Từ làng lên xã, từ xứ lên ấp, từ nhà tranh vách lá lên nhà đúc, đường làng lầy lội lên đường nhựa… Những ngày chen chúc “dựng lại người, dựng lại nhà…”.
Trước tiên xin kể vể bước chân vạn lý gánh gồng của một gánh bún chả. Hơn nửa thế kỷ, cụ thể là 51 năm, từ 1956-2007, dân Ông Tạ nói tới bún chả Ngọc Hà khu ngã ba Ông Tạ thì ai cũng biết, cũng ăn.
Quán bún chả quen thân với toàn bộ “lịch sử” Ông Tạ, xưa thuộc hàng sang với chả đùm ngon tuyệt vời và nước mắm chua chua ngọt ngọt mà cái khẩu vị của tôi tới giờ vẫn chưa thấy bún chả nơi nào bằng, kể cả khi ra Hà Nội, ăn bún chả Hà Nội nhiều lần.
Hương lẫn vị bún chả ở đây như gây nghiện rất khó tả: Thơm nồng nàn vừa đủ chứ không gắt.
Có người xa quê đã lâu, vẫn nhớ rõ: “Thịt nướng với chả băm dằm trong nước mắm chua ngọt, lại có thêm gốc bắp cải muối chua với cà rốt xắt mỏng, thêm tí ớt bằm, ôi chu choa, ngon ơi là ngon”.
Một người khác hồi tưởng: “Hồi xưa, tôi sợ ra ngã ba Ông Tạ và đi ngang quán bún chả này lắm vì mùi thịt nướng mà quán này đưa ra đằng trước quán mà nướng, nó làm cho cái bụng của tôi nó cứ đánh lô tô thôi…”.
Sách Sài Gòn một thuở – “Dân Ông Tạ đó!“. Ảnh: Trung Nghĩa. |
Quá đúng, khi ấy trước quán là hàng vỉ chả trên khay than hồng, bên cạnh là một cái quạt điện to để thổi than làm mùi thịt nướng thơm ngào ngạt ra đường, đi ngang qua là chỉ muốn tạt vào làm một chầu, người Ông Tạ làm sao quên!
Và khách cũng không quên ông bố vừa giữ xe cho khách vừa đứng cửa tính tiền khách, ít nói nhưng rất nhã nhặn, thanh lịch kiểu Hà Nội xưa. Ông chủ Đang vốn quê Từ Liêm, Hà Nội. Bà chủ quán là cô Nguyễn Thị Oản, quê Hà Đông.
Để có được quán bún chả chiều ngang nhỏ thôi, có lẽ chỉ non ba mét ngang, nhưng lừng lẫy một thời là cả một hành trình vạn dặm của bà chủ quán xưa. Ban đầu bà vợ gánh bún bán dọc đường, từ Bắc Hải đến Bảy Hiền; vào các xóm An Lạc, Nam Thái… Khi nào mệt, dừng chân ở tiệm chụp ảnh Á Đông (nay là tiệm bán đồ trang trí đám cưới Tơ Hồng) ngay đầu ngã ba.
Vừa nuôi con vừa bán bún, một tay bà làm hết: Mua bún tươi, sợi nhỏ từ trong lò ra còn nóng hổi, tẩm ướp thịt, xiên que, pha nước mắm, ngâm gốc bắp cải muối chua, cà rốt bào mỏng…
Bảy năm ròng rã theo bước chân người mẹ trẻ Hà Nội có đứa con gái cả tên Ngọc […] đến bốn, năm tuổi đã biết xách cái xô lẫm chẫm bước trẻ thơ theo mẹ, đi tới đâu xin nước rửa bát đĩa tới đó.
Khi bắt đầu bán hai ông bà có thêm hai con, rồi bảy người con nữa lần lượt ra đời. Lương lính của chồng, gánh bún chả bán rong của vợ nuôi 10 đứa con bé tí, lít nhít. Đến 1963, mới sang được một cái sạp trong chợ Ông Tạ và bán tại đó, không rảo bộ bán rong nữa.
Và năm năm sau nữa, 1968, hai vợ chồng gom góp mua được căn nhà mặt tiền đường Phạm Hồng Thái, chính thức mở quán bún chả Ngọc Hà. Quán gần ngã ba Ông Tạ, nhìn xéo qua bên kia đường là trường Thánh Tâm, nhiều lần các thầy trò trường này kéo cả lớp sang ăn.
Hơn 20 năm sau, quán chuyển cho cô con gái thì vẫn hương vị như ngày mới vào Nam.
Từ gánh lên sạp, từ sạp lên quán, từng bước vất vả nhưng mạnh mẽ, vững chắc, thậm chí quyết liệt vì không còn đường lùi nếu muốn tồn tại trên vùng đất mới, lạ nước lạ cái. Ngọc Hà như một hình ảnh thu nhỏ của cư dân Ông Tạ.