Năm 2013, một nhân vật từng chia sẻ quan điểm cá nhân rằng em không thích truyện tranh bởi đó là những con sâu đục khoét tâm hồn.
Quan điểm này đã gây ra tranh luận trong một thời gian dài. Cũng từ sự kiện đó, nhiều người đã lên tiếng để ủng hộ quan điểm “anti-manga” và liên tục nhấn mạnh vào những mặt xấu do truyện tranh mang lại.
Theo các ý kiến đó, truyện tranh chỉ đem lại những điều vô bổ, không có ích. Nhiều phụ huynh cấm con đọc truyện tranh vì cho rằng chúng quá bạo lực, kích động hoặc có một số nội dung dành cho người lớn, không phù hợp với lứa tuổi.
Truyện Địa ngục môn của tác giả Can Tiểu Hy. Nguồn: Comicola. |
Truyện tranh không chỉ dành cho trẻ em
Còn đối với lứa tuổi thanh niên, việc đọc truyện tranh cũng phải đối mặt với không ít ánh mắt thiếu thiện cảm. Những suy nghĩ như: “Truyện tranh chỉ dành cho trẻ con thôi” hay “Sao suốt ngày truyện tranh thế? Từng ấy thời gian để dành cho học bài không hơn à?” thường xuyên được đặt ra dành cho các em.
Thế nhưng, liệu truyện tranh có xấu thế không?
“Khi một người đàn ông ngồi bên một cô gái đẹp, một tiếng chỉ như một phút. Thế nhưng để anh ta ngồi trên một cái lò nóng, một phút cũng dài tựa hàng giờ. Đó chính là tính tương đối”, đó là một trong những câu nói bất hủ của Albert Einstein.
Có lẽ trong cuộc sống cũng vậy, không có gì là tuyệt đối. Mọi thứ đều là tương đối, chúng thay đổi tùy theo từng hệ quy chiếu, từng góc nhìn riêng biệt. Hiếm có sự vật hay sự việc mà chỉ có mặt tốt hoặc chỉ có mặt xấu. Truyện tranh cũng vậy.
Trước hết, truyện tranh sở hữu vô vàn chủ đề, nội dung khác nhau để phù hợp cho từng đối tượng khác nhau. Và giống như điện ảnh, để phân tách từng nhóm đối tượng này, người ta sẽ chia thành từng nhóm độ tuổi cụ thể. Chính bởi vậy, việc của người lớn là “kiểm soát” các tác phẩm truyện tranh nào thực sự phù hợp cho con cháu mình.
Truyện tranh có nhiều nhánh, phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau. Ảnh: Kilala. |
Cũng cần nói rõ, truyện tranh không chỉ dành cho trẻ em, có nhiều thể loại truyện được sáng tác dành riêng cho lứa tuổi trưởng thành.
Đó là những tác phẩm được ưu tiên đầu tư vào chiều sâu trong nội dung để có thể chạm được vào những rung cảm ở tận bên trong tâm tư của người lớn, đặc biệt là những ai mới trưởng thành nhưng lại chưa quen với guồng quay khắc nghiệt của cuộc sống mới.
Trả lời phỏng vấn trên Công an Nhân dân, biên kịch Nguyễn Khánh Dương, Giám đốc công ty truyện tranh Comicola, từng nói: “Tại các ngày hội truyện tranh ở Mỹ, Nhật, Anh, Đức… lứa tuổi chủ yếu đến xem là lứa tuổi trưởng thành (20-35 tuổi)”. Chúng tôi làm truyện tranh để truyền tải tâm tư, nguyện vọng của lứa tuổi mình do đó rất cần một hệ thống phân loại độ tuổi đọc được cơ quan quản lý Nhà nước công nhận. Nếu quan niệm truyện tranh là dành cho trẻ con, lớp họa sĩ mới này chắc chắn khó có thể sáng tác tiếp”.
Thay đổi trong cách đánh giá truyện tranh
Trong vài năm trở lại đây, truyện tranh dần lấy được lòng tin của nhiều người hơn, các ý kiến tiêu cực trái chiều cũng giảm hẳn. Nhiều sự kiện lớn, ngày hội quy mô về truyện tranh được tổ chức, các buổi offline về manga, cosplay hay kể cả figure (mô hình) cũng diễn ra thường xuyên hơn.
Tuy nhiên đó mới chỉ là những nét tích cực bề ngoài mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy. Còn tin vui thực sự đối với các tín đồ truyện tranh đến từ những thay đổi rõ nét trong tư duy nhìn nhận của cộng đồng.
Trước đây, truyện tranh Việt Nam hay những bộ truyện được “nhập khẩu” về chủ yếu mang đậm màu sắc chủ nghĩa anh hùng Á Đông, trừ gian diệt ác, chính nghĩa tất thắng. Thể loại này có nội dung tích cực nhưng đơn điệu, chưa có nhiều đột phá về cả sự sáng tạo lẫn các nét chuyển biến tâm lý.
Yugi-Oh là bộ truyện tranh kinh điển và đây cũng là đại diện tiêu biểu cho những tác phẩm thuộc thể loại “trừ gian diệt ác – chính nghĩa tất thắng”. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Còn hiện nay, thể loại của các tác phẩm được phát triển phong phú hơn. Đặc biệt là các bộ truyện dành cho thanh thiếu niên mới lớn – lứa tuổi có đời sống tâm lý tương đối phức tạp.
Các nội dung có nhãn 16+ hay 18+ cũng không còn gặp nhiều ý kiến trái chiều như xưa. Bởi đơn giản, chúng là những nét ánh xạ chân thực của chính xã hội và cuộc sống thực bên ngoài.
Thay vì quan điểm truyện tranh là phải trong sáng, phải có ý nghĩa răn dạy, hàm chứa bài học, tính giáo dục cao và đương nhiên không được xuất hiện bạo lực, yêu đương thì giờ đây các ánh nhìn từ cộng đồng đỡ khắt khe hơn.
Có thể nói, chưa bao giờ mảng truyện tranh tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất như hiện tại. Thể loại đã không còn bị gói gọn lại trong những “quy chuẩn” xa xưa nữa mà nó mở rộng hơn rất nhiều, từ các bộ truyện hành động nổi tiếng như Naruto, One Piece, Thanh gươm diệt quỷ, Tokyo Revengers đến truyện cho lứa tuổi trưởng thành như Liar Game, Death Note, Kingdom, Trường ca hành…
Truyện tranh tình cảm cũng chia nhiều dòng, phân nhánh. Ngoài ra, có rất nhiều độc giả Việt Nam hiện nay tỏ ra thích thú đối với thể loại truyện tranh khoa học kiến thức như trong Anh em phi hành gia.
Không chỉ truyện mua bản quyền, tác giả truyện tranh trong nước cũng có nhiều sáng tác phục vụ đa dạng đối tượng bạn đọc. Đặc biệt, dòng truyện tranh dã sử, truyện lấy bối cảnh xưa được yêu thích với các tác phẩm tiêu biểu như Long thần tướng, Cánh hoa trôi giữa hoàng triều, Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm…