Những cuốn sách hay phải mang lại những tác động đích thực về mặt tinh thần, chứ không chỉ là niềm vui trí tuệ. Chúng giúp các em biết mình phải tìm kiếm điều gì trong cuộc sống. Đọc sách giúp phát triển tâm trí vì trẻ học cách thưởng thức những gì được nhìn thấy, nghe thấy, trải nghiệm và đưa chúng vào thực tế sau này.
Những điều xa lạ đều trở nên gần gũi, sống động trên trang sách. Không những thế, trang sách giúp trẻ thấy được khía cạnh thú vị, tích cực trong cuộc sống của chính mình. Sự thấu hiểu, cảm thông cũng được sinh ra từ quá trình trẻ chia sẻ cảm xúc với các câu chuyện, hay đặt bản thân vào vị trí của người khác. Sách không thể thay thế cuộc sống, nhưng một niềm vui thích sẽ được nảy mầm từ sách.
Nếu bạn từng đi ngang qua cánh đồng cùng một em nhỏ và em bỗng thốt lên rằng “mùi cỏ ngòn ngọt trên đồng cỏ đầy nắng”, thì bạn mới hiểu ý tôi muốn nói gì. Hay như một đứa trẻ nhớ lại: “Thân cây bồ công anh mọng sữa, ngọn cỏ ba lá chứa đầy mật và tủ lạnh đầy thức uống mát lạnh. Mùa hè thật đẹp”. Sau đó, ta như nghe thấy những câu văn trong truyện Charlotte và Wilbur văng vẳng bên tai khi trở lại với công việc thường nhật và gật gù: “Đúng vậy, mùa hè thật tuyệt”.
Biết cách nhận ra vẻ đẹp cuộc sống rất quan trọng. Chính sự tấn công dồn dập của các phương tiện truyền thông trong một thế giới tiện nghi, đủ đầy và ồn ã khiến giờ đây, hầu như chẳng có gì có thể làm ta trầm trồ, thích thú được nữa. Hậu quả là một đứa trẻ mất khả năng cảm nhận trên không khác gì bị mù và điếc trước những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống.
Sách không thể thay thế cuộc sống, nhưng một niềm vui thích sẽ được nảy mầm từ sách. Ảnh: Tuấn Anh. |
Trí óc trẻ có sự “co giãn” thần kì. Hãy tưởng tượng một đứa trẻ chưa từng nhìn thấy rồng hay kì lân sẽ miêu tả các con vật này như thế nào! Hãy tưởng tượng một đứa trẻ sẽ đoán xem có những sinh vật nhỏ bé nào sống trong hốc cây, khe đá! Đó là những thứ có thể nuôi dưỡng trí óc trẻ và khi lớn hơn, trẻ sẽ đáp lại bằng sự nhạy cảm tương tự như câu nói trong truyện Dobry của Monica Shannon: “Tuyết là khoảng lặng đẹp nhất trên thế giới”.
Tôi chưa bao giờ có thể cưỡng lại lời năn nỉ của con: “Mẹ đọc truyện cho con nghe, mẹ nhé!” Khi ấy, con tôi sà vào lòng mẹ, hai mẹ con thích thú lật giở từng bức tranh, lắng nghe nhịp điệu của từng câu chữ, chốc chốc lại bật cười khúc khích khi cảnh sát ở Boston dừng các phương tiện giao thông cho vịt mẹ và các con lạch bạch sang đường trong cuốn truyện tranh Make Way for Duckling (Nhường đường cho vịt con) của Robert McCloskey; hay cảm giác an toàn, êm dịu của câu chuyện Ngủ ngon nhé trăng của Margaret Wise Brown, hay thưởng thức sự kì diệu trong White Snow, Bright Snow (Tuyết trắng tinh, tuyết sáng bừng) của Alvin Tresselt.
Nhưng chúng ta không chỉ nhận được niềm vui từ những đứa trẻ thích ngồi nghe truyện trong lòng cha mẹ. Đọc sách cho trẻ lớn cũng rất vui. Khi đọc bộ truyện về cuộc phiêu lưu trên thảo nguyên của Laura Ingalls Wilder, gia đình chúng tôi có thể cảm nhận được không khí trong căn nhà ấm áp, ngửi thấy mùi bánh mì mới nướng, nghe thấy cơn bão tuyết đang gào thét bên ngoài và cùng Laura trải nghiệm cảm giác ấm cúng lúc người cha vừa hát, vừa kéo đàn bên đống lửa.
Tình yêu và niềm vui của nhà Ingalls đã lan sang gia đình chúng tôi và truyền cho chúng tôi niềm tin thầm lặng vào khả năng cùng nhau vượt qua những nguy hiểm hay khó khăn.
Sách mang lại cảm giác an toàn. Trẻ em được gặp gỡ những người có hoàn cảnh xuất thân, tôn giáo và văn hóa không giống mình. Trẻ học được cảm giác khi mình khác biệt với những người khác và nỗi sợ hãi – kết quả của khi trẻ không hiểu được sự khác biệt – sẽ bị xóa bỏ. Kiến thức địa lý tự bấm chuông bước vào cửa nhà bạn khi trẻ đến thăm các gia đình từ các quốc gia khác và thế giới với chúng dường như thật thân thiện.
Đối mặt với những thất bại và bi kịch với các nhân vật trong câu chuyện có thể gián tiếp mang lại cho trẻ em bài học về lòng dũng cảm cùng lòng trung thành. Rơi nước mắt với nhân vật này hay vui mừng với nhân vật khác là sự khởi đầu của một trái tim nhân ái.
Những anh hùng như Johnny Tremain trong cuốn truyện cùng tên, thậm chí cả chú chuột biết nói Reepicheep đầy hài hước trong cuốn Trên con tàu hướng tới bình minh của bộ truyện Biên niên sử Narnia sẽ truyền cho độc giả nhí lòng dũng cảm. Bởi lòng dũng cảm không chỉ có ở siêu nhân, mà còn nằm trong trái tim của những người đấu tranh vì sự thật và danh dự, kiểu anh hùng mà chúng ta có thể gặp ngay giữa đời thường.
Một bạn trẻ giới thiệu sách với tôi đã đọc cuốn Call It Courage (Hãy gọi nó là lòng dũng cảm) không dưới bốn lần vào năm cậu chín tuổi. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ một đứa trẻ trở thành một thiếu niên, cậu cần một hình mẫu cho lứa tuổi mới của mình. Cuốn sách này đã nuôi dưỡng trái tim cậu bằng lý tưởng và sự chính trực đến mức khó có thể đo lường được ảnh hưởng của nó. Cậu nhận xét: “Nó khiến cháu cảm thấy dũng cảm và mạnh mẽ!”
You must be logged in to post a comment Login