Quyền bình đẳng cho nữ giới là chủ đề được nhiều người cầm bút quan tâm. Với sức mạnh của ngôn từ, hình ảnh và trí tưởng tượng, các nhà văn biến tác phẩm của mình thành thông điệp đanh thép và nhân văn. Chúng cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ, góp phần đưa ra tiếng nói phản biện, chống lại định kiến về giới.
Đặc biệt, một số tác phẩm của các cây bút nữ đã tạo được tiếng vang trên văn đàn. Chúng mang đậm tính hiện thực, phản ánh bức tranh xã hội đầy rẫy bất công. Hãy cùng điểm qua một số tiểu thuyết về nữ quyền của các nhà văn nữ trên thế giới đã được dịch sang tiếng Việt.
Cánh cửa – Szabó Magda
Sau Márai Sándor và Kertész Imre, có lẽ, Szabó Magda là một trong số ít nhà văn người Hungary được độc giả Việt Nam biết tới. Tác giả này không nổi tiếng bằng hai đồng hương, nhưng nhờ có những áng văn sắc lạnh với phong cách kỳ lạ, đôi lúc hơi rùng rợn của bà, nền văn học của quốc gia này được nhắc đến nhiều hơn trên văn đàn thế giới.
Tiểu thuyết Cánh cửa của Szabó Magda. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Độc giả Việt Nam biết đến Szabó Magda qua tiểu thuyết Cánh cửa. Nhân vật chính của tác phẩm là nữ nhà văn Magduska và bà giúp việc tên Emerenc.
Magduska gặp rắc rối trong sự nghiệp. Các tác phẩm của bà không được đón nhậnn nồng nhiêt như trước. Nhà văn này chuyển đến khu phố khác và thuê Emerenc dọn dẹp. Từ đây, hai phụ nữ xa lạ bước vào đời nhau.
Nữ nhà văn lấy làm lạ khi một người đã có tuổi, làm công việc dọn dẹp, có lối sống khắc kỷ và khép kín, lại có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người trong khu phố.
Từng tầng sâu trong tâm hồn bà được nữ nhà văn Szabó Magda bóc tách một cách ấn tượng. Sức mạnh của một người đàn bà đôi khi không đến từ học vấn hay địa vị xã hội. Nó nằm ở cách người phụ nữ ấy nhìn thấy tâm can kẻ đối diện.
Cuốn sổ vàng – Doris Lessing
Khi còn trẻ, nhà văn người Anh Doris Lessing đã phải tự trang trải cuộc sống bằng việc làm bảo mẫu và số nhuận bút ít ỏi từ những truyện ngắn được đăng trên báo.
Sau khi tiểu thuyết đầu tay The Grass is Singing (Cỏ hát) ra đời, bà dần được giới phê bình để mắt tới. Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của bà là Cuốn sổ vàng (The Golden Notebook) được xuất bản năm 1962.
Tiểu thuyết Cuốn sổ vàng của Doris Lessing. Ảnh: Nhã Nam. |
Cuốn sổ vàng là câu chuyện về Anna Wulf, nữ nhà văn có tài, nhưng đang rơi vào giai đoạn sa sút của sự nghiệp. Cô thấy cuộc sống bế tắc khi phải một mình chăm sóc con cái sau đổ vỡ hôn nhân.
Những thất bại trong cuộc sống cùng sự dèm pha của những người xung quanh đã hút cạn sự sáng tạo trong cô. Thế nhưng, bản năng vẫn thôi thúc Anna phải viết.
Cô ghi chép cảm xúc và câu chuyện xảy ra xung quanh mình vào 5 cuốn sổ. Trong đó, cuốn sổ quan trọng nhất có bìa màu vàng. Cuốn tiểu thuyết này mang dáng dấp của tự truyện. Tác giả đã hai lần ly hôn và cũng phải một mình chăm sóc các con. Nhân vật trong sáng tác của Doris Lessing phần lớn là nữ giới.
Chuyện người tùy nữ – Margaret Atwood
Cùng Tay sát thủ mù, Chuyện người tùy nữ là 2 cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Cannada Margaret Atwood được độc giả Việt Nam yêu thích.
Nhân vật chính là Offred, một hầu gái ở Cộng hòa Gilead, quốc gia giả tưởng. Ở nơi này, phụ nữ được sinh ra với xứ mệnh duy nhất là sinh con trong các gia đình Quân Trưởng. Họ chính là tùy nữ.
Tiểu thuyết Chuyện người tùy nữ của Margaret Atwood. Ảnh: Nhã Nam. |
Những ai không thể sinh nở, bị coi là phế nữ. Họ bị gửi đến trại tập trung, hay trại tị nạn, có người bị bán làm gái mại dâm, tệ hơn, có người còn bị giết.
Trong xã hội bạo tàn của Cộng hòa Gilead, những tùy nữ không có bất kỳ quyền hạn cơ bản nào. Quyền lực đều nằm trong tay những người đàn ông. Nghĩa vụ duy nhất của họ là sinh nở.
Có ý kiến cho rằng Chuyện người tùy nữ là tiểu thuyết nữ quyền nửa vời. Cái kết đen tối của tác phẩm đã nói lên điều đó. Nhưng bằng một câu chuyện không có thực, Margaret Atwood đã vạch trần phần nào bức tranh đen tối về cuộc sống của phụ nữ nghèo ở một số quốc gia kém phát triển. Bà đã dùng ngòi bút để đòi quyền sống, quyền bình đẳng cho họ.
Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Margaret Atwood đã được chuyển thể thành phim. Ảnh: Pinterest. |
Ba phụ nữ can đảm – Marie Ndiaye
Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện về 3 phụ nữ gốc Phi. Họ đã can đảm đương đầu những khó khăn của cuộc đời.
Trải qua bao đau đớn, bị vùi dập và hành hạ, họ vẫn vui vẻ đứng lên, vượt qua bao gian khó để tìm thấy nụ cười. Không cần đến những tuyên ngôn “đao to búa lớn”, tác giả nói về sức mạnh của người phụ nữ một cách thật bình dị.
Tiểu thuyết Ba phụ nữ can đảm của Marie Ndiaye. Ảnh: Mai Khanh. |
Đó là Norah, nữ luật sư 38 tuổi, sinh sống tại Paris, Pháp. Một ngày kia, cô nhận được điện thoại của bố, nói em trai mình đang phải ngồi tù vì tội giết người.
Tin lời hứa của chồng, Fanta sang Pháp sinh sống với mong ước về một tương lai tốt đẹp. Còn Khady Demba là một bà góa, cô bị nhà chồng hắt hủi, một mình lưu lạc tới châu Âu với bao tủi nhục.
Ba người đàn bà, ba số phận, nhưng dù bị vùi dập đến đâu, họ vẫn nuôi giấc mơ về một ngày mai tươi sáng hơn. Bằng tâm hồn nhạu cảm và tinh tế, tác giả đã mang tới cho người đọc một câu chuyện cảm động. Bản thân nhà văn Marie Ndiaye cũng là một người Pháp gốc Phi. Cô vinh dự được trao giải Goncourt vào năm 2009.