Một xu một ngày – Walter de la Mare: Đây là tuyển tập gồm 17 câu chuyện cổ tích thần kỳ mà Walter de la Mare kể lại. Tác phẩm được nhận huân chương Carnegie năm 1948, và là tập truyện đầu tiên chiến thắng giải thưởng sách thiếu nhi danh giá này. Một vài truyện nổi bật có trong cuốn sách có thể kể đến như Pho mát Hòa Lan, Gã bù nhìn, Chú khỉ của anh Bump, Hai người khách, Ba cậu bé nằm ngủ ở xứ Warwickshire... Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Những người vay mượn tí hon – Mary Norton: Trước khi trở nên nổi tiếng vì bộ phim hoạt hình chuyển thể của hãng Ghibli, Những người vay mượn tí hon từng được trao huân chương Carnegie năm 1952. Tác phẩm kể về cuộc sống của một gia đình người tí hon, sống dưới sàn căn nhà tại Anh và thường xuyên “mượn” những đồ nhỏ bé ở bên trên để sống sót. Tác phẩm cũng lọt vào 10 cuốn sách từng chiến thắng Carnegie được yêu thích nhất trong 70 năm lịch sử trao giải, do độc giả bình chọn vào năm 2007. Ảnh: Homnayemdocgi. |
Trận chiến cuối cùng – C.S. Lewis: Đây là tập truyện cuối cùng trong bộ sách Biên niên sử Narnia nổi tiếng của nhà văn C.S. Lewis. Trong Trận chiến cuối cùng, con khỉ Shift đã thuyết phục con lừa Puzzle khờ dại mặc bộ da sư tử để đóng giả là Aslan – sư tử vĩ đại nhất tại Narnia. Những đứa trẻ được hội tụ về Narnia gồm Peter, Edmund, Lucy, Jill và Eustace để tham gia vào một trận chiến ác liệt quyết định tương lai của vương quốc từng một thời huy hoàng của vùng đất này. Trận chiến cuối cùng thắng Carnegie năm 1956. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Khu vườn đêm của Tom – Philippa Pearce: Khi Tom chuyển đến sống với cậu và dì ở căn hộ cho thuê của bà lão Bartholomew, cậu đã nghe thấy chiếc chuông đồng hồ điểm đến 13 tiếng mỗi đêm, và từ đây một khu vườn kì diệu đã hiện ra ở nơi mà ban ngày chẳng hề có. Khu vườn đêm của Tom là tác phẩm kinh điển dành cho thiếu nhi mà còn là hoài niệm đẹp về tuổi thơ dành cho bất cứ ai từng qua thời thơ ấu. Cuốn sách nhận được huân chương Carnegie năm 1958 và cũng lọt vào danh sách 10 tác phẩm từng chiến thắng hay nhất năm 2007. Ảnh: Nhã Nam. |
Đồi thỏ – Richard Adams: Nhận được huân chương Carnegie năm 1972, Đồi thỏ đến bây giờ vẫn là một trong những câu chuyện ngụ ngôn về loài vật được yêu thích nhất. Lấy loài thỏ làm nhân vật trung tâm, Richard Adams tạo sự kết nối với chính đời sống con người, và cách những loài sinh vật trên Trái Đất gắn kết với nhau trong cộng đồng ra sao. Đồi thỏ cũng nhiều lần được chuyển thể thành series phim truyền hình cũng như nhạc kịch, radio và trò chơi điện tử nhập vai. Ảnh: Thanh Hoa. |
Những em bé bột – Anne Fine: Đây là cuốn sách thứ hai của Anne Fine chiến thắng huân chương Carnegie. Tác phẩm trước đó là Goggle-Eyes, được vinh danh vào năm 1989, bốn năm trước Những em bé bột. Trong cuốn sách này, mỗi học sinh trong lớp của thầy Cartright được phát một túi bột trắng tinh trong bao vải chuẩn bị cho ngày hội khoa học. Lũ trẻ phải chăm sóc cho những túi bột đó như những em bé thực thụ, không để dây bẩn nhem nhuốc cũng như thiếu hụt lạng nào. Tác phẩm là câu chuyện nuôi dưỡng nhân cách và nâng đỡ tâm hồn để trẻ em học cách yêu thương trong cuộc sống. Ảnh: Thiên Ái. |
Bắc cực quang – Philip Pullman: Tác phẩm chiến thắng năm 1995 là tập đầu tiên trong bộ sách Vật chất tối của ngài, do nhà văn Philip Pullman sáng tạo ra. Sách kể về chuyến phiêu lưu của cô bé Lyra cùng chiếc Chân Kế chỉ sự thật để đi giải cứu những người bạn bị bắt cóc. Ở hai phần tiếp theo, Lyra cùng người bạn đồng hành Will du hành giữa các thế giới song song để khám về Bụi, cũng như thực hiện lời tiên tri về chính vận mệnh của cô bé. Trong danh sách 10 cuốn sách được yêu thích nhất từng thắng giải Carnegie, Bắc cực quang được lựa chọn là tác phẩm hay nhất, được vinh danh là “Carnegie of Carnegies”. Ảnh: Wings Books. |
Cậu bé của sông – Tim Bowler: Cô bé Jess 15 tuổi say mê bơi lội đã chạm trán với một “cậu bé của sông” đầy bí ẩn, nhân vật chính trong bức tranh còn đang dang dở của ông nội Jess. Từ đây, cô bé quyết tâm tìm kiếm sự thật, cũng như hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của ông. Cậu bé của sông là một câu chuyện đa chiều kỳ diệu và đậm chất nhân văn, đã giúp Tim Bowler giành được huân chương Carnegie năm 1997. Ảnh: Thiên Ái. |
Câu chuyện nghĩa địa – Neil Gaiman: Tác phẩm Neil Gaiman đã chiến thắng cả hai giải thưởng văn học thiếu nhi danh giá của Mỹ và Anh là Newberry (năm 2009) và Carnegie (năm 2010). Cuốn sách kể về Bod Owens, một cậu bé còn sống nhưng được nuôi dưỡng bởi những hồn ma ở nghĩa địa. Bod khao khát được khám phá thế giới bên ngoài, nhưng cậu hiểu được rằng một khi rời đi sẽ không bao giờ quay trở lại được nữa. Câu chuyện nghĩa địa được tạp chí Time bình chọn trong 100 cuốn sách thanh thiếu niên hay nhất mọi thời đại. Ảnh: Trần Cường. |
Quái vật ghé thăm – Patrick Ness: Patrick Ness đã có hai năm liên tiếp thắng huân chương Carnegie cho Monsters of Men (năm 2011) và Quái vật ghé thăm (năm 2012). Cậu bé Conor hàng đêm vẫn nhìn thấy một con quái vật cổ xưa, hoang dại đến tìm kiếm sự thật. Cuốn sách do Jim Kay minh họa, đã đưa người đọc vào một hành trình tìm kiếm và chấp nhận sự thật, qua không gian và thời gian, giữa thực tại và mộng ảo. Ảnh: Nhã Nam. |