Thông qua 50 tác phẩm mỹ thuật then chốt, Câu chuyện nghệ thuật (Susie Hodge) dẫn dắt người đọc dạo qua lịch sử nghệ thuật từ các bức vẽ thuở sơ khai, qua các trào lưu, trường phái, đến các tác phẩm sắp đặt đương đại.
Được sự đồng ý của Đông A – đơn vị nắm bản quyền tiếng Việt cuốn sách, Zing trích đăng một phần tác phẩm.
Broadway Boogie Woogie của Piet Mondrian, chất liệu sơn dầu trên vải, kích thước 127 x 127 cm, hiện thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ.
Tranh Broadway Boogie Woogie. Hình ảnh trong sách Câu chuyện nghệ thuật. |
Piet Mondrian (1872-1944) là một họa sĩ nổi tiếng về các tác phẩm thuần túy trừu tượng, ông đã giản lược hóa triệt để các yếu tố trong tranh để phản ánh quan điểm của mình về trật tự tâm linh ẩn giấu bên dưới thế giới hữu hình.
Tin tưởng rằng nghệ thuật phản ánh tinh thần của tự nhiên, trong suốt nhiều năm, người họa sĩ trẻ Mondrian đã tìm cách đơn giản hóa các bức tranh của mình thành những yếu tố căn bản nhất nhằm phản ánh quan điểm của ông về nguồn năng lượng trong sự cân bằng của các lực lượng kiểm soát tự nhiên và vũ trụ.
Điều này đòi hỏi ông phải giản lược tất cả mọi chi tiết miêu tả thế giới để đưa chúng về những màu sơ cấp và những đường ngang dọc, đại diện cho những yếu tố đối lập với các lực lượng mang tính dương và âm, động và tĩnh, nam và nữ. Ông gọi phong cách hội họa này là Tân Tạo hình.
Thoát khỏi châu Âu lúc bấy giờ đang bị tàn phá bởi chiến tranh, Mondrian đã chuyển đến New York vào năm 1940, và trong buổi tối đầu tiên ở đây, ông đã được làm quen với thể loại âm nhạc boogie-woogie của Broadway.
Đáp lại điều đó, ông đã vẽ bức tranh này, đây là hình ảnh phản chiếu lại mạng lưới ngang dọc của thành phố Manhattan, gợi nên hình ảnh những đường phố, xe cộ đang lưu thông và đèn điện, và cả những vũ điệu nhạc jazz mà ông ưa thích.
Thay cho những đường thẳng màu đen để phân tách các mảng màu như vẫn thường sử dụng, Mondrian dùng những hình vuông nhiều màu sắc để tạo thành các đường lưới, giúp mang đến một nguồn sinh khí mới mẻ được khơi dậy ngay từ sức sống sôi động mà ông khám phá ra ở New York City.
Cách sắp đặt các ô vuông nhiều màu sắc bên trong những đường thẳng màu vàng chuyển tải nhịp sống muôn hình vạn trạng của thành phố hối hả bận rộn này, và những khối màu nhỏ li ti tạo nên một nhịp điệu rộn ràng sôi nổi – một hiệu ứng thị giác lung linh gợi nên cảm giác chuyển động.
Piet Mondrian. Ảnh: davidcharlesfox. |
Piet Mondrian, sau khi bị lôi cuốn bởi những triết lí của thuyết thông thiên học, đã dần giản lược và giảm thiểu các yếu tố trong tranh của mình, cho đến khi chúng chỉ còn lại những đường thẳng và các màu sơ cấp thuần túy.
Ông đã trở thành một thành viên quan trọng của trào lưu De Stijl ở Hà Lan. Tầm ảnh hưởng của ông đối với nền nghệ thuật và thiết kế của thế kỉ XX phần lớn đến từ sự thuần nhất trong tầm nhìn và lối sống cũng như những tác phẩm thực tế của mình.
Các tác phẩm quan trọng khác của Mondrian: Bố cục các mảng lớn màu Đỏ, Vàng, Đen, Xám và Xanh dương 1921, Gemeentemuseum, the Hague, Hà Lan; Bố cục hình thoi với màu Vàng, Đen, Xanh dương, Đỏ và Xám 1921, Học viện Nghệ thuật Chicago, Illinois, Mỹ; Bố cục màu Vàng, Xanh dương và Đỏ 1937-1942, Tate Modern, London, Anh.