Suốt đời học Bác là cuốn sách của nhà báo Kiều Mai Sơn mới ra mắt, kể những câu chuyện dung dị, sâu sắc về Bác qua 16 nhân vật. Được sự cho phép của NXB Kim Đồng, Zing trích đăng phần nội dung về Bác Hồ tại chiến dịch Biên giới qua hồi ức nhiếp ảnh gia Vũ Năng An.
“Vị lãnh tụ tối cao, vị nguyên thủ quốc gia cao tuổi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân ra tiền tuyến cùng quân dân đánh giặc xâm lăng. Thật là xưa nay hiếm!”
Đó là nhận xét của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An khi trả lời nhà báo Trần Đương lúc được hỏi cảm tưởng của nghệ sĩ về những bức ảnh Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới (1950). Thoáng cái đã sáu mươi năm qua đi, những nhân chứng trong những bức ảnh Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới phần nhiều đã thành người thiên cổ, chỉ còn Đại tướng – Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đang ở tuổi đại thọ một trăm tuổi.
Trong gia tài nghệ thuật nhiếp ảnh của Vũ Năng An đưa ông đến với giải thưởng Hồ Chí Minh ngay đợt đầu tiên (1996), có bức ảnh nổi tiếng: “Bác Hồ tại mặt trận Đông Khê”, đã được nhiều người biết đến. Duy có câu chuyện về phút ngả lưng trên đường đi chiến dịch Biên giới (1950) giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng – Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thì cứ cuốn hút tôi mãi…
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở mặt trận Đông Khê năm 1950. Ảnh: Vũ Năng An. |
Bác Hồ đi chiến dịch biên giới
Mùa xuân năm 1950, sau bốn năm kháng chiến gian khổ, quân dân ta đã vươn lên chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công. Quyền chủ động trên chiến trường đã không còn thuộc về quân đội Pháp. Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định mở thông biên giới phía Bắc để nối liền căn cứ địa kháng chiến với bạn bè quốc tế.
… Cuối tháng 7, trước khi lên đường đi chiến dịch, Đại tướng – Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp từ Điềm Mặc sang Tân Trào báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh để lên đường. Khi chia tay, Bác nói: “Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng không được thua!”. Đồng thời Bác hẹn cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 sẽ có mặt ở Cao Bằng.
Nghe Cụ nói xong, anh Văn vui mừng khôn xiết. Sự có mặt của Cụ là một nguồn động viên vô giá đối với toàn quân. Nhưng ngay sau đó là một nỗi lo: Lãnh tụ tối cao ra tận nơi mũi tên hòn đạn là chuyện hiếm thấy. Phải làm sao bảo đảm bí mật, an toàn cho chuyến đi của Cụ ra mặt trận.
Một ngày đầu tháng 9 năm 1950, từ ngôi nhà sàn tre nứa cạnh bản Khuân Tác, ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Bác Hồ đã lên đường đi chiến dịch. Cùng với đoàn tùy tùng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An được cử đi chụp ảnh Bác Hồ suốt dọc đường hành quân ra trận…
Trong khi Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập cuộc họp cán bộ chỉ huy từ trung đoàn trở lên thông qua kế hoạch đánh Đông Khê lần cuối, làm đột phá khẩu mở màn, thì Bộ Chỉ huy nhận tin Cụ Hồ đã đến Sở Chỉ huy ở Tả Phầy Tử. Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp vội lên ngựa đi đón.
Chiều hôm đó, khi nghe Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo phương án tác chiến mới của Bộ Chỉ huy chiến dịch: Mở đầu bằng tiêu diệt Đông Khê, tiếp theo là diệt quân viện, đánh Thất Khê, cuối cùng là tập trung lực lượng giải phóng Cao Bằng, Cụ gật đầu, vừa giơ từng ngón tay vừa nhắc lại: “Một là đánh Đông Khê, hai là đánh quân tiếp viện, ba là đánh Thất Khê, bốn là đánh Cao Bằng, tất cả là bốn bước… Đông Khê không lớn. Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu, nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng – Lạng Sơn. Mất Đông Khê, Cao Bằng sẽ hoàn toàn chơ vơ. Địch buộc phải cho quân ứng cứu, bộ đội sẽ có cơ hội tiêu diệt chúng. Quân ứng cứu địch đã tan thì khó giữ nổi Cao Bằng; chúng rút khỏi Cao Bằng, ta đánh càng thuận lợi”.
