Những ngày giáp Tết, không khí hối hả vì nhiều cuộc trở về sum vầy bên gia đình. Nỗi nhớ quê nhà như một sự thôi thúc để bất cứ người con xa quê nào cũng muốn tìm về.
“Ở hai chiều của cuộc thiên di đó, Hà Nội – Sài Gòn luôn là hai điểm cầu khiến người ta kẻ mong người nhớ, kẻ đợi người thương”, trích nội dung sách Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn.
Cuốn sách là tuyển tập tản văn giàu cảm xúc và trải nghiệm về hai thành phố thân thương của Việt Nam. Sách ra mắt đúng dịp Tết Nguyên đán 2022, do Wavebooks liên kết Nhà xuất bản Thế giới phát hành.
Ký ức về hai thành phố
Tuyển tập quy tụ gần 50 cây bút, từ những tác giả kỳ cựu như Uông Triều, Nguyễn Trương Quý, Phạm Công Luận, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Phong Việt, Tống Phước Bảo, Lưu Đình Long… đến những cây bút trẻ đầy triển vọng như Vũ Thị Huyền Trang, Hoài Sa, Liêu Hà Trinh, Nguyễn Anh Vũ… Đặc biệt, sách còn có sự góp mặt của cây bút nhí (14 tuổi) Lê Nguyễn Minh Khuê.
Sách gồm hai phần chính, viết về những nỗi nhớ Hà Nội và niềm thương TP.HCM. Thông qua những tản văn của mình, nhóm tác giả mong muốn lưu lại những câu chuyện rung cảm về hai thành phố lớn nhất Việt Nam.
Trong sách, thủ đô Hà Nội hiện lên là mảnh đất nghìn năm văn hiến, luôn cố gắng gìn giữ những điều son sắt, nhưng vẫn không từ chối thu nạp lối sống của thời đại mới.
Còn mảnh đất Sài thành, qua ngòi bút của các tác giả, là thành phố hiện đại, cởi mở. Thành phố ấy dẫu có đi qua bao nốt lặng vẫn luôn “lấy thương đổi thương”.
Đọc cuốn sách, độc giả có thể tìm thấy một Hà Nội xa xưa đầy quyến rũ trong bài tản văn Viết về Hà Nội của nhà văn Uông Triều. Tác giả đã điểm lại những đầu sách viết về mảnh đất thủ đô này của các bậc tiền bối như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Vũ Bằng…
Bên cạnh đó, bài viết còn lần lượt điểm qua một loạt tác phẩm văn học vang bóng để đi đến những nét đẹp nghìn năm văn hiến như hiện nay.
Hay như trong tản văn Rồi mai sau đàn ngọc chán tơ ngà của nhà văn Nguyễn Trương Quý – một tác giả luôn gắn liền nhiều bài viết về Hà Nội, ta bắt gặp những ký ức về TP.HCM của chàng trai đất Bắc thuở thiếu thời.
Thành phố trong mảnh ký ức của người thanh niên ngày đó là đoàn xiếc chật cứng người xem, những vở tuồng cải lương trên màn hình đen trắng, những hội chợ rộn ràng bán hàng tiêu dùng ở các công viên, những thương hiệu trứ danh trên đất Bắc như nước hoa Thanh Hương, hiệu may Văn Hao…
Ở đó, người đọc có thể thấy rằng giữa lòng đất Bắc vẫn có một Sài Gòn lẫy lừng in đậm trong ký ức Nguyễn Trương Quý mặc cho dòng thời gian trôi.
Tập tản văn Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn gồm những bài viết của gần 50 tác giả. Ảnh: Wavebooks. |
Nối liền ước mơ của người trẻ
Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn còn mang trong mình một sứ mệnh nối liền ước mơ của người trẻ. Bởi qua từng tản văn, các tác giả truyền tải tâm tư tình cảm, khát khao khai phá giữa hai thành phố lớn này.
Tác giả Huỳnh Minh Thảo với bài viết Bắc tiến thể hiện những câu chữ bình dị, chân phương của người miền Nam, khi gắn bó Hà Nội trong những năm tháng công tác.
Nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận đem đến bài viết Thích gì ở Sài Gòn nhằm nêu bật những điều thương mến, khắc sâu nét hào hiệp, trượng nghĩa và bao dung của mảnh đất Sài thành.
Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn là tập sách tổng kết những yêu thương của các cây bút đúng dịp cuối năm, đem đến cho độc giả sự lắng đọng và nỗi niềm nhớ thương hai thành phố này.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga – người sáng lập Wavebooks (đơn vị phát hành sách) – nói: “Tuyển tập Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn ra đời như lời cảm tạ tới hai thành phố khiến chúng ta không ngừng nhớ thương”.
Mỗi thành phố mang một màu sắc riêng. Nó phản ánh sở thích, thói quen và tập tục của dân cư nơi đây.
Hà Nội sở hữu nền văn hóa lâu đời, cùng nhiều biến cố, thăng trầm. Đây cũng là nơi tập trung nguồn lực và tinh hoa. Nó trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều văn sĩ.
Trong khi đó, TP.HCM lại có nhiều điều cuốn hút mà phải từ góc nhìn của người ngoài mới nhận ra được. Ở đó, có những điều đôi khi ta lãng quên bấy lâu. Chẳng hạn thức uống một thời cà phê vợt; quán nước bán bánh mì xíu mại, há cảo; thói quen nhắc nhau gạt chống chân khi đi xe máy; cho người lạ mua thiếu; vá xe miễn phí cho người khuyết tật…
Có thể nói hai mảnh đất này không chỉ là cội nguồn văn hóa của đất nước, mà còn dang tay đón nhận biết bao lớp người, nuôi dưỡng biết bao hoài bão, giấc mơ.