Tháng 1/2014, Shinzo Abe giải tán Hạ viện. Trong cuộc tổng tuyển cử một tháng sau đó, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã giành 291 ghế, đồng minh của họ là Đảng Công minh (Komeito) 35 ghế, đạt tổng cộng 326 ghế, vượt hơn 2/3 số ghế cần thiết (317 ghế).
Để sửa đổi Hiến pháp, cần có hơn 2/3 số phiếu tán thành ở cả Hạ viện và Thượng viện. Tuy Đảng Dân chủ Tự do – Đảng Công minh duy trì được 2/3 trong Hạ viện nhưng trong Thượng viện thì thiếu mất 28 ghế mới được 2/3 số ghế.
Ông Shinzo Abe. Ảnh: Reuters. |
Đêm tổng tuyển cử, Shinzo Abe xuất hiện trong một chương trình của đài truyền hình Tokyo. Khi được phóng viên truyền hình Akira Ikegami hỏi: “Vậy là ông có ý hướng sửa đổi Hiến pháp. Và ông muốn tự tay mình thực hiện điều đó chứ?”, Shinzo đã trả lời: “Việc này cần thiết cho quốc dân. Tuy đã tạo được ưu thế 2/3 nhưng phải có được hơn phân nửa số phiếu quốc dân. Tôi muốn được mọi người hiểu điều đó”. Ikegami lại hỏi: “Tức là từng bước hướng đến sửa đổi Hiến pháp?”, Shinzo trả lời: “Đúng vậy”.
Việc sửa đổi Hiến pháp này kế thừa tâm nguyện của ông ngoại Nobusuke Kishi. Trong sách Tập chứng ngôn Nobusuke Kishi, khi được người phỏng vấn Yoshihisa Hara hỏi: “Ông có muốn làm Thủ tướng thêm lần nữa không?”, Nobusuke Kishi đã trả lời:
“Chà, chuyện đó là vầy, tôi đã làm Thủ tướng và có suy nghĩ muốn đưa ra phương châm sửa đổi Hiến pháp với tư cách người đứng đầu chính phủ. Sau khi tôi rời chức Thủ tướng, Ikeda (nguyên Thủ tướng Hayato Ikeda) và em trai tôi (nguyên Thủ tướng Eisaku Sato) đều nói ‘Hiến pháp đã định hình, không nên sửa đổi’.
Tôi quay trở lại chính trường sau chiến tranh là vì thấu hiểu cần sửa đổi Hiến pháp như thế nào để xây dựng lại Nhật Bản. Vì vậy, khí vận sửa đổi cần dâng lên hơn chút nữa. Suzuki (Thủ tướng) cũng nói Hiến pháp ‘định hình’ nhưng đó là do không biết quốc dân không quan tâm Hiến pháp bây giờ đã sống như thế nào, nội dung đó ra sao.
Hẳn mọi người nghĩ nếu có Hiến pháp này sẽ không có chiến tranh nhưng không phải vậy. Không phải sửa đổi Hiến pháp thì sẽ có chiến tranh”.
Nobusuke Kishi đã ôm ấp ý nguyện to lớn là sửa đổi mục 1 trong điều 9 Hiến pháp (chủ nghĩa Hoà bình) và đã để lại ý nguyện đó.
“(Về dự thảo Hiến pháp mới) Tôi không hiểu hết toàn bộ các văn kiện. Tôi không hiểu cụ thể về Điều 9 – Bãi bỏ chiến tranh hay Điều 1 – Vị trí của của Nhật hoàng, nhưng có cảm giác bị ép buộc, ý hướng của Nhật Bản bị phớt lờ… Nếu nói liên quan đến trách nhiệm tranh thì tôi không nghĩ có chút trách nhiệm chiến tranh gì với Mỹ cả. Nhưng có trách nhiệm với người dân Nhật Bản, với đất nước Nhật Bản”.
Hiến pháp Nhật Bản được thực thi vào tháng 5/1947 khi Kishi còn đang ở trong tù (tội phạm chiến tranh hạng A sau Thế chiến thứ hai). Có thể thấy, với Kishi, Hiến pháp mới đã bị bên chiến thắng là Mỹ áp đặt.
Việc sửa đổi Hiến pháp với điểm mấu chốt là điều 9 Hiến pháp không phải là con đường bằng phẳng. Nhưng Đảng Dân chủ Tự do với Nobusuke Kishi làm Tổng thư ký đã chủ trương như thế này bằng “Sự chuẩn bị thể chế độc lập” trong Phương châm của Đảng (15/11/1955):
Vừa duy trì chủ nghĩa hoà bình, chủ nghĩa dân chủ và nguyên tắc tôn trọng nhân quyền cơ bản, vừa tính toán sửa đổi chủ thể của Hiến pháp hiện hành, ngoài ra xem lại các pháp chế về xâm lược, tùy vào tình hình quốc gia mà tiến hành sửa đổi hay bãi bỏ.
Để bảo vệ hòa bình thế giới và độc lập quốc gia cùng tự do của quốc dân, dưới chế độ an ninh, trang bị quân bị phòng vệ thích ứng với sức mạnh và tình hình quốc gia, chuẩn bị rút các quân đồn trú ở ngoại quốc.
Nobusuke Kishi để lại tâm nguyện sửa đổi Hiến pháp và được cháu ngoại Shinzo Abe kế tục. Ảnh chụp năm 1960, Getty Images. |
Từ đây, kế hoạch tổng quát để sửa đổi Hiến pháp của Kishi đã được phác thảo. Việc sửa đổi Hiến pháp vốn là tâm nguyện của Nobusuke Kishi, nay được cháu ngoại, Thủ tướng Shinzo Abe kế tục.
Không khó hiểu nếu mẹ của Shinzo, tức con gái của Kishi thường xuyên rót vào tai Shinzo rằng: “Đảng Dân chủ Tự do bây giờ do ông ngoại Nobusuke Kishi tạo nên và nhất định con không được quên sự nghiệp vĩ đại đó”.