Chiều hôm sau, Hồ Chủ tịch đến thăm và động viên cán bộ đang dự hội nghị. Sự có mặt của Cụ là một điều bất ngờ lớn, đồng thời cũng là một nguồn động viên vô giá đối với mọi người. Bằng cách nói giản dị, Cụ nhắc lại vì sao thay đổi kế hoạch tác chiến:
“… Trong quân sự phải kiên quyết và bạo dạn. Bạo dạn, dũng cảm không phải là liều. Liều là dại. Dũng cảm là khôn. Không phải chỉ một người kiên quyết và bạo dạn, mà phải toàn bộ, mọi người. Muốn toàn bộ kiên quyết, dũng cảm thì phải có kỉ luật. Kỉ luật là động lực giữ sức mạnh cho bộ đội..”.
Ngày 18 tháng 9 năm 1950, mắt xích Đông Khê bị chặt đứt, trận mở màn thắng lợi! Địch chết và bị bắt 300 tên. Một số chạy thoát về Thất Khê. Ta thu toàn bộ vũ khí. Giải phóng xong Đông Khê, trong mệnh lệnh tác chiến số 4 đề ngày 21 tháng 9, Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp nhận định: Địch sẽ đưa quân, từ 2 đến 3 tiểu đoàn bộ binh từ Thất Khê kết hợp với khoảng 1 tiểu đoàn quân dù, chiếm lại Đông Khê. Đại tướng lệnh cho bộ đội triển khai trận địa sẵn sàng đánh quân tăng viện của địch.
Theo đúng mệnh lệnh, các đơn vị nhanh chóng triển khai đội hình đánh viện binh. Đã gần một tuần mà vẫn không thấy bóng địch. Gạo trong kho hậu cần cạn dần. Đại tướng Trần Canh – khách mời của Hồ Chủ tịch từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Phó tư lệnh dã chiến quân (phiên chế cao nhất trong tổ chức Giải phóng quân Trung Quốc lúc đó, tương đương với phương diện quân của Liên Xô), và là Trung ương ủy viên dự khuyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang có mặt tại đường số 4. Tuy là khách, nhưng trong những năm chiến tranh ở Trung Quốc, đồng chí Trần Canh thường được cử tới những nơi nào có khó khăn, nên Bác dặn mình cố gắng tranh thủ ý kiến và kinh nghiệm.
Đại tướng Trần Canh nói với Đại tướng – Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp:
– Võ Tổng thấy thế nào! Hay là thu quân thôi! Viện binh địch không lên. Quân địch ở Thất Khê đã tăng lên 4 tiểu đoàn. Bộ đội Việt Nam đánh công kiên quá kém. Không thể đánh Thất Khê. Cũng không thể đánh Cao Bằng. Muốn đánh Cao Bằng phải xây dựng một trận địa chiến hào như Giải phóng quân đánh Hoài Hải!
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi nghỉ trong thời gian tham gia chiến dịch biên giới. Ảnh: Vũ Năng An. |
…Hồ Chủ tịch cùng Đại tướng ngả lưng trao đổi giữa dọc đường từ Đông Khê đến Thất Khê trong khi chờ đợi đánh quân tiếp viện… Ngay lúc ấy, Vũ Năng An chớp cơ hội đưa ống kính lại gần và không hề biết rằng sau này giây phút ấy sẽ trở thành một bức ảnh tư liệu quý giá.
Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp đặt vấn đề: Kết quả chiến dịch sẽ ra sao nếu chỉ dừng lại ở chiến thắng Đông Khê? Ông chủ trương kiên trì chờ viện. Cuối cùng, Hồ Chủ tịch và đồng chí Trần Canh đồng ý trong khi chờ đợi quân viện, dùng một bộ phận nhỏ đánh những đơn vị nhỏ của địch, và chuẩn bị giải phóng Thất Khê.
“Cơ hội rất tốt đã xuất hiện, không được bỏ lỡ”
… Tối 1 tháng 10, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 Lê Trọng Tấn báo cáo khẩn cấp tin rất đông quân địch – cả quân dù và quân Tabor (lính Bắc Phi) – đã xuất hiện trước Đông Khê. Địch từ Thất Khê lên. Chắc chúng muốn chiếm lại Đông Khê.
