạng đầu thế kỷ 20 là “báo chí bí mật”. Lúc đó báo chí không qua thủ tục xin phép trước với chính quyền thực dân theo quy định của Điều 1 và 2 Sắc lệnh ngày 30/12/1898. Báo chí không hoạt động công khai, hợp pháp, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm ánh sáng chỉ đường đấu tranh thực hiện mục đích giải phóng dân tộc, giành chính quyền.
Báo chí cách mạng Việt Nam ban đầu do các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản tổ chức biên soạn và in, vận chuyển và phân phối, dùng làm tài liệu hướng dẫn hoạt động tuyên truyền, học tập trong vòng bí mật.
Thanh niên – Tờ báo cách mạng đầu tiên
Báo Thanh niên là tờ báo bí mật đầu tiên của những người cộng sản Việt Nam hoạt động ở nước ngoài, viết bằng chữ quốc ngữ. Báo là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trụ sở tại nhà số 13A đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc), do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo.
Tuần báo Thanh niên xuất bản cho đến tháng 8/1929, khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giải thể, kết thúc vai trò lịch sử của mình.Thanh niên ra hàng tuần vào ngày Chủ nhật, số 1 ra ngày 21/6/1925, in tại Quảng Châu.
Về nhân sự, Nguyễn Ái Quốc vừa là người chỉ huy điều khiển đồng thời là cây viết chính. Ngoài việc viết những bài quan trọng, Nguyễn Ái Quốc còn vẽ tranh, sửa và viết những tin, bài khác. Ban biên tập báo gồm các ủy viên của Tổng bộ Thanh niên như: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điểm…
Báo in bằng chữ viết với bút sắt nhọn trên giấy sáp. Thông thường mỗi số có 4 trang; khổ giấy 18 x 24cm. Phía trên trang nhất trong khung hình chữ nhật, có tên báo bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán. Trong khung, phía bên trái có hình ngôi sao năm cánh, giữa ngôi sao ghi số của tờ báo; bên phải, phía dưới tên báo bằng chữ quốc ngữ ghi ngày tháng ra báo. Số lượng phát hành mỗi số khoảng 100 bản.
Trang 1 báo Thanh niên số 64, ngày 10/10/1926. Ảnh tư liệu. |
Tuy là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhưng từ số 1 đến số 108 không ghi tiêu đề của tờ báo; đến số 108 ngày 28/7/1929 mới có tiêu đề của tờ báo là “Cơ quan của Đảng Việt Nam Cách mạng Thanh niên”. Ở vị trí ngôi sao năm cánh được thay bằng một ngôi sao và hình búa liềm.
Về nội dung, báo có xã luận, bình luận, truyện lịch sử thế giới, truyện lịch sử dân tộc, tin tức, hướng dẫn tổ chức đoàn thể, mục dành riêng cho phụ nữ, đấu tranh tư tưởng, lý luận… cổ vũ nổi dậy làm cách mạng; học tập kinh nghiệm lịch sử đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi triệt để, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước giàu mạnh; phải có một đảng cách mạng chân chính, có học thuyết Mác – Lênin soi đường.
Bàn về lực lượng cách mạng, Thanh niên số 73 ngày 12/12/1926 phân tích: “Trong khi mất nước, bước đầu cách mạng là ai đánh đuổi đế quốc chủ nghĩa đi mà muốn cho dân tộc mình được tự do giải phóng. Lực lượng dân tộc cách mạng là ở về toàn quốc dân nên quốc dân giác ngộ chừng nào thì lực lượng cách mạng to lớn chừng ấy“.
Về phát hành, báo được chuyển từ Trung Quốc về nước qua đường dây liên lạc bí mật của tổ chức đến các Kỳ bộ, Tỉnh bộ, các chi hội trong nước và Thái Lan. Ở trong nước, đến mỗi cơ sở tờ báo lại được chép tay nhân lên thành nhiều bản.
Thanh niên đình bản vào cuối năm 1929 sau khi các tổ chức cộng sản ra đời. Báo Thanh niên là cội nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam. Sau khi báo xuất bản, nhiều tờ báo cách mạng khác kế tiếp nhau ra đời. Từ năm 1925 đến năm 1930, trong cả nước có hơn 50 tờ báo cách mạng.
Hai tờ báo cách mạng đời sau: Kông nông và Lính kách mệnh
Sau báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc còn sáng lập ra một số tờ báo bí mật từ nước ngoài như: báo Kông nông (tháng 12/1926) là cơ quan của Thanh niên Cộng sản Đoàn để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước cho công nhân và nông dân theo quan điểm của chủ nghĩa xã hội;
Báo Lính kách mệnh ra đời tháng 1/1927 cũng là cơ quan của Thanh niên Cộng sản Đoàn để vận động giác ngộ binh lính người Việt trong quân đội thực dân Pháp liên minh với nông nông làm cách mạng (báo này là tiền thân của báo Quân đội nhân dân về sau).
Cũng như báo Thanh Niên, hai báo này được in bằng kỹ thuật viết bút thép trên giấy sáp.
Tranh vẽ Nguyễn Ái Quốc thời gian hoạt động, đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (1925-1927). Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Viết cho các tờ báo cách mạng buổi đầu này, Nguyễn Ái Quốc cũng là cây viết chính. Ngoài ra, còn có các biên tập viên Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điểm… Các báo này đều chủ yếu bằng tiếng Việt; ngoài ra còn có cả một số tin, bài bằng tiếng Hoa, Pháp, Anh…
Các tờ báo của hội dù in ở trong nước hay ở nước ngoài đều hết sức chú ý ở khâu in. Do viết chữ bản gốc để in ra nhiều bản nên người viết phải tập viết theo một kiểu chữ khác với chữ viết khi mình còn đi học để giữ bí mật, đề phòng báo rơi vào tay địch. Tác giả của các bài báo hầu hết đều không ký tên.
Việc chuyển báo từ Trung Quốc về trong nước cũng phải thực hiện hết sức bí mật, đề phòng mật thám theo dõi khám phá, bắt bớ, cơ sở bị lộ.
Những tờ báo cách mạng ban đầu tuy hình thức còn nhỏ bé, đơn sơ và phải hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn, bí mật, song đã mang đến cho các chiến sĩ và quần chúng cách mạng thời ấy những hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường cách mạng Việt Nam.