Cuối tháng 10 vừa qua, The Story of Art – Câu chuyện nghệ thuật được phát hành như một điểm nhấn của làng xuất bản. Cuốn sách kinh điển về nghệ thuật trong hàng chục năm qua đã được giới nghiên cứu, nghệ sĩ bình luận trong buổi trò chuyện diễn ra hôm 7/11 tại một trung tâm nghệ thuật đương đại ở Hà Nội.
Nghệ thuật không huyền bí
Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ cho biết ngày nay, nghệ thuật trở thành hàng hóa, thị trường chi phối những thăng trầm của nghệ thuật. Trong hoàn cảnh như thế, sách về nghệ thuật xoay quanh việc phục vụ thị trường.
Các cuốn sách như vậy có nội dung về tác giả, được viết ra để thúc đẩy việc bán nghệ thuật. Ở mảng sách nghệ thuật nhưng không phục vụ việc mua bán tranh, tượng, cuốn The Story of Art – Câu chuyện nghệ thuật là tác phẩm thành công.
Tác giả sách là giáo sư Ernst Hans Josef Gombrich (1909-2001). Ông sinh trưởng ở Vienna vào thời điểm nơi đây là thành trì nghệ thuật thế giới. Bạn bè của cha mẹ ông đều là những nghệ sĩ lớn. Ông chơi piano hay, vẽ đẹp, sau này đi sâu vào nghiên cứu tâm lý học. Bởi vậy, cách nhìn nhận nghệ thuật của ông rất khác.
Sách Câu chuyện nghệ thuật. Ảnh: O.P. |
Nếu đọc các vựng tập triển lãm, ta thấy cách nhìn của Gombrich khác hẳn. Ông không tin có thứ nghệ thuật viết hoa, không tin có thứ nghệ thuật huyền bí nằm ngoài con người, như một lãnh địa chỉ một tầng lớp nào đó tham gia vào được, nên mỗi tranh mới có giá hàng triệu USD.
Vì không muốn “dính” đến những yếu tố thị trường như vậy, Gombrich cho rằng người yêu hội họa, điêu khắc… cần trang bị kiến thức, có cách nhìn để tiếp cận nghệ thuật.
Đó là lý do khiến ông viết Câu chuyện nghệ thuật. Cuốn sách kể về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại, được tác giả khảo sát và đánh giá trong các lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc… song hành với những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hóa, chính trị, và tôn giáo.
Sách là nguồn tư liệu phong phú về các tác phẩm đáng chú ý, những tên tuổi tài năng, những trường phái, phong cách đặc sắc trong dòng chảy nghệ thuật.
Được xuất bản lần đầu năm 1950, trong suốt 70 năm qua, Câu chuyện nghệ thuật luôn được đánh giá là tác phẩm kinh điển về lịch sử nghệ thuật thế giới.
Tác phẩm được dịch ra gần 30 thứ tiếng và hơn 8 triệu bản được bán ra trên toàn thế giới. Điều đó khiến tác phẩm trở thành cuốn sách nghệ thuật bán chạy mọi thời đại và là tác phẩm nhập môn nghệ thuật thị giác cho nhiều thế hệ độc giả.
Tác phẩm phát hành tại Việt Nam cập nhật theo ấn bản mới nhất lần thứ 16, qua bản dịch của Lưu Bích Ngọc.
Câu chuyện nghệ thuật dày 692 trang chia thành 3 phần: Lời giới thiệu về nghệ thuật và các nghệ sĩ, 27 chương chi tiết từng giai đoạn lịch sử của nghệ thuật với 413 bức ảnh in màu và một chương tổng kết để tóm tắt và cập nhật những phát triển mới nhất.
Tranh Trong vườn của họa sĩ Edouard Manet. Nguồn ảnh: Wikiart. |
Kiến thức nền về nghệ thuật
Họa sĩ Vũ Đỗ – người sáng lập The Painter’s Studio – nói anh làm giáo dục nghệ thuật nên nhiều lần gặp câu hỏi như “Xem bức tranh này ra sao?”, “Tranh thuộc trường phái gì, phong cách nào, có ý nghĩa gì?”…
“Điều đó cho thấy chúng ta thiếu kiến thức nền về nghệ thuật”, Vũ Đỗ nói. Nếu muốn trang bị nền tảng để hiểu nghệ thuật, những cuốn sách sẽ giúp bổ trợ nhiều điều.
Ngoài hệ thống tư liệu, thông tin phong phú về tác phẩm nghệ thuật và nghệ sĩ, Vũ Đỗ đánh giá cao cuốn sách ở phần chú thích. Anh cho rằng những diễn giải về bối cảnh, tôn giáo… sẽ bổ trợ nhiều điều giúp người đọc hiểu thêm về nghệ thuật.
Cuốn sách này như một sợi dây khi thả diều, nó neo người đọc với gốc gác, với cơ sở để nhìn nhận nghệ thuật.
Họa sĩ Trịnh Lữ
“Cuốn sách này đáp ứng nhiều điều. Sách là khởi đầu không chỉ cho người ngoại đạo, mà với cả giới chuyên môn, những nghệ sĩ trẻ như chúng tôi”, Vũ Đỗ nói.
Từ góc độ một người giảng dạy, thầy Tiến – giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam – đánh giá cao phong cách, văn phong của Câu chuyện nghệ thuật.
Ông nói: “Giáo trình, tư liệu nghệ thuật hiện đại ngày nay rất yếu, thiếu. Câu chuyện nghệ thuật là tác phẩm lớn, tác giả có cách tiếp cận nghệ thuật hay, cách thức kể câu chuyện hiệu quả. Với người trong giới như chúng tôi, đây là tác phẩm chính thống, xứng đáng có trong mọi thư viện chuyên ngành”.
Nhà báo Trương Uyên Ly – người thực hiện trang web nghệ thuật Hanoigrapevine – nói cuốn sách có ý nghĩa với những người yêu nghệ thuật nhưng chưa được đào tạo bài bản. Với chị, đọc cuốn sách này giống như được tác giả dắt tay đi ngắm, giới thiệu về từng tác phẩm.
Từ trái qua: Họa sĩ Vũ Đỗ, nhà báo Trương Uyên Ly, họa sĩ Trịnh Lữ, ông Vũ Trọng Đại – Giám đốc Công ty sách Omega – tại buổi trò chuyện về cuốn sách hôm 7/1.1 Ảnh: O.P. |
Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ cho rằng nhiều ấn phẩm nghệ thuật ở nước ta hiện nay nói lại theo lời của nghệ sĩ, tác giả sách không đưa ra được bình luận riêng.
Nội dung sách thường nhắc lại lời nghệ sĩ sáng tác. Với người sáng tác, nghệ thuật là một thế giới riêng, do vậy sách về nghệ thuật thường trở nên quá chuyên biệt hoặc rối rắm.
“Giữa không khí như vậy, cuốn sách này như một sợi dây khi ta thả diều, nó neo người đọc với gốc gác, cơ sở để nhìn nghệ thuật”, họa sĩ Trịnh Lữ nói.
Gombrich coi nghệ thuật là hoạt động tạo tác vì con người, phục vụ con người. Cuốn sách cho thấy nghệ thuật gần gũi, không giống lập luận của một số người nói “nghệ thuật đứng bên trên con người”.
Theo họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ, những cuốn sách trang bị kiến thức nền như thế này sẽ đưa nghệ thuật đến gần hơn với con người. Từ cơ sở đó, mọi người sẽ thấy sự thiết yếu của nghệ thuật, không phải chuyện cao xa thần bí của riêng nhóm người nào đó.
“Ngày nay, nghệ thuật phải nối lại với con người, mang lại xúc cảm đẹp đẽ, thiêng liêng cho con người. Nghệ thuật là hoạt động xã hội rất bình thường, chừng nào ta đi mua sách nghệ thuật cũng thiết yếu như đi mua rau ăn hàng ngày, lúc bấy giờ, nghệ thuật mới không phải là thứ gì ‘hù dọa’ con người”, họa sĩ Trịnh Lữ nói.
Theo họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ, Câu chuyện nghệ thuật phù hợp với nhiều đối tượng độc giả. “Những nghệ sĩ cần đọc sách để biết về lịch sử nghệ thuật; người đang theo học, những người môi giới, làm gallry, bảo tàng, nhà báo, phê bình nghệ thuật… đều nên đọc sách này, để có kiến thức mà định hướng, và quan trọng là không đẩy nghệ thuật ra xa công chúng”, ông nói.