Khi nghe tin quân địch từ Thất Khê lên, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: Vô luận ý định của địch như thế nào (đánh chiếm lại Đông Khê hay đón quân từ Cao Bằng rút về), chúng điều quân lên Đông Khê là hoàn toàn có lợi cho ta. Thời cơ tiêu diệt sinh lực địch đã đến. Có mặt ở Sở Chỉ huy lúc đó, Cụ Hồ động viên Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp: “Cơ hội rất tốt đã xuất hiện, không được bỏ lỡ..”.
Quả là cơ hội không thể bỏ lỡ, đường số 4 trở thành “con đường tử địa” đối với người Pháp, Cốc Xá – 477 trở thành điểm hội ngộ của hai viên trung tá Lơ-pa-giơ (Lepage) và Sác-tông (Charton) – hai tù binh của những người lính áo vải chân đất.
Chỉ trong mười ngày, từ ngày 13 đến ngày 23 tháng 10 năm 1950, địch đã rút khỏi phòng tuyến dài 100 cây số trên đường số 4 từ Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu tới sát Tiên Yên. Sở Chỉ huy Khu Biên thùy Đông Bắc đã chuyển về vùng bờ biển Tiên Yên. Một vùng rộng lớn ở Đông Bắc không còn quân giặc. Bên kia biên giới là cả một hậu phương vô cùng rộng lớn, chạy dài từ Á sang Âu.
Sách Suốt đời học Bác. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Còn Đại tướng – Tổng Tư lệnh lúc đó đang trên đường về Lam Sơn. Đến Đông Khê, ông đề nghị cả đoàn tùy tùng dừng lại, tìm một ngôi nhà nghỉ tạm qua đêm để ngày mai đi tiếp (…). Giờ đây chiến trường đã im tiếng súng, lần đầu tiên những người gần gũi Đại tướng trong Sở Chỉ huy cảm thấy vị thủ trưởng gần sang tuổi tứ tuần của mình có dáng mệt mỏi. Ông nói cảm thấy đầu óc nặng trĩu. Và một tình huống bất ngờ thú vị đã xảy ra. Đúng lúc đó, từ căn nhà sàn nào đó của cái bản hẻo lánh bỗng vẳng ra những tiếng đàn, và – như sau này Đại tướng – Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết trong hồi ức:
“Những âm thanh bất ngờ đó như một liều thuốc kì diệu nhanh chóng xua tan mọi nỗi mệt nhọc sau một chặng đường chinh chiến. Tôi ngỡ ngàng cứ như lần đầu nghe thấy những âm thanh này. Những âm thanh kì lạ. Những mệt mỏi tiêu tan. Nó giống như một lần leo sườn dốc đứng ngột ngạt từ Khuôn Chu lên đỉnh Tam Đảo bỗng được tắm mình trong hơi sương mát lạnh và luồng gió lành đầy sinh khí nơi non cao”.
Tiếng đàn bỗng ngưng bặt. Như luyến tiếc những âm thanh ngọt ngào thoắt đến thoắt đi. Tình hình chung thời gian này không có gì khẩn trương, Đại tướng – Tổng Tư lệnh chỉ đạo văn phòng tạm ngừng liên lạc điện đài với các nơi trong một giờ, rồi cử cán bộ đi tìm người vừa đánh đàn, và mời xem có thể mang đàn sang căn nhà sàn đang nghỉ chơi một vài bài.
Lát sau, một chiến sĩ trẻ ôm cây ghita bước vào. Họ cùng nhau ngồi nghe âm nhạc trong suốt khoảng thời gian chừng một giờ. Người chiến sĩ trẻ ắt hẳn không biết những “thính giả” trong căn nhà đơn sơ này là những ai và càng không ngờ rằng bằng cây đàn ghita rất tầm thường của mình, anh đã đem lại cho người đứng đầu toàn quân những giây phút dịu êm sau những ngày cầm quân bận rộn và căng thẳng.
Đúng như Đại tướng – Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết trong hồi ức: “Hình như Pi-ta-go (Pythagore), một nhà hiền triết Hi Lạp ở thế kỉ V trước Công nguyên, đã nói âm nhạc có khả năng thanh lọc tâm hồn con người”.