Mở đầu bài thơ Tết của mẹ tôi, thi sĩ Nguyễn Bính viết:
Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều
Sân gạch tường vôi người quét lại
Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu.
Đoạn thơ gợi lên một không gian của những ngày chuẩn bị đón Tết trong đời sống tinh thần của người Việt. Đặc biệt, có câu thơ nhắc đến tục trồng nêu ngày Tết, một nghi thức có ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt từ xa xưa, được hình thành, bảo tồn, kế thừa và phát huy ở nhiều dạng thức khác nhau.
Đây là nghi thức xuất hiện phổ biến trong đời sống dân gian, trong đời sống Phật giáo và trong đời sống cung đình thời Nguyễn.
Theo huyền sử truyền tụng trong dân gian thì nguồn gốc lễ dựng nêu thiên về Phật giáo. Ngày xưa quỷ thường chiếm hữu đất đai và thường cho con người “thuê” để canh tác, rồi mâu thuẫn xảy ra, Phật phải ra tay giúp đỡ. Phật đã đẩy lùi ma quỷ, nhưng lại khiến cho quỷ không có đất kiếm ăn, nên phải cầu khẩn Phật cho biết chỗ đất nào không phải là của Phật. Phật mới bảo ở đâu có chuông, khánh, phướn là đất của Phật.
Vì thế Phật mới dạy dân dựng cây tre cao, trên đó có treo chuông, khánh, phướn trồng ngay trước nhà, đồng thời rải vôi đánh dấu, vẽ hình cung tên làm giới hạn.
Cây tre càng cao bóng tỏa càng rộng, quỷ càng xa lánh. Treo khánh hoặc chuông trên cây nêu để mỗi lần có gió thì phát ra tiếng tất làm quỷ sợ hãi.
Lễ rước cây nêu ở Đại Nội Huế. Ảnh: Hoàng Hải. |
Trong dân gian, người ta cũng bày biện bàn thờ để nghinh thần, ngoài sọt tre đựng cau trầu vàng bạc, còn phướn đỏ, lung tung hoặc treo lá dứa, lá đa. Rồi vạch vôi làm ranh giới cách nêu vài mươi thước, vẽ cung tên nhắm vào hướng quỷ vương. Có nhà còn treo bùa đào, lá đùng đình để trừ ma.
Miền Bắc nước ta ngày trước dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp, vì sáng 23 có lệ tiễn đưa ông Táo về trời, tức từ ngày này vắng mặt Táo quân trong nhà, nhân đó ma quỷ có cơ hội quấy phá.
Dựng nêu để ngăn chặn ma quỷ, và cây nêu dựng ngay trước nhà cho đến ngày mồng 7 tháng giêng.
Trong đời sống cung đình ở Huế, trước ngày Tết người ta làm lễ “Thướng tiêu” tức dựng nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới […]. Trước ngày Tết, triều đình làm lễ Thướng tiêu, tức lễ “lên nêu” để đánh dấu cho biết ngày Tết đã tới.
Mục đích ban đầu để mừng ngày Tết, rồi sau đó cúng những thần linh để phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu, ngoài ra còn để trừ tà ma gây hại. Triều đình dựng nêu cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi.
[…] Vua Minh Mạng cũng quan niệm rằng đã là bậc đế vương phải theo mạnh mẽ của quẻ Càn tượng Trời không lúc nào ngưng nghỉ… Lên nêu, hạ nêu là tục lệ dân gian nhưng không cần đổi thay rắc rối, cứ theo như cũ.
Theo ý chỉ của vua Minh Mạng, những lần lên nêu, triều đình nhà Nguyễn thì chỉ chọn một số ấn triện không quan trọng để bỏ vào sọt treo lên nêu cho có tính cách tượng trưng.
Đến năm Tự Đức thứ 29 (1876) có sớ tâu xin dựng nêu vào giờ Thân (15-17h) ngày 30 tháng chạp và hạ nêu vào giờ Thìn (7-9h) và mồng 7 tháng giêng. Sau đó được Sắc chỉ của vua chọn giờ Thìn vào ngày 30 tháng chạp và mồng 7 tháng Giêng để dựng nêu cùng hạ nêu, rồi lấy đó làm lệ không thay đổi nữa.
Như vậy trước năm Tự Đức thứ 29, lên nêu và hạ nêu vào 25 tháng Chạp và mồng 7 tháng giêng về sau thì lên nêu vào ngày 30 tháng chạp, tức thời gian nghỉ Tết ngắn lại.
Ở các Thượng thư đường, Thị lang đường, Tham tri đường, cũng như các cơ quan khác đều dựng nêu trước sân, theo lệ cũ có sọt tre đựng cau trầu, vàng bạc, rượu cùng ấn triện vừa để cúng Thần, mà ngưng nghỉ công việc trong những ngày Tết.
Nhìn thấy cây nêu lấp ló trong Hoàng cung, nhà dân mới theo đó mà dựng nêu ăn Tết.
Nhà thơ Tú Xương từng nhận định thực tế này, ý thơ “xuân từ trong ấy ban ra” chính là nhìn thấy hình ảnh của cây nêu vút lên từ sau bức tường Hoàng cung:
Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà.
Cây nêu dựng lên báo hiệu Tết đến. Nguyễn Khuyến lúc cáo lão về hưu, mắt lòa không nhìn thấy rõ đã vấp vào nêu dựng tối 30 tháng Chạp mới “nẩy” thành vế đối:
Tối ba mươi nghe pháo Giao thừa à à
Tết Sáng mồng một vấp nêu Nguyên đán ờ ờ Xuân.