Tam quốc chí bình thoại là tập đại thành (tập hợp tự cổ chí kim một cách có hệ thống) các truyện kể dân gian về đề tài Tam quốc thời Nam Tống.
Hình thành một liên hoàn truyện
Tác phẩm không chia thành chương hồi mà chia thành 3 quyển thượng, trung, hạ. Nội dung chia làm hai phần: Phần trên là ảnh minh họa, phần dưới là văn bản bình thoại. Câu chuyện bắt đầu từ thời Quang Vũ đế sáng lập ra nhà Đông Hán và kết thúc bằng sự kiện Lưu Uyên tiêu diệt nhà Tấn, lập ra nhà Đông Hán.
Mặc dù, bị đánh giá là vẫn còn những hạn chế nhất định như lời bình thoại và lịch sử có một khoảng cách nhất định, tác phẩm chưa thực sự chau chuốt về mặt ngôn từ (do quá độ từ lời kể truyền miệng sang văn bản viết), nhưng Tam quốc chí bình thoại vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong tiến trình kể chuyện Tam quốc.
Sách Tam quốc chí bình thoại do NXB Thanh niên và Tri thức trẻ Books liên kết phát hành. Ảnh: MC. |
Tác phẩm là một trong những nguồn chính (cùng Hậu Hán Thư, Tam quốc chí, Tấn thư và Tư trị thống giám) hình thành nên tuyệt tác chương hồi Tam quốc diễn nghĩa.
Đọc Tam quốc chí bình thoại chúng ta không chỉ hiểu hơn quá trình sáng tác của La Quán Trung, mà còn biết rõ hơn quá trình hình thành các giai thoại Tam quốc nổi tiếng.
Đồng thời, ta sẽ thấy được những đóng góp của tác phẩm này vào tiến trình kể chuyện Tam quốc. Có thể kể đến như: hình thành một liên hoàn truyện, cung cấp nhiều tình tiết, đặc biệt là đưa ra được một hệ thống nhân vật với những tạo hình cụ thể.
Với sự hình thành một liên hoàn truyện, lần đầu tiên ta biết được một câu chuyện Tam quốc dưới dạng một câu chuyện thống nhất từ đầu đến cuối.
Và trong câu chuyện thống nhất này ta có một loạt các chùm truyện quan trọng, có thể kể đến như: Lữ Bố và ba anh em Lưu, Quan, Trương; Quan Công khi ở doanh trại Tào Tháo; Trận chiến Xích Bích; Tôn Phu nhân; Chiến dịch thu phục Ích Châu; Tào Tháo chém thái tử; Chiến công của Gia Cát Lượng…
Bên cạnh đó, dựa vào văn bản của tác phẩm, có thể thấy Tam quốc chí bình thoại là nguồn tham khảo quan trọng của La Quán Trung khi viết Tam quốc diễn nghĩa.
Tác phẩm đã đóng góp nhiều tình tiết quan trọng để La Quán Trung tiếp thu và tổ chức lại theo ý muốn của mình như: Đào viên kết nghĩa; tam chiến Lã Bố; Quan Công ở doanh trại Tào Tháo; ba lần đến lều tranh; Xích Bích giao tranh; bát trận đồ; bảy lần bắt Mạnh Hoạch…
Tạo hình ba anh em Lưu, Quan, Trương trong phim Tam quốc diễn nghĩa, 2010. |
Chú trọng mô tả về diện mạo nhân vật
Về tạo hình nhân vật Tam quốc, Tam quốc chí bình thoại là tác phẩm lần đầu tiên đưa ra được một hệ thống các nhân vật với những tạo hình cụ thể.
Trước đó Tam quốc chí của Trần Thọ chưa cung cấp được diện mạo xác định cho các nhân vật.
Trường hợp nhân vật Lưu Bị là một trong số ít các nhân vật được Trần Thọ ưu ái khi được cung cấp một vài đặc trưng như “Mình cao bảy thước, hai tay dài quá gối, ngoảnh đầu tự thấy tai mình”.
Nhưng đối với bình thoại những đặc trưng trên chưa đủ. Để Lưu Bị ra dáng một đế vương, tác giả bình thoại đã thêm vào những đặc trưng đó rằng Lưu Bị “mũi rồng mắt phượng, lưng vua Vũ, vai vua Thang”.
Đến khi Lưu Bị diện kiến Hán Hiến Đế, tác giả bình thoại lại bổ sung thêm cho ông hai đặc trưng nữa, đó là “mặt như trăng tròn, hai tai buông xuống vai”.
Đến Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung mô tả Lưu Bị dựa trên những đặc trưng mà Trần Thọ và bình thoại cung cấp, chiều cao nâng lên một thước. Lư Bị “mình cao tám thước, hai tai lớn chảy xuống vai, hai tay dài quá đầu gối, ghé mắt có thể nhìn thấy tai”. Ông còn thêm vài nét điểm xuyết vào khuôn mặt là “diện như quan ngọc, thần nhược đồ chi” (mặt như ngọc trên mũ, môi chẳng khác gì son”.
Khác với Lưu Bị, hầu hết nhân vật trong Tam quốc chí của Trần Thọ không được chú trọng mô tả về diện mạo.
Quan Vũ là người đầu tiên trong số ba anh em được tác giả bình thoại mô tả diện mạo. Theo đó, ông là người “mày thần, mắt phượng, râu xoăn, mặt như ngọc tía, thân cao chín thước ba tấc”. Bộ râu của Vũ sau được mô tả lại dài tới bụng.
Đến Tam quốc diễn nghĩa La Quán Trung thay mắt phượng mày thần bằng mày như con tằm, bộ râu rậm của Quan Vũ được tô đậm thêm “dài hai thước”. Sắc mặt của Quan Vũ được giữ lại màu đỏ, nhưng thay bằng hình ảnh khác “diện như trọng tảo” (mặt như trái táo), chỉ người có gương mặt đỏ.
Tạo hình Trương Phi có lẽ là đóng góp lớn nhất của bình thoại. Trong Tam quốc chí Trần Thọ không hề nhắc đến hình dáng bên ngoài nhân vật này.
Trương Phi trong bình thoại được mô tả là “đầu báo, mắt tròn, cằm én, râu hổ, thân cao hơn chín thước, tiếng nói như chuông to”.
Hình dạng Trương Phi trong bình thoại được xem là rất khác so với các tư liệu khác nằm ngoài Tam quốc chí. Các tư liệu này cho biết Trương Phi không phải là người thô lỗ, mà là một họa sĩ và một nhà thư pháp. Cuốn Họa tủy nguyên thuyên của Trác Nhĩ Xương cho biết Trương Phi thích vẽ mỹ nhân, giỏi viết chữ thảo. Ngoài ra còn có ý kiến còn cho rằng Trương Phi rất đẹp trai, đây là lý do ông có tới hai con gái là vợ Lưu Thiện…
Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng tạo hình của Trương Phi trong Tam quốc chí bình thoại đã được La Quán Trung lấy lại hết. Chỉ có chiều cao của Trương Phi bị hạ thấp xuống một thước (chắc là để cho Lưu Bị không quá thấp bé so với hai người em…
Tóm lại, Tam quốc chí bình thoại là tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến tiến trình kể chuyện Tam quốc. Mặc dù, tác phẩm này còn những khiếm khuyết, nhưng những đóng góp của tác phẩm này đối với quá trình sáng tác Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung là không phủ nhận được.