“Tính cách của tôi và chồng tôi khác nhau. Điều gì tôi cho là đúng thì sẽ nói ra”.
Akie Abe, vợ của Thủ tướng Shinzo Abe, được biết đến với cái tên thân mật Akki. Từ trước đến nay, phu nhân thủ tướng thường được gọi là “đệ nhất phu nhân”, “người vợ tào khang”… Nhưng Akie Abe lại có vị thế khác với phu nhân các đời thủ tướng trước.
Vừa phản đối việc thúc đẩy năng lượng hạt nhân của chồng, đi thăm khu vực gặp khó khăn trong việc quay về vùng xung quanh Nhà máy điện hạt nhân số 1 ở Fukushima; Akie còn mở và làm chủ tiệm uống rượu ở Kanda, Tokyo. Thấu hiểu những vất vả của doanh nhân, bất mãn với việc tăng thuế tiêu thụ, Akie cười, nói nhiệm vụ của mình là “khai thác suy nghĩ thật của các bà nội trợ”.
Với tư cách phu nhân thủ tướng, đây có vẻ như là những hành động, lời nói vượt khuôn khổ.
Shinzo và Akie Abe kết hôn năm 1987. Ảnh: Kyodo. |
Phu nhân Akie sinh vào tháng 6/1962, là trưởng nữ của nguyên giám đốc công ty bánh kẹo Morinaga, Akio Matsuzaki. Sau khi tốt nghiệp Khoa tiếng Anh Học viện nữ sinh Seishin, bà vào làm ở công ty Dentsu. Tháng 6/1987, bà kết hôn với Shinzo Abe.
Shinzo Abe sinh vào tháng 9/1954. Ông theo học tại Học viện Seikei từ tiểu học cho đến đại học. Sau khi tốt nghiệp khoa Luật, Đại học Seikei năm 1977, ông học trường tiếng Anh ở Hayward bang California, Mỹ và vào Đại học Nam California năm 1978.
Năm 1979, Shinzo Abe vào làm tại công ty Kobe Seiko được hơn ba năm thì chuyển sang làm thư ký cho cha là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lúc bấy giờ. Năm 1993, lần đầu tiên trúng cử nghị sĩ Hạ viện với tư cách kế tục Shintaro Abe đã mất năm 1991.
Chuyện xảy ra ngay sau khi Shinzo Abe từ chức thủ tướng với nội các Abe lần 1. Lúc ấy, vì ảnh hưởng của vụ tự sát Bộ trưởng Nông – Lâm – Thuỷ sản Toshikatsu Matsuoka (tháng 5/2007), và vụ người kế nhiệm Norihiko Akagi bị đem ra làm trò đùa do vấn đề chi phí văn phòng mà Đảng Dân chủ Tự do thảm bại trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7/2007.
Lao lực và tâm lực khiến thể lực suy giảm, cộng thêm bệnh viêm loét đại tràng sẵn có khiến sức khỏe của Shinzo Abe trở nên tồi tệ. Để chữa bệnh viêm loét đại tràng, Shinzo sử dụng steroid hormone nhưng tác dụng phụ khá mạnh khiến khuôn mặt sưng tròn như mặt trăng, có khi xuất hiện trường hợp bệnh như triệu chứng loãng xương. Việc Shinzo Abe bị bệnh không biết sẽ xấu đi lúc nào trong lúc lãnh trách nhiệm Thủ tướng là sự thật không thể phủ nhận.
Một cựu phụ tá từng bày tỏ: “Tôi hoàn toàn thông cảm với sự vất vả của bà Akie. Đàn ông một khi đã được vợ chăm sóc như vậy thì không thể tỏ thái độ cứng rắn. Hơn nữa bà Akie là lệnh nữ của một doanh nghiệp nổi tiếng. Ngay cả bà Yoko, mẹ chồng, cũng khó mà quở trách chuyện gì ra mặt khi bà Akie đã chăm sóc ông Shinzo lúc tình trạng sức khoẻ tồi tệ như thế”.
Mọi người xung quanh gia tộc Abe, ai nấy đều quan tâm đến việc Shinzo và Akie không có con nối dõi. Chắc chắn “huyết thống gia đình chính trị gia” hẳn là có áp lực nặng nề.
Trong đó, nói về việc không có con với Shinzo Abe, Akie đã thổ lộ: “Vì là gia đình chính trị gia nên tôi bị áp lực rất nhiều, kể cả từ địa phương” (tạp chí Bungei Shunju, số tháng 11/2006). Bà đã điều trị vô sinh, thậm chí có lần đề nghị với Shinzo “hay mình nhận con nuôi?”. Nhưng Akie nói về việc nhận con nuôi: “Quả thật tôi cứ dùng dằng mãi chuyện đó, tôi không đủ tự tin mình có thể nuôi nấng đàng hoàng, nên rốt cuộc lại thôi”.
Từ xưa, mối bận tâm lớn nhất của bà Yoko là làm sao duy trì dòng máu gia tộc, dòng máu của Kishi. Với một người cao tuổi như Yoko Abe, việc lựa chọn người kế tục là vấn đề của gia đình mà bà muốn giải quyết trong lúc mình còn khoẻ mạnh. Nhưng người con dâu Akie dứt khoát như thể không đoái hoài gì đến suy nghĩ của Yoko.
Shinzo Abe và phu nhân Akie Abe. Ảnh chụp tháng 1/2018, AP. |
“Có rất nhiều người phụ nữ tuy có ý kiến với chồng nhưng không thể nói, bị kìm hãm trong giới hạn ‘làm vợ là phải thế này thế nọ’… Người vợ có ý kiến của bản thân cũng không sao. Không nhất thiết là gia tộc chính trị gia thì phải kế thừa, phải kế tục nền tảng đó”, (trích phỏng vấn Akie Abe).
Những khúc mắc giữa Yoko và Akie thoạt nhìn có thể tương tự vấn đề mẹ chồng nàng dâu ở bất cứ gia đình nào. Nhưng đằng sau đó là tham vọng không tầm thường của Yoko Abe đối với “huyết thống Thủ tướng” gắn liền với cha mình, Nobusuke Kishi.