Nhân dịp bản dịch sách Phẩm Tam Quốc của tác giả Dịch Trung Thiên ra mắt bạn đọc, Quảng Văn Books đã tổ chức buổi tọa đàm mang tên “Phẩm Tam Quốc: Lịch sử từ góc nhìn của Dịch Trung Thiên”.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của hai vị diễn giả có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử Trung Hoa thời Tam Quốc đó là ThS. Nguyễn Đỗ Thuyên và Th.S Lê Huy Hoàng.
Trong tác phẩm văn học cũng như điện ảnh, các nhân vật của Tam Quốc hiện lên với cá tính riêng biệt. Họ có những nét khác biệt và tương đồng so với lịch sử. Trong tọa đàm nhân dịp ra mắt bản dịch Phẩm Tam Quốc (tác giả Dịch Trung Thiên), thạc sĩ Nguyễn Đỗ Thuyên, thạc sĩ Lê Huy Hoàng đã chỉ ra những điểm giống và khác nhau đó.
Diễn giả Nguyễn Đỗ Thuyên (giữa) và Lê Huy Hoàng (phải) tại buổi tọa đàm. Ảnh: T.H. |
Tiệm cận được tới sự thật khách quan
Tam Quốc là một thời kỳ mang ý nghĩa chuyển tiếp quan trọng trong lịch sử Trung Hoa. Nó đặc biệt ở chỗ đây là thời kỳ loạn lạc, anh hùng xuất hiện lớp lớp, đầy tính “kịch” và thú vị.
Chính sử ghi chép, dã sử lưu truyền, hý kịch viết dựng, tiểu thuyết diễn nghĩa. Ở mỗi thời đại khác nhau lại có những đánh giá, tác phẩm có miêu tả khác nhau về thời kỳ này.
Phẩm Tam Quốc là những quan điểm của tác giả Dịch Trung Thiên trước những nghi vấn (từ con người, sự kiện đến hình thái quốc gia) trong thời đại Tam Quốc. Sách cung cấp cho độc giả một góc nhìn để “đọc sử”, để suy ngẫm về thời kỳ này. Sách gồm 48 chương, được chia thành 4 phần theo trình tự thời gian, lần lượt bàn về quá trình hình thành và diệt vong của 3 nước Ngụy, Thục, Ngô.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đỗ Thuyên các tác phẩm bình luận Tam Quốc khác thường lấy tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa để phân tích nên mang diện mạo văn học. Còn Phẩm Tam Quốc sử dụng Tam Quốc chí, Tư trị thông giám (sử chí) để làm căn cứ nghiên cứu nên nó mang diện mạo lịch sử.
Một đặc điểm nữa, dù tác giả sách khá khiêm tốn khi định vị tác phẩm là cuốn sách là bình luận, chứ không phải là sách nghiên cứu, ông lại rất nghiêm túc trong phương pháp làm việc.
Chẳng hạn với những đề tài mà nó gây tranh cãi lâu nay thì Dịch Trung Thiên làm 2 việc: thứ nhất là ông trích dẫn đầy đủ những sử liệu có liên quan; thứ 2 rà soát tổng hợp tất cả nghiên cứu của các sử gia đi trước. Vì vậy, những ý kiến của Dịch Trung Thiên đã tiệm cận được tới sự thật khách quan.
Sách Phẩm Tam Quốc. Ảnh: Thu Huệ. |
Giải quyết các nghi án lớn thời Tam Quốc
Đề cập đến nội dung của Phẩm Tam Quốc, ông Thuyên cho biết có 4 điểm nổi bật. Thứ nhất, cuốn sách giải quyết được các nghi án lớn thời Tam Quốc. Người đọc tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa thường thấy cái chết của Ngụy Diên là oan ức, (có ai lại bị nghi mưu phản chỉ vì một cái xương sau gáy). Hay người đọc chính sử Tam Quốc chí của Trần Thọ cũng không khỏi nghi hoặc trước thất bại Tương Phàn của Quan Vũ.
Còn Phẩm Tam Quốc phân tích, lý giải được phần lớn những vấn đề còn tồn nghi, từ chuyện tại sao Tào Tháo để cho Lưu Bị tự do rời khỏi Tào doanh; quy mô và diễn biến của trận Xích Bích, cho đến vấn đề “mượn Kinh Châu”, bản chất xung đột Lý Nghiêm – Gia Cát Lượng, hay bí ẩn về cái chết của Tuân Úc.
Thứ hai, sách đã làm rõ những chỗ hư cấu quan trọng trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa so với chính sử. Nếu bỏ qua chi tiết này, rất có thể độc giả sẽ bị đóng đinh vào đầu “hình tượng văn học” mà bỏ qua “hình tượng lịch sử”.
Thứ ba, cuốn sách cung cấp nhiều thông tin chi tiết về quan chế cuối thời Đông Hán, giải nghĩa nhiều khái niệm ít gặp, qua đó giúp người đọc hiểu hơn về bối cảnh của mỗi sự kiện, hành trạng của mỗi nhân vật và tầm vóc của mỗi quyết sách.
Và nhờ hiểu các thông lệ trong việc kế vị (lập đích, lập trưởng, lập hiền, lập ái), người đọc sẽ dễ dàng nắm bắt được diễn biến cuộc tranh giành giữa Tào Thực và Tào Phi, cũng như có thể nhìn ra sai lầm của Viên Thiệu và Lưu Biểu trong việc chọn người nối nghiệp.
Thứ tư, cuốn sách còn giới thiệu thêm những gương mặt nhân vật Tam Quốc với những vai trò quan trọng bất ngờ mà vì nhiều lý do lại không quá nổi bật trong Tam Quốc diễn nghĩa.
Chẳng hạn như Đổng Chiêu là người mấu chốt trong việc đưa Hán Hiến đế về Hứa Xương, giúp Tào Tháo thực hiện trọn vẹn kế hoạch “phò thiên tử để lệnh kẻ không thần phục”.
Cũng đề cập đến nội dung cuốn sách, thạc sĩ Lê Huy Hoàng cho rằng một trong những mục đích của tác giả Dịch Trung Thiên khi thực hiện cuốn sách này là muốn chứng minh lịch sử và tiểu thuyết luôn có độ chênh nhất định. Do vậy trong cuốn sách ông cố gắng đưa các nhân vật thời này về gần với lịch sử nhất.
Theo ông Hoàng, nhân vật Quan Vũ trong văn học được mô tả khá gần với lịch sử, nhưng Tào Tháo có một số điểm khác. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết có một số điểm hơi sai lệch đi so với lịch sử, khi cố gắng xây dựng hình tượng nhân vật gian hùng.
Ví dụ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa có tình tiết Tào Tháo giết cả nhà Lã Bá Sa. Nhưng trong Ngụy thư (chính sử) lại chép nhà Lã Bá Sa có định giết Tào Tháo thật chứ không phải trói con lợn.
Trương Phi cũng được khắc họa khác so với lịch sử. Trong văn học, ông được miêu tả với hình tượng nóng nảy, mắt trợn ngược, đen và có nhiều râu. Còn trong lịch sử, ông là một họa sĩ vẽ tranh về phụ nữ rất đẹp (vẽ sĩ nữ đồ).
Nói về Phẩm Tam Quốc, ông Hoàng cho biết điểm khác biệt nhất là giọng văn của tác giả Dịch Trung Thiên. Ông dùng giọng văn gần gũi, đôi chỗ hài hước, mang đến cách tiếp cận gần gũi.
Mặt khác, tác giả nhìn thời kỳ Tam Quốc theo con mắt sử học hiện đại và có những điểm mở rộng nhất định, không chỉ trong ba nước Ngụy, Thục, Ngô, mà còn đối chiếu về mặt không gian với các khu vực xung quanh. Ông cũng mở rộng nội dung theo trục dọc của thời gian, không chỉ cắt nhỏ từng sự kiện để phân tích.
“Tác phẩm và Dịch Trung Thiên mở ra tư duy mới cho tôi trong việc tiếp cận lịch sử. Tiếp theo là cách trình bày, cắt nghĩa chi tiết, khéo léo”, ông Hoàng nói.