Vào năm 1950, cha mẹ tôi quyết định rời khỏi Canada. Họ gặp những nhà truyền giáo từng đến Nam Phi và những người này kể cho họ nghe đất nước ấy xinh đẹp ra sao.
Họ đóng kiện chiếc máy bay, một chiếc xe Cadillac đời 1948, mang theo toàn bộ con cái và tư trang – tất cả lên một chiếc tàu vận tải lênh đênh trên biển suốt hai tháng trời để tới châu Phi.
Tôi không biết mẹ đã chịu đựng như thế nào khi đi tàu với một cặp song sinh chỉ mới hai tuổi cùng hai đứa trẻ lớn hơn, lần lượt là 6 và 8 tuổi. Nhưng bà đã làm được.
[…]
Khi tôi lên 5, cha mẹ tự lái máy bay từ Pretoria tới Oslo để tham dự một hội thảo về nắn xương, chuyến đi đã đưa họ qua nhiều khu vực của châu Phi, Tây Ban Nha và Pháp. Họ còn quá cảnh ở London để cha có thể ghé thăm một vài bác sĩ nắn xương mà ông quen ở đó.
Bìa cuốn sách Sống mạo hiểm một cách cẩn thận. |
Khi tôi 6 tuổi, họ bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi tới Australia, một chuyến đi khứ hồi dài gần 50.000 km, tất nhiên là bởi thể nào họ cũng phải tự lái máy bay trở về nhà. Đó là chuyện thường với cha mẹ tôi, nhưng với những người hàng xóm của gia đình thì không bình thường chút nào.
Bên cạnh việc không bình thường, cha mẹ tôi còn phải tự định vị bằng la bàn, bởi lúc đó chúng tôi không có hệ thống định vị toàn cầu hay bộ đàm.
Những chuyến đi của họ đều cần lên kế hoạch rất kỹ lưỡng. Họ luôn lên kế hoạch trước, bởi cha mẹ biết mọi thứ có thể đi chệch hướng. Họ muốn sẵn sàng cho mọi tình huống.
Vì không có định vị toàn cầu, bạn cần phải nghiên cứu bản đồ thật cẩn thận. Không có bộ đàm, bạn cần phải sẵn sàng để dựa vào bản thân.
Một chuyến đi với quãng đường dài như vậy cần rất nhiều nhiên liệu, nên họ phải tháo ghế sau của máy bay để đặt thùng chứa nhiên liệu. Bởi vì, khi bay qua biển để đến Australia, họ sẽ cần đến nhiên liệu dự trữ.
Họ còn mua mọi công cụ có thể sẽ cần đến để sửa chữa mọi thứ trên máy bay. Cha tôi cũng biết cách để sửa chiếc máy bay của ông.
Cha mẹ đã vượt qua những chuyến đi như vậy bằng cách chuẩn bị thật cẩn thận. Trên máy bay, họ kiểm tra thời tiết, sử dụng la bàn, định vị trên bản đồ và sau đó bay qua một thị trấn để đọc biển hiệu nhằm chắc chắn rằng đó đúng là nơi hạ cánh.
Đôi khi, họ sẽ đáp xuống một sân thể thao hoặc ngay trên đường, bởi ở đó không có phi trường. Cha mẹ dũng cảm hơn tôi nhiều. Đến giờ, khi nhận thức được những việc cha mẹ từng làm, tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao họ có thể vượt qua được.
Việc có sẵn kế hoạch không có nghĩa mọi thứ sẽ đi đúng hướng. Có kế hoạch có nghĩa khi mọi thứ diễn ra không đúng dự định, bạn sẽ phải lên một kế hoạch khác.
Bà Maye cùng 3 con Elon, Kimbal và Tosca. |
[…]
Dù vẫn còn là trẻ con, chúng tôi phải tự chịu trách nhiệm với bản thân, điều mà ngay cả thời đó vẫn không hề bình thường.
Ngay cả khi chúng tôi mới chỉ 4 tuổi, tôi và chị Kaye đã nắm tay nhau để cùng đi bộ tới trường. Chúng tôi sẽ đi bộ cùng chị Lynne, lúc đó 7 tuổi và có trách nhiệm giúp chúng tôi vượt qua 3 con đường có chiều dài gần một km.
Trường mẫu giáo chúng tôi học xa hơn trường của chị Lynne gần 300 m, nên tôi và chị Kaye phải tự đi nốt đoạn đường đến trường. Rồi sau đó, chúng tôi sẽ đi bộ quay lại trường của Lynne, chờ chị tan học. Chị sẽ dẫn chúng tôi về nhà.
Chúng tôi được cha mẹ khuyến khích tự lập.
Anh Scott vẫn nhớ một chuyến đi cùng cha mẹ. Họ bay qua Trung Phi, Uganda, Kenya, Zanzibar và Nairobi. Scott nói ở Zanzibar và Nairobi, anh được cha mẹ cho phép lang thang trên đường một mình. Những gì anh nói ngày nay sẽ bị coi là ngược đãi trẻ em! Nhưng với chúng tôi thì chuyện đó hoàn toàn bình thường.
Trong tất cả chuyến đi của cả nhà, cha mẹ đều yêu cầu chúng tôi phải tự lo liệu. Lần đầu tiên tôi được ngồi trên lưng ngựa là lúc gia đình đang ở nơi mà ngày nay là nước Lesotho.
Đó là một khu vực rất nhiều đồi núi. Chuyến đi của chúng tôi kéo dài 60 dặm, diễn ra trong vòng vài ngày. Em trai Lee của tôi, được sinh ra ở Pretoria, lúc đó mới 5 tuổi và ngồi ngay sau lưng mẹ tôi. Scott thì 17 tuổi.
Chúng tôi trải qua những ngày dài trên yên ngựa, và đó là một chặng đường gồ ghề, ẩm ướt. Chúng tôi không thắp nổi một đống lửa nào và chỉ ăn đồ đóng hộp với bánh mì. Việc ngủ nghỉ cũng rất hạn chế, bởi vào ban đêm, đám gia súc cứ liên tục liếm vào mặt mọi người hoặc giật chăn của chúng tôi.
Có lẽ, đó là lý do tôi chưa bao giờ thấy phiền khi phải sống trong một căn hộ nhỏ hẹp với các con mình. Một chỗ ngủ trên trường kỷ không hẳn là chỗ ngủ thoải mái nhất, nhưng chắc chắn việc được ngủ dưới một mái ấm mà không bị con bò đực nào liếm mặt mình vẫn dễ hơn nhiều.