Iris Lê tên thật Lê Quỳnh Phương, sinh năm 1994. Cô tốt nghiệp ngành Y tá tại Đại học Nam Australia năm 2014. Hiện, cô làm việc tại Bệnh viện Royal Adelaide và là người mẫu của Công ty Finesse Modelling. Iris Lê từng đoạt giải cuộc thi Hoa hậu Áo dài của Adelaide Nam Australia.
Là y tá, Iris Lê đối mặt Covid-19 từng ngày, từng giờ. Cô kể lại câu chuyện của đội ngũ y tác, bác sĩ giữa đại dịch trong cuốn sách Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái – Nhật ký Y tá thời Covid-19.
Dù vừa bước chân vào con đường sáng tác, nhưng Iris Lê đã khẳng định khả năng viết lách của mình. Cô chia sẻ về công việc của một y tá, câu chuyện viết lách và cuốn sách mới phát hành.
Muốn mọi người hiểu hơn khó khăn của ngành Y mùa Covid-19
– Tinh thần, thông điệp của cuốn sách “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái – Nhật ký y tá thời Covid-19″ là gì?
– Tinh thần và thông điệp của cuốn sách cũng rất đơn giản. Đó là tâm sự, nỗi niềm của người y tá; câu chuyện của bản thân tôi cũng như những người đồng nghiệp chung quanh.
Tôi viết sách với mong muốn để độc giả có thể hiểu hơn về cuộc sống, trải nghiệm, khó khăn và thử thách của những người làm công việc này. Đồng thời, cũng giống như quyển nhật ký, Iris ghi lại một giai đoạn rất nhiều biến đổi và có những định luật, sự kiện vô tiền khoáng hậu ở trên thế giới.
Tôi ghi chép những điều này với mong muốn thế hệ sau này, các em nhỏ có thể đọc quyển sách và hình dung được những gì ông bà và cha mẹ họ đã trải qua trong quá khứ.
Iris Lê. Nguồn: FBNV. |
– Cuốn sách này viết dựa trên những câu chuyện ngoài đời thật, vậy tỷ lệ hư cấu của nó là bao nhiêu phần trăm?
– Câu chuyện về Covid-19 này có đến 95% là sự thật. Những gì Iris viết là do nghiên cứu, tìm hiểu và phỏng vấn đồng nghiệp. Ngoài ra, đó cũng là những trải nghiệm thực tế của bản thân tôi nữa.
Trong sách có rất nhiều sự kiện mà Iris đã trải qua. Tất nhiên, khi Iris viết lại sẽ sửa tên nhân vật hoặc kể lại theo hướng liền mạch câu chuyện. Bởi vì, 95% tình tiết, chi tiết trong truyện là những gì Iris hoặc đồng nghiệp đã trải qua.
Vì vậy, khoảng 5% là hư cấu. Bạn cũng có thể tìm thấy thông tin trên báo đài về người y tá, bác sĩ, những điều mà họ trải qua trong thời kỳ Covid-19. Những gì Iris viết là trải nghiệm của mình, theo văn phong của mình, hầu hết là sự kiện thật đã diễn ra.
– Thời gian Iris viết sách này cũng là lúc dịch bệnh bùng phát. Vậy Iris dành thời gian cho việc sáng tác ra sao?
– Có một điều may mắn đó là thành phố Adelaide ở Nam Australia, nơi Iris đang sống, dịch không bùng phát mạnh và dữ dội như ở bang New South Wales hay Victoria. Đó cũng là lý do Iris đặt bối cảnh của truyện là một y tá làm việc New South Wales – nơi đang hứng chịu nhiều ca Covid-19 nhất vào thời điểm đó.
Cũng là một sự vô tình, thời điểm Iris viết sách là trong hai tuần nghỉ phép. Mọi thời gian của Iris đều dồn vào quyển sách này cả. Tôi gần như không ăn, không ngủ, dành tất cả thời gian và tâm trí để viết cuốn sách này. Đó là lý do cuốn sách được viết rất nhanh, bản thảo được hoàn thành trong chưa đầy một tuần.
Sách Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái. Ảnh: QM. |
Đọc sách rất quan trọng
– Được biết Iris là người yêu sách và ham đọc sách,việc đọc sách tác động ra sao đến sáng tác của bạn?
– Iris nghĩ không chỉ riêng mình mà đối với bất kỳ cá nhân nào, đọc sách là điều rất nên làm, không những giúp rèn luyện sự tập trung, phổ cập kiến thức, làm phong phú vốn từ vựng, mà còn giúp kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo, khả năng tư duy biện chứng.
Sách chính là loại thực phẩm không thể thiếu của trí tuệ và tâm hồn. Tôi sẽ không thể nào bắt đầu sáng tác được nếu trước đó không có tiền đề là việc đam mê đọc sách từ bé, thích chơi đùa và thể hiện suy nghĩ qua ngôn từ.
Viết lách cũng như bất kỳ kỹ năng nào, là cả một quá trình dài của sự đam mê, tìm hiểu, thử nghiệm và thất bại để rồi trở nên lão luyện hơn. Tôi tin rằng hầu hết nhà văn đều được khơi nguồn sáng tác từ việc đọc sách và được truyền cảm hứng từ những tiền bối đi trước trong làng văn chương .
– Colleen McCullough từng làm việc trong bệnh viện. Chỉ tới khi “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” ra mắt mới mang lại vinh quang, khiến bà trở thành nhà văn nổi tiếng. Iris nghĩ sao về điều này?
– Ngay từ đầu khi chạm ngõ làng văn chương, tôi đã nhận mình là kẻ nhập môn ngoại đạo. Tôi ý thức được vị trí của mình nằm ở đâu.
Tôi sẽ không thể nào bắt đầu sáng tác được nếu không có tiền đề là việc đam mê đọc sách từ bé, thích chơi đùa và thể hiện suy nghĩ qua ngôn từ.
Iris Lê
Theo tôi, văn chương, cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, để viết được một tác phẩm hay, bạn không nhất thiết phải có văn bằng trang trọng để công nhận năng lực viết lách. Vốn sống của tác giả cũng giống như linh hồn của tác phẩm vậy.
Có rất nhiều nhà văn vĩ đại trên thế giới xuất thân từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, chính điều đó làm đa dạng hoá vốn sống của của các cây bút, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tư duy, quan điểm, phong cách viết cũng như chủ đề mà họ quan tâm.
Điều này sẽ khiến cho khu vườn văn chương có thêm nhiều bông hoa đẹp với hương sắc khác nhau, tạo nên sự đa dạng và độc đáo, tính phong phú của làng văn.
Viết lách là cả một quá trình và tôi tin nếu một tác giả có tinh thần học hỏi, cầu thị, trau dồi vốn sống, bút lực, vốn từ thì họ sẽ có sự tiến bộ và ngòi bút sẽ sắc sảo, điêu luyện hơn.
– Iris có thể chia sẻ một vài dự định tiếp theo trong con đường văn nghiệp của mình?
– Tôi đang viết hai quyển tiểu thuyết khác, hoàn toàn trái ngược thể loại với Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái. Một quyển theo thể loại phiêu lưu giả tưởng, phong cách dí dỏm và hài hước dành cho trẻ em và một quyển tiểu thuyết trinh thám nói về quá trình truy đuổi một kẻ sát nhân hàng loạt.
Có lẽ vì tôi là một cô gái đầy mâu thuẫn, đa tính cách và “tắc kè hoa” trong phong cách thời trang, trong âm nhạc và cuộc sống nên điều đó cũng được thể hiện và phản ánh qua những chủ đề mà tôi chọn để viết những tác phẩm tiếp theo.