Đã sang tháng 11 nhưng dưới ánh nắng ấm áp, một người đàn ông vừa qua tuổi trung niên có đôi vai rộng đang vui vẻ chơi trò đuổi bắt cùng hai cậu bé khoác áo len mỏng trên bãi cỏ.
Cậu bé 4 tuổi Hironobu Abe và cậu em trai Shinzo 2 tuổi, người đàn ông tên Nobusuke Kishi – Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) mới được thành lập. Hai cậu bé là con của trưởng nữ Yoko, tức cháu ngoại của ông. Năm ấy, Kishi 60 tuổi.
Đúng khoảng thời gian này, cha của hai cậu bé, Shintaro Abe, nghỉ việc ở tòa báo Mainichi, chuyển sang làm thư ký cho ba vợ mình là Nobusuke Kishi, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao. Sau đó, năm 1958, Shintaro lần đầu tiên ứng cử Hạ viện quận 1 Yamaguchi (cũ), và trúng cử.
Em trai của Shinzo, người con trai thứ ba của Shintaro và Yoko, Nobuo chào đời một năm sau đó, năm 1959. Thật ra, khi Shintaro và trưởng nữ Yoko của Kishi kết hôn, họ đã có lời hứa: “Nếu người con thứ ba là con trai thì sẽ cho làm con nuôi dòng họ Kishi”. Vì vợ chồng trưởng nam của Kishi, Nobukazu và Nakako không có con.
Bản thân Nobusuke Kishi cũng được đưa đi làm con nuôi ngay khi tốt nghiệp trung học cơ sở nên ông rất thương đứa cháu này. Nobuo thường xuyên đến nhà Abe và gọi mẹ mình (Yoko) là “cô”, gọi Hironobu, Shinzo là “anh lớn”, “anh nhỏ”. Hai người anh cũng biết việc em mình đi làm con nuôi, và gọi Nobuo bằng “bé Nobu” hoặc “Nobuo”.
Shinzo Abe lớn lên trong một gia đình gìn giữ huyết thống gia tộc bằng mối quan hệ con nuôi như vậy.
Shinzo Abe lớn lên trong một gia đình gìn giữ huyết thống gia tộc bằng mối quan hệ con nuôi. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, hai dòng họ Sato, Kishi đã hòa lẫn huyết thống với nhau, sau đó có thêm Shintaro, huyết thống nhà Abe ra đời. Với dòng họ Kishi, việc Nobuo làm con nuôi giúp họ gìn giữ huyết thống gia tộc bằng cách “nhập khẩu ngược”.
Ngôi nhà ở Nanpeidai được sử dụng như dinh thự của Thủ tướng Nobusuke Kishi. Đây cũng là một trong những vũ đài của cuộc bạo động lớn nhất sau Thế chiến thứ hai vào năm 1960, đến nay vẫn được nhắc đến – cuộc bạo động Ngăn chặn việc ký kết Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật. Lo lắng cho tính mạng của cha mình, nhiều ngày liền Yoko và hai đứa con cùng lên xe của tòa soạn có treo cờ công ty, đi đường tắt vào biệt thự.
Cậu bé Shinzo 6 tuổi – người mà hơn 50 năm sau ngồi vào chiếc ghế thủ tướng, đã nhìn cảnh đoàn biểu tình và đội cảnh sát cơ động qua cửa sổ dinh thự Nanpeidai như thế nào?
Năm 1960, sau khi ký kết Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật và rút lui khỏi chức thủ tướng, Nobusuke Kishi chuyển từ Nanpeidai sang Tomigaya một thời gian. Sau đó chuyển chỗ ở về khu dinh thự ở tỉnh Shizuoka từ năm 1970. Dinh thực này trở thành nơi sinh sống cho đến cuối đời của Nobusuke Kishi.
Lúc ấy Shinzo đã là học sinh trung học phổ thông của Học viện Seikei Gakuin. Yoko kể về khoảng thời gian này, khi Kishi nói về Shinzo, như sau:
“Nhớ lại, người đầu tiên dự báo ‘Shinzo sẽ trở thành chính trị gia’ chính là cha tôi, Nobusuke Kishi. Lúc ấy, cha tôi đã chuyển chỗ ở nhưng mỗi khi ông đến thăm nhà chúng tôi ở Setagaya, người chạy ra đón ông trước tiên và reo lên: ‘A, ông ngoại!’ luôn là Shinzo.
Nghe kể cha tôi đã về dinh thự và vui sướng nói với người xung quanh: ‘Chắc chắn thằng bé có hứng thú với thế giới chính trị. Nó sẽ trở thành chính trị gia’”, (trích Con trai tôi – Shinzo Abe, tạp chí Bungei Shunju, số tháng 11/2013).
Shinzo Abe hồi nhỏ và ông ngoại Nobusuke Kishi. Ảnh: Wall Street Journal. |
Câu chuyện Nobusuke Kishi là người đầu tiên dự đoán Shinzo Abe sẽ trở thành chính trị gia thật đáng quan tâm. Năm 1959, trước khi ký kết Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật, tuy người con trai thứ ba của Yoko là Nobuo chào đời và đã trở thành con nuôi trong dòng họ nhưng Kishi vẫn dành sự ưu ái cho người cháu ngoại Shinzo Abe như một người nối dõi huyết thống gia tộc.