Tiểu thuyết “Dystopia” – phản địa đàng – có sức hấp dẫn với độc giả, bởi những sáng tác luôn ắp đầy trí tưởng tượng và sự phiêu lưu không tưởng. “Dystopia” có ý nghĩa thể hiện điều đen tối tột cùng.
Chuyện người tùy nữ – tác giả Margaret Atwood (1985)
Margaret Atwood đã tái dựng những hình ảnh đen tối với xác người bị treo lên bức tường vào mỗi sớm mai để răn đe kẻ còn sống, hay “cảnh nóng” được trình chiếu như hai công cụ va vào nhau, không xúc cảm… Tất cả làm nổi bật hình ảnh xã hội Cộng hòa Gilead như trại tập trung, từng được Đức Quốc Xã xây dựng để hại người Do Thái.
Không có chút gì tươi sáng trong tác phẩm, chỉ có những điều đau khổ, hoặc đau khổ nhiều hơn. Mỗi hình ảnh trong tiểu thuyết đều có sức ám ảnh “ghê rợn” đối với người đọc. Trong đó, buổi cứu chuộc là cảnh tuyệt cùng. Ở buổi cứu chuộc ấy, chúng ta sẽ phải chứng kiến cảnh trừng phạt con người, như một xác chết đang bị bầy kền kền bủa vây, rỉa rói.
Chuyện người tùy nữ là cuốn sách xuất sắc của Margaret Atwood. Ảnh: The Guardian. |
Vụ án – tác giả Franz Kafka (1925)
Josef K. chờ đón sinh nhật lần thứ 30 của anh như một ngày bình thường. Anh bị bắt mà không hề có lý do.
Từ khi liên quan vụ án, dù tin mình hoàn toàn vô tội, K. lún sâu vào mê cung pháp luật như trong cơn ác mộng phi lý, cố hiểu xem mình đã phạm tội gì.
Anh nghẹt thở đối đầu với hệ thống toà án có mặt khắp nơi, mỗi lúc một thắt chặt hơn bàn tay quyền lực vô hình, đẩy anh vào chỗ chết.
Thế giới mà Kafka tạo nên trong Vụ án chính là thế giới “phản địa đàng”, khi mọi quyền con người đều bị tước bỏ. Cuộc đời trở thành một cuộc quẩn quanh, tìm kiếm và đánh mất chính mình trong mê cung của những lý luận vô nghĩa.
Cùng Lâu đài và Hóa thân, Vụ án là tác phẩm đã tạo nên tượng đài văn chương Kafka.
Vụ án đã được chuyển thể thành phim. Ảnh: The Guardian. |
Người truyền ký ức – tác giả Lois Lowry (1993)
Một cộng đồng không được xác định rõ về không gian và thời gian tồn tại, chỉ biết những thành phần của nó có hình hài giống con người và một vài cấu trúc cũng giống con người.
Đứng đầu cộng đồng có một hội đồng quyết định mọi việc, dĩ nhiên, vẫn còn một thế lực cao siêu nào đó hơn nữa, chỉ huy về tổng thể.
Mỗi cá nhân không phải do cha mẹ sinh ra, mà bởi “Mẹ đẻ”, những phụ nữ được nhận nhiệm vụ sinh nở cho cộng đồng. Trong số đó, có người được lựa chọn giữ ký ức của cộng đồng.
Ký ức cộng đồng là gì? Đó là tất cả cảm nhận, hình ảnh, trải nghiệm về cuộc sống mà con người đang thấy: Hạnh phúc êm ru của thiên nhiên lãng mạn, niềm vui trong gia đình…, nhưng ở đó không có nỗi đau chiến tranh, đói nghèo, mất mát, chia lìa. Thế giới đẹp đẽ một cách giả tạo.
Với Người truyền ký ức, tác giả Lois Lowry dựng nên một thế giới cô lập mà ở đó những việc tốt đẹp diễn ra nhưng lại có bản chất “lộn trái”, mang đầy tính phi nhân, tuyệt vọng.
Người truyền ký ức tái hiện thế giới đẹp đẽ một cách giả tạo. Ảnh: The Guardian. |
Đồi thỏ – tác giả Richard Adams (1972)
Cánh đồng cỏ rộng lớn ở Sandlefort, nơi những chú thỏ sống trong hang ấm áp, được dẫn dắt bởi thỏ thủ lĩnh và đội ngũ cốt cán – những chú thỏ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, làm nhiệm vụ điều hành và canh gác.
Một câu chuyện phiêu lưu, dày đặc tưởng tượng về những chú thỏ có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với độc giả. Nhưng, bên dưới lòng đất, Đồi thỏ mang theo một câu chuyện hoàn toàn khác, với một thế giới được miêu tả sắc nét. Đó là một thế giới địa đàng – “phản địa đàng”.
Đồi thỏ nằm trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất của mọi thời đại. Ảnh: The Guardian. |
Đồi thỏ thành công vang dội với bạn đọc mọi lứa tuổi, được nhận huy chương Carnegie và giải thưởng Guardian cho thể loại tiểu thuyết viết cho thiếu nhi (1972).
Nó cũng được nhà xuất bản Penguin công bố là cuốn sách đứng thứ hai trong danh sách bán chạy nhất mọi thời đại (1985).
Ngoài ra, Đồi thỏ có tên trong danh sách 100 cuốn sách của mọi thời đại (2003), 100 cuốn sách giá trị nhất (2007) do BBC và trang web Worldbookday bầu chọn.