Đến ngày thứ ba, 11/6/1985, thì Oleg Gordievsky, sĩ quan KGB, đồng thời cũng là điệp viên của Cơ quan tình báo Anh MI6, biết rằng vòng vây của KGB đang xiết chặt lại xung quanh mình và nếu không hành động nhanh, anh ta sẽ chết.
Bức điện mật từ Moscow
Trước đấy hơn một tháng, vào chiều ngày thứ năm, 16/5/1985, khi đang ngồi trong văn phòng của Trạm KGB tại London, O. Gordievsky nhận được một bức điện mật được mã hóa gửi từ Moscow.
Bức điện viết: “Để thống nhất việc bổ nhiệm đồng chí làm người phụ trách địa bàn, đề nghị khẩn cấp quay về Moscow trong vòng hai ngày để thảo luận với các đồng chí Mikhailov và Alyoshin”.
Ngay lập tức, O. Gordievsky cảm thấy có điều gì đó không ổn. Mikhailov là mật danh chỉ Chebrikov, Chủ tịch KGB; còn Alyoshin là mật danh của Kryuchkov, Tổng cục trưởng Tổng cục Một KGB. Rõ ràng cấp cao nhất trong bộ máy KGB đã thông qua lệnh triệu hồi này.
Ngày hôm sau, O. Gordievsky cảm thấy dễ chịu hơn một chút khi nhận được bức điện thứ hai, trong đó viết: “Về chuyến quay về Moscow của đồng chí, hãy lưu ý rằng đồng chí sẽ báo cáo về nước Anh và các vấn đề liên quan đến nước Anh. Vì vậy, hãy chuẩn bị thật kỹ để thảo luận về những vấn đề đó, với đầy đủ số liệu”.
O. Gordievsky lập tức liên lạc với điệp viên MI6 phụ trách mình là Stephen – dĩ nhiên đó là tên giả, và Joan, một phụ nữ cũng dưới cái tên giả, điệp viên dày dạn kinh nghiệm của tình báo Anh.
Điệp viên nhị trùng Oleg Gordievsky. Ảnh: Getty Images. |
Sau khi nghe lại câu chuyện về hai bức điện triệu hồi khẩn cấp từ Moscow, cả hai không có vẻ gì lo lắng; trái lại, bọn họ rất háo hức muốn biết về kế hoạch tình báo tổng thể mà Chủ tịch KGB Chebrikov đưa ra nhằm vào nước Anh.
Lợi ích tình báo lúc này được đặt cao hơn rủi ro đe dọa sinh mạng của điệp viên.
Việc đầu tiên mà O. Gordievsky phải làm là cùng các nhân viên tình báo Anh ngồi xem xét kỹ lại kế hoạch dự phòng để đào thoát khỏi Moscow, phòng khi có biến xảy ra. Ngày 19/5/1985, O. Gordievsky lên chuyến bay vượt qua biển Baltic về Moscow.
Mọi sự ở Moscow có vẻ như hoàn toàn bình thường khi O. Gordievsky trở lại, nếu như không có một vài biểu hiện nhỏ cho thấy là… không bình thường.
Sự bất thường xảy ra ngay ở cửa ngõ vào Moscow: Trạm nhập cảnh ở sân bay. Khi trình hộ chiếu cho người sĩ quan biên phòng làm thủ tục nhập cảnh, O. Gordievsky cảm thấy anh ta hơi khựng lại, xăm soi kỹ lúc rồi gọi một cú điện thoại đi đâu đó.
Quan sát qua tấm kính chắn, O. Gordievsky có thể thấy viên sĩ quan đã phát hiện ra một điều gì đó bất thường.
Tổng hành dinh của KGB. Ảnh: Savin. |
Những dấu hiệu bất thường
Khi O. Gordievsky về đến căn hộ của mình trên tầng 8 của tòa nhà chung cư tại số 103 Đại lộ Lenin ở khu Tây Nam của Moscow, một “rắc rối” khác lại xuất hiện.
Thông thường, mỗi khi đi nước ngoài, O. Gordievsky khóa cửa căn hộ bằng hai ổ khóa, còn ổ thứ ba không dùng đến vì đã đánh mất chìa.
