Chia sẻ trên tờ El tiempo của Argentina, bà Consuelo Gaitán – Giám đốc Thư viện quốc gia Argentina – cho biết những người trẻ ở đây không chỉ sử dụng máy tính bảng và điện thoại di động để lướt web, mạng xã hội hay chơi điện tử, mà còn tham gia các câu lạc bộ đọc sách và tạp chí chuyên ngành.
“Các chủ đề mà giới trẻ quan tâm nhất là văn học, truyện kinh dị và truyện tranh”, bà Consuelo Gaitán cho hay.
Long thần tướng được Nhà xuất bản Amok in ấn và phát hành rộng rãi tại Tây Ban Nha và khu vực Mỹ Latinh với tên Holy Dragon Imperator. Ảnh: Amok. |
Điểm sáng cho truyện tranh
Trang web Anime Onegai (nội dung truyện tranh ở Mỹ Latinh) mới đưa ra thông báo nhờ sự trợ giúp của kênh phát trực tuyến Animeka (dự án của công ty Shueisha, Nhật Bản), những phiên bản truyện tranh ấn tượng bằng tiếng Tây Ban Nha vừa ra mắt độc giả trong tháng tư.
Các chuyên gia trong ngành khẳng định thời điểm đại dịch là “một mùa thu hoạch lớn đối với thế giới truyện tranh. Trái ngược với các lĩnh vực văn hóa khác, nền công nghiệp truyện tranh đã diễn ra tốt đẹp”.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 toàn cầu đã khơi dậy sự sáng tạo của các họa sĩ truyện tranh Aragon. Điều này một lần nữa chứng tỏ mảnh đất màu mỡ mà thị trường truyện tranh đang trải qua.
Đối với họa sĩ minh họa Sara Jotabé – Chủ tịch Hiệp hội Tác giả truyện tranh Aragon – tất cả tác phẩm truyện tranh trong thời điểm này là minh chứng cho sức mạnh và mong muốn của các họa sĩ minh họa trong việc nâng cao giá trị văn hóa trong thời điểm dịch bệnh.
“Tôi không biết may khẩu trang để giúp con người tuân thủ các biện pháp phòng, chống Covid-19, nhưng có lẽ tôi có thể khiến ai đó cười mỗi ngày khi đọc truyện tranh”, họa sĩ Sara Jotabé nói.
Nhiều cuộc khảo sát được thực hiện, chứng minh giới trẻ tìm đến truyện tranh nhiều hơn trong mùa dịch. Họ coi đó là một trong những hình thức giải tỏa căng thẳng trong khi dịch bệnh chưa chấm dứt.
Tại Mỹ Latinh và thị trường truyện tranh tiếng Tây Ban Nha, hiện chưa có công bố nào nói về doanh thu từ xuất bản truyện tranh trong năm qua, nhưng ở một số quốc gia, các đơn vị xuất bản cũng có đánh giá riêng về sự khởi sắc của thể loại này.
Ivrea và ECC Comics là hai công ty xuất bản truyện tranh hàng đầu tại Tây Ban Nha. Trong một chia sẻ với Zing, ông Jaime Rodríguez – Giám đốc ECC Cómics – nói đại dịch Covid-19 ảnh hưởng ngành xuất bản nhưng cũng là bàn đạp tạo nên sức bật đối với truyện tranh.
“Xuất bản truyện tranh ở Tây Ban Nha là truyền thống lâu đời, không dành riêng cho độc giả trẻ. Khi thực hiện giãn cách xã hội, độc giả có nhiều thời gian hơn, nhưng cũng có ít lựa chọn giải trí hơn. Điều này tạo nên sự gia tăng chung về thói quen đọc truyện”, ông Jaime cho biết.
Theo đó, thể loại được đón đọc nhất vẫn là siêu anh hùng. Từ sau khi hủy bỏ lệnh giãn cách, doanh số bán truyện tranh của đơn vị này tăng khoảng 20% so với thời điểm trước đại dịch.
Bên cạnh siêu anh hùng, số lượng manga ở Tây Ban Nha cũng vượt quá 850 cuốn kể từ năm 2019. Tại xứ sở bò tót, tình yêu dành cho thể loại này không chỉ giới hạn ở các hiệu sách. Hội chợ Manga Barcelona (Tây Ban Nha) từ lâu đã trở thành nơi quy tụ hàng trăm nghìn người yêu thích thể loại truyện có xuất phát từ Nhật Bản này.
Cuối năm 2021, sự kiện này được tổ chức, đón nhận hơn 120.000 người tham gia với hơn 100 sự kiện, hội thảo lớn, nhỏ. Không gian tổ chức sự kiện có diện tích lên tới 70.000 m2.
Tại Hội chợ Manga Barcelona, ban tổ chức thường đưa ra bình chọn cho những tác phẩm truyện tranh nổi bật trong năm để giới thiệu đến độc giả cả nước. Năm 2018, bộ truyện Long thần tướng (của nhóm tác giả Việt, được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, Nhà xuất bản Amok in ấn và phát hành rộng rãi tại tại khu vực Mỹ Latinh với tên Holy Dragon Imperator) được đánh giá là một trong 10 cuốn truyện tranh tiêu biểu của năm.
Sau đó, năm 2019, tại Hội chợ sách quốc tế Madrid, tập 2 của bộ truyện này tiếp tục được vinh danh tại top 5 tác phẩm truyện tranh gây ấn tượng nhất theo bình chọn của Đài truyền hình Tây Ban Nha.
Hình ảnh tại một lễ hội truyện tranh ở Tây Ban Nha năm 2019. Ảnh: Normacomics. |
Những đóng góp cho nền công nghiệp truyện tranh
Theo đánh giá từ trang Comics Amino, Argentina là quốc gia có đóng góp nhiều nhất cho nền công nghiệp truyện tranh tại khu vực Mỹ Latinh.
Chile cũng được coi là một trong những quốc gia đã góp phần hình thành nên thị trường truyện tranh Mỹ Latinh. Ở đó, thể loại truyện tranh hài hước chiếm thị phần cao với những tác phẩm tiêu biểu như Zig-Zag, Federico Van Pilsener…
Một quốc gia đáng chú ý khác là Chile. Ngoài thể loại hài hước, đây cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đi sâu vào các thể loại khác như kinh dị hoặc bí ẩn.
Trong khi đó, Mexico được xem là một trong những quốc gia đi sâu hơn vào thị trường truyện tranh, vì nó bắt đầu xuất hiện trên báo chí như một thể loại mang tính giải trí và được độc giả đón nhận từ sớm. Theo thời gian, các thể loại truyện tranh ở đây phát triển, mang yếu tố lãng mạn, phiêu lưu, hành động.
Cũng theo nghiên cứu của trang Comics Amino, Uruguay là một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng tạp chí truyện tranh với bộ truyện tranh đầu tiên El Negro Timoteo sử dụng họa tiết và lời thoại giảng dạy về lịch sử đất nước dưới dạng một câu chuyện.
Nhờ thành công đó, các đơn vị xuất bản truyện tranh ở Uruguay bắt đầu thực hiện những tác phẩm truyện tranh này như một hình thức giải trí phổ biến cho trẻ em.