“Em cứ kết hôn đi, niềm vui vẫn nhiều hơn nỗi buồn. Nhưng cho dù hai đứa có cưới nhau, em cũng đừng cố gắng làm vợ, làm con dâu hay làm mẹ của ai đó, hãy sống cuộc đời của chính em”.
Hai mươi tám câu chuyện trong cuốn sách Tên cô ấy là gồm những mảnh đời, tiếng thì thầm và cả hạnh phúc, niềm đau được cất lên từ hai tiếng đàn bà.
Không giương cao ngọn cờ nữ quyền, cũng không đòi hỏi sự bình đẳng giới, Cho Nam Joo có cách tiếp cận độc giả bằng lối kể riêng với nhiều nhân vật với những xuất thân khác nhau trong xã hội. Họ có tên riêng và mang chung cái tên nữ giới.
Cuốn sách Tên cô ấy là của Cho Nam Joo. Ảnh: Ngô Vinh. |
Tên cô ấy là với những số phận được bày biện, có khi đặt chung trong một gia đình và lần lượt đứng ở ngôi thứ nhất để kể câu chuyện của riêng mình.
Người mẹ chứng kiến hai mảnh đối lập khi con gái lớn vừa ly thân thì con gái nhỏ chuẩn bị lấy chồng. Trong vai trò là người chị, người em và người con, chảy chung dòng máu nhưng đâu đó số phận đặt để mỗi người trong một chiếc hộp và vượt thoát khỏi những trớ trêu định sẵn.
Không chỉ là câu chuyện về gia đình mà Tên cô ấy là còn là “phận con gái” ở chốn công sở, họ đứng lên với tiếng nói riêng trước nạn lạm dụng phụ nữ, bất công trong công việc, sống một mình với đồng lương ít ỏi và cũng có những trăn trở trước sự thay đổi của thời cuộc.
Với 60 cuộc phỏng vấn đến từ nhiều độ tuổi khác nhau, mỗi một câu chuyện được kể thông qua dù là cô bé, phụ nữ trưởng thành hay cụ bà, đều là những mảnh ghép đa sắc, sống động vừa lạ lại vừa quen trong bức tranh phổ quát về phụ nữ Hàn Quốc đương đại.
Ở đó, dù độc lập về tài chính hay được học hành đến nơi đến chốn, họ vẫn bị ghì chặt trong mối quan hệ chồng – vợ, mẹ chồng – con dâu, mẹ – con cái và phụ nữ – nam giới với những luồng tư tưởng cũ kỹ, cầm tù suy nghĩ và giữ chân họ trong một không gian với vai trò là người gánh vác những gánh nặng vật chất lẫn tinh thần.
Có thể nói Tên cô ấy là chính là tiếng nói thân quen đầy chất nữ tính trong dòng chảy cuộc sống với sự phân vai có phần không công bằng cho phụ nữ trong nhiều lĩnh vực. Họ đứng ở góc tối nhìn nhận cuộc đời mình qua những lăng kính khác nhau của cuộc sống.
Bằng những lát cắt đan cài lẫn nhau, mỗi hành trình đi tìm bến đỗ hạnh phúc hay chỉ là mơ ước nhỏ nhoi được kể bằng sự đồng cảm của tác giả. Đâu đó, để khẳng định sự tồn tại của mình, họ phải đứng lên đấu tranh, hy sinh hạnh phúc cá nhân, biết mỉm cười trước nỗi đau nội tại để bước tiếp.
Dù là những cuộc phỏng vấn, mỗi mẫu chuyện với số phận nhân vật được kể bằng sự phức hợp của cảm xúc, không khô khan cũng không ủy mị khổ đau.
Họ, những người phụ nữ chao đảo trước con sóng nghịch cảnh, gục ngã và bất lực hay mạnh mẽ kiên cường để đứng lên, chính là những khía cạnh được tác giả chọn kể khi đi suốt hành trình tìm gặp của mình.
Cho Nam Joo và cuốn tiểu thuyết nữ quyền Kim Ji Young, sinh năm 1982. Ảnh: Minumsa. |
Cho Nam Joo sinh tại Seoul, tốt nghiệp đại học nữ Ewha, khoa Xã hội học, có 10 năm kinh nghiệm làm biên kịch truyền hình. Năm 2011, cô đăng đàn với tiểu thuyết Nếu bạn lắng nghe, chính thức bắt đầu sự nghiệp viết lách.
Năm 2016, cô gây tiếng vang lớn với tiểu thuyết nữ quyền Kim Ji Young, sinh năm 1982. Cuốn sách không chỉ trở thành một hiện tượng văn học Hàn Quốc, liên tục đứng đầu danh sách bán chạy, khơi dậy làn sóng ủng hộ mạnh mẽ mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên.
Hai năm sau, Cho Nam Joo trở lại với Tên cô ấy là, tiếp tục dùng ngòi bút của mình chiến đấu cho nữ giới.