Lần này, khi mở xong hai ổ khóa, đẩy cửa định vào nhà thì O. Gordievsky không mở được. Một ai đó đã dùng chìa, khóa ổ thứ ba của căn hộ! Không thể là bọn trộm cắp bởi chúng chỉ mở khóa chứ không mất công đâu đi tìm chìa để khóa căn hộ lại giúp chủ nhà!
Như vậy, chỉ còn một khả năng: KGB!
Nghĩ đến đó, O. Gordievsky thấy người lạnh toát.
Nghi ngờ căn hộ bị cài “rệp” nghe lén, O. Gordievsky lập tức kiểm tra thật kỹ càng mọi ngóc ngách nhưng không phát hiện được gì.
Nếu có ý định cài rệp, hẳn các điệp viên kỹ thuật của KGB biết rằng bản thân O. Gordievsky cũng là một điệp viên được KGB đào tạo kỹ càng nên không dễ gì có thể qua mặt được với những biện pháp giám sát truyền thống.
Cho dù không tìm thấy dấu hiệu bị cài máy nghe lén nhưng tâm trí của O. Gordievsky vẫn lởn vởn câu hỏi: Liệu KGB đã biết những gì và nếu đúng như vậy, ai là người đã tiết lộ bí mật về cuộc sống hai mặt của mình?
Sáng hôm sau, Vladimir Chernov, một điệp viên KGB từng có thời gian làm việc ở Trạm KGB tại London và bị phía Anh trục xuất vì tội làm gián điệp, lái xe đến đón O. Gordiesky tới văn phòng.
Nay thì V. Chernov là trợ lý riêng của Viktor Grushko, Tổng cục phó Tổng cục Một KGB. Trên đường đi, O. Gordievsky dò hỏi:
– Volodya này, có chuyện gì không? Hồi đầu tháng hai, khi tôi đi London, mọi người đã nói về chuyện tôi được bổ nhiệm làm người phụ trách địa bàn ở đó. Nay đã là 21/5 mà tôi vẫn chưa nghe thấy động tĩnh gì.
– Mọi sự ổn cả – Volodya nói vẻ chắc chắn – chính tôi mang hồ sơ của anh lên Ban thư ký vào hồi cuối tháng tư. Mọi việc vẫn đang trong quá trình xét duyệt.
Đến cơ quan, O. Gordievsky gặp N. Gribin. Trưởng ban 3 cố tỏ vẻ bình thường, mặc dù không hoàn toàn được như vậy.
– Anh nên chuẩn bị thật kỹ – N. Gribin nói với O. Gordievsky – Vì hai sếp lớn triệu hồi anh để thảo luận riêng đấy. Nhưng không sao đâu. Anh cứ trình bày như ý của anh.
Đến sáng hôm sau, thêm một hiện tượng nữa khiến cho O. Gordievsky càng cảm thấy cảnh giác. Một gói hàng được gửi tới văn phòng của Tổng cục phó Tổng cục Một KGB V. Grushko từ Trạm KGB ở London.
Gói hàng này được đóng gói hôm thứ sáu tuần trước đó, khi O. Gordievsky vẫn đang ở London. Khi ấy, O. Gordievsky nhớ rõ là gói hàng được gắn si bảo mật bình thường cho một vật phẩm ngoại giao.
Ở Moscow, người giao gói hàng không có kinh nghiệm đã mang đến chỗ O. Gordievsky để ký nhận và O. Gordievsky chuyển nó cho thư ký của V. Grushko.
O. Gordievsky nhìn thấy trên gói hàng có thêm dòng chữ: “Chỉ dành riêng cho đồng chí V. Grushko!”. Ngay lập tức, bộ não O. Gordievsky lên tiếng báo động. Rất có thể bên trong gói hàng đó đã có thêm các giấy tờ cá nhân, các kẹp hồ sơ mà O. Gordievsky đã để lại ở London.
Rất may cho O. Gordievsky là trước khi rời London, các đặc vụ Anh đã trao cho anh ta những viên thuốc con nhộng có công dụng đặc biệt. Cứ mỗi buổi sáng, trước khi đến cơ quan, O. Gordievsky đều uống một viên thuốc này và chúng giúp cho anh ta không bị suy sụp tinh thần.