Sách nghệ thuật đang được chú ý hơn ở Việt Nam. Bên cạnh dịch những cuốn sách nổi tiếng về nghệ thuật của nước ngoài, một số công trình của tác giả Việt cũng được xuất bản. Trong đó, một số tác giả Việt gây tiếng vang khi viết về nghệ thuật.
Sách Nghệ thuật và Tài năng và Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Ảnh: Y Nguyên. |
Những nhà nghiên cứu, phê bình gạo cội
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân (1934-1999) viết không nhiều, nhưng các bài viết của ông có dấu ấn riêng, độc đáo, ảnh hưởng tới nhiều họa sĩ và người yêu nghệ thuật.
Cuốn sách Tiếp xúc với nghệ thuật của Thái Bá Vân tập hợp những bài viết để lại nhiều suy ngẫm như: Tính lịch sử riêng của nghệ thuật; Tiếp xúc với tác phẩm; Hiện thực không phải là cái ta nhìn thấy bằng con mắt, mà là cái ta quan niệm bằng tâm tưởng; Hai lần thay đổi mô hình thẩm mỹ; Về sự tiếp biến văn hóa của nghệ thuật; Cảm hứng nguyên thủy trong mỹ thuật hiện đại; Tiếp xúc của mỹ thuật hiện đại Việt Nam với thế giới…
Các bài viết của Thái Bá Vân ra đời trong giai đoạn chưa có nhiều sách, nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Việt. Sách để lại kiến thức quý, như lời nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn từng nói: “Tôi nghĩ cuốn sách vẫn là một nguồn cảm hứng rất hữu ích cho lớp trẻ hiện nay nếu họ muốn đến với nghệ thuật”.
Nguyễn Quân (sinh năm 1948) vốn được đào tạo chuyên ngành toán học, điều khiển học và dịch văn học Đức. Nhưng nghệ thuật là nơi ông có nhiều cống hiến nhất, ở đó, ông không chỉ là một nghệ sĩ, mà còn là một học giả với những nghiên cứu riêng.
Trong thời gian làm Phó chủ nhiệm khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật của Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1978-1984), Tổng biên tập tạp chí Mỹ thuật, Phó giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật (1986-1989), ông Quân có những tiếp cận lý thuyết nghệ thuật hiện đại thế giới, quan sát thực hành nghệ thuật Việt Nam.
Nguyễn Quân có khoảng 15 sách nghiên cứu, phê bình nghệ thuật. Trong đó, một số sách nổi bật như: Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, Ghi chú về nghệ thuật, Ngôn ngữ của hình và màu sắc, Nhìn – thấy – yêu – hiểu, ông cũng tham gia biên soạn bộ Danh họa thế giới của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Nói tới sách nghệ thuật Việt không thể không nhắc tới Phan Cẩm Thượng. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa uy tín, đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật dân gian của người Việt.
Phan Cẩm Thượng là tác giả của những công trình nghiên cứu về kiến trúc, điêu khắc dân gian. Đúc rút từ nghiên cứu, điền dã, ông cho ra đời những cuốn sách nghệ thuật như Điêu khắc cổ Việt Nam, Đồ họa cổ Việt Nam, Điêu khắc Tây Nguyên, Chùa Dâu – Tứ Pháp, Chùa Bút Tháp … Những công trình này có tính nền tảng để dạy, học, mở ra các hướng nghiên cứu tiếp theo.
Phan Cẩm Thượng cũng đi vào nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật đời thường. Kết tinh những nghiên cứu đó là công trình đồ sộ Văn minh vật chất của người Việt, Tập tục đời người và bộ sách hai tập Nghệ thuật ngày thường.
Trong bộ sách mới nhất Nghệ thuật ngày thường, dưới con mắt của một nhà nghiên cứu văn hóa, phê bình nghệ thuật, ông dành nhiều dung lượng bàn về nghệ thuật như: “Suy nghĩ về nghệ thuật”, “Nghệ thuật ngày thường” (chủ yếu giới thiệu các họa sĩ).
Sách Nghệ thuật dưới góc độ di truyền. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Hướng tiếp cận của các cây bút trẻ
Song hành với nghệ thuật là tên cuốn sách của Đào Mai Trang, đó cũng là một câu tượng trưng cho công việc của tác giả. Đào Mai Trang là biên tập viên mỹ thuật của tạp chí Văn hóa Nghệ thuật từ năm 2000 đến nay. Chị viết nhiều bài về mỹ thuật và nghệ thuật đương đại trên tạp chí cùng nhiều cơ quan thông tấn báo chí khác.
Dành nhiều thời gian tìm hiểu và viết về mỹ thuật, Đào Mai Trang đã có những chuyên khảo xuất bản thành sách như Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950-19540). Sách viết về các họa sĩ học trường Mỹ thuật trên chiến khu Việt Bắc do Họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy, trong đó có các tên tuổi như Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa…
Tìm hiểu lĩnh vực mỹ thuật đương đại, Đào Mai Trang có cuốn 12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam. Sách viết về các nghệ sĩ có những thành tựu nghệ thuật được công chúng và giới mỹ thuật cả nước biết đến như Vũ Dân Tân, Trương Tân, Trần Lương, Đào Anh Khánh…
Song hành cùng nghệ sĩ trẻ đương thời, Đào Mai Trang cho ra mắt cuốn Nghệ thuật và tài năng. Sách nêu bối cảnh xã hội, cơ hội thu nhận kiến thức nghệ thuật, sự kết nối với thế giới nghệ thuật bên ngoài của thế hệ nghệ sĩ trẻ. Một nửa dung lượng sách là cái nhìn cận cảnh về thế hệ nghệ sĩ 8X của mỹ thuật Việt với một số tên tuổi: Bàng Nhất Linh, Nguyễn Huy An, Thái Nhật Minh, Hà Mạnh Thắng, Phạm Huy Thông…
Nếu Đào Mai Trang nghiên cứu về mỹ thuật Việt thì Vũ Hiệp, một cây bút trẻ khác, lại viết sách lý luận nghệ thuật từ góc độ riêng biệt. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Saint Petersburg, Liên bang Nga, hiện là giảng viên Đại học Giao thông Vận tải, Vũ Hiệp dành nhiều thời gian để viết sách lý luận nghệ thuật.
Tâm huyết của Vũ Hiệp được đền đáp khi nhiều cuốn sách ra đời, một số cuốn đạt giải thưởng cao như: Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật (giải B Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai, giải bạc Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2018). Cuốn Nghệ thuật dưới góc độ di truyền được trao giải A của Hội đồng Lý luận Phê bình Nghệ thuật Trung ương.
Trong Nghệ thuật dưới góc độ di truyền, Vũ Hiệp gây chú ý khi nêu ra khái niệm “mã gen nghệ thuật”, ở đó tác giả hướng sự tìm tòi những khả tính mới của nghệ thuật từ chính nội hàm con người Việt với những điều kiện đặc thù về lịch sử, văn hóa, sinh thái, di truyền. Tiếp cận những di sản kiến trúc, ca dao tục ngữ, văn hóa dân gian, tác giả nhận diện một số đặc tính nghệ thuật của Việt Nam được di truyền qua nhiều thế hệ.