Ngày nay, trẻ em dễ dàng tiếp cận thiết bị công nghệ hiện đại, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có điều kiện để tiếp nhận sách.
Các chuyên gia khuyến đọc chỉ ra rằng việc đọc sách nên được hình thành từ khi còn nhỏ. Đúng Ngày sách Việt Nam 21/4, người làm công tác thư viện, khuyến đọc cùng trò chuyện bàn cách xây dựng tình yêu sách cho trẻ em.
Chương trình tọa đàm “Tủ sách hay dành cho con trong gia đình – tại sao không?” diễn ra tại đường sách TP.HCM sáng 21/4.
Các diễn giả tại tọa đàm. Ảnh: Y Nguyên. |
Thói quen đọc sách phải được nuôi dưỡng trong cái nôi gia đình
MC Xuân Huy cho biết nhiều nước trên thế giới coi trọng việc đọc sách trong gia đình và có thống kê số sách trong tủ sách mỗi gia đình.
Ở Na Uy, trung bình tủ sách mỗi gia đình có 212 cuốn sách; Nga là 154 cuốn; Đức, Anh, Mỹ, mỗi gia đình có tủ sách với số lượng 115-125 cuốn.
“Chúng ta có 97 triệu dân, 26 triệu hộ gia đình. Ta tự hào về truyền thống hiếu học. Nhưng trong thời gian dài, ta chưa thống kê có bao nhiêu tủ sách gia đình, hay thống kê trung bình mỗi gia đình có bao nhiêu cuốn sách”, MC Xuân Huy nói.
Là người dấn thân với công tác khuyến đọc, ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM – nêu quan điểm về sự cần thiết có tủ sách trong gia đình.
“Không gian văn hóa giải trí hiện hữu rõ trong từng gia đình. Ví dụ văn hóa nghe nhìn, chúng ta có tivi; văn hóa ẩm thực có bàn ăn, tủ rượu; chúng ta có phòng nghe nhạc, phòng tập gym; nhưng có một văn hóa khác, là văn hóa đọc, vừa để giải trí, vừa góp phần quan trọng cho vấn đề giáo dục. Thông qua sách, những người làm cha, mẹ giúp con mình được phát triển tri thức, hoàn thiện nhân cách, tâm hồn”, ông Lê Hoàng nói.
Ông kể đi dự lễ tân gia, thấy chủ nhà khoe tủ rượu, phòng karaoke. “Tôi lẳng lặng quan sát trong phòng học của con cái họ, trong không gian chung có giá sách không, thì thấy không nhiều gia đình đầu tư cho không gian này”, ông Hoàng nói.
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết – giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Kỹ năng sống Hướng Dương Việt – dẫn một thống kê cho thấy 78% trẻ em dưới 6 tuổi dùng điện thoại thông minh. Dựa vào số sách làm ra bình quân trên đầu người hàng năm (trong đó phần lớn là sách giáo dục), PGS.TS Hoàng Thị Tuyết ước tính số trẻ em dưới 6 tuổi thường xuyên tiếp cận sách không cao.
“Đến 3 tuổi, trẻ đã tiếp cận công nghệ thông tin, dần dần thành thói quen. Nếu tạo cho trẻ thói quen đọc sách trước 3 tuổi, chúng ta có thể dành con lại trước thói quen, sức cám dỗ của Internet”, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết nói.
Nhiều phụ huynh quan tâm việc đọc của con nhưng lại lúng túng khi chọn sách. Ảnh: Y Nguyên. |
“Nhấn” trẻ vào “cơn lũ sách”
Theo PGS.TS Hoàng Thị Tuyết, muốn trẻ đọc sách, trước tiên cần phải có sách trong nhà, có tủ sách càng tốt.
“Muốn trẻ đọc sách phải nhấn trẻ trong ‘cơn lũ sách’. Thói quen đọc sách của trẻ được hình thành từ cha mẹ. Công nghệ càng phát triển, sức hấp dẫn của nó bày trước mắt, ta càng phải dùng sách để ‘giành giật’ đứa trẻ, ngay cả khi các em đọc trên mạng cũng biết cách tìm nguồn thông tin giá trị để đọc, tự bảo vệ mình”, bà Tuyết nêu quan điểm.
Đọc sách giúp trẻ tập trung, tăng khả năng ghi nhớ, gia tăng tư duy phản biện, trí tưởng tượng, hiểu biết về thế giới.
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết
Bà dẫn một nghiên cứu giáo dục của Mỹ, cho rằng cha mẹ phải giúp trẻ (nhất là trẻ dưới 9 tuổi) hình thành nên bốn nhân tố: Sự tập trung, yêu thích đọc sách, sự tự tin, sự tự lập.
Sau 9 tuổi, những thói quen tốt đó sẽ tác động tới kết quả học tập, sự nghiệp của trẻ trong cả quá trình về sau.
“Đọc sách giúp trẻ tập trung, tăng khả năng ghi nhớ, gia tăng tư duy phản biện, trí tưởng tượng, hiểu biết về thế giới, mở rộng năng lực ngôn ngữ. Đặc biệt, sách là nguồn giải trí vô tận”, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết nói.
Theo ông Lê Hoàng, việc xây dựng tủ sách trong gia đình hiện nay có nhiều thuận lợi. Đầu tiên, các nhà xuất bản, công ty đã làm ra rất nhiều sách, dán nhãn phù hợp cho nhiều cấp độ đọc: Trẻ mẫu giáo, trẻ lớp 1, học sinh tiểu học, trung học. Sách phong phú về nội dung, đề tài: Khám phá khoa học, vĩ nhân, lịch sử… Hình thức của sách rất đẹp, màu sắc sống động, chữ to dễ đọc…
Thứ hai, phụ huynh có điều kiện kinh tế, đời sống tốt hơn, có tiền mua sách cho con. Nhiều gia đình bắt đầu quan tâm đến vấn đề đọc sách của con.
Tuy vậy, việc gây dựng tủ sách trong gia đình cũng gặp khó khăn. Có những bậc cha mẹ chưa quan tâm thỏa đáng đến việc đọc sách của con.
Nhiều phụ huynh muốn con đọc sách nhưng lúng túng khi chọn sách. Trong hàng nghìn cuốn trên thị trường, phụ huynh không biết sách đó có hay không, đúng không, phù hợp trình độ đọc của con mình không. Có những cuốn sách mà hình thức phản cảm, thay vì hình thành nên thẩm mỹ…
Bà Nguyễn Thị Kim Nhung – nguyên chuyên viên Thư viện Phòng GD&ĐT quận 11, TP.HCM – cho biết khi Bộ GD&ĐT có công văn chính thức về tổ chức hoạt động thư viện trong nhà trường năm 2020, bà đã liên hệ với ông Lê Hoàng và một số người làm công tác khuyến đọc để thực hiện danh mục sách hay cho học sinh.
“Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” đã được hình thành, giúp thư viện có bộ danh mục tài lệu theo từng môn học, từng khối lớp, nhằm phục vụ tốt hơn việc dạy và học của giáo viên và học sinh trong nhà trường. Đó là các sách bổ trợ cho các môn học dựa trên khung chương trình giáo dục trong nhà trường.
Danh mục này cũng có thể giúp cha mẹ xây dựng tủ sách gia đình để có thể đọc sách cùng con tại nhà; đồng thời giúp con tìm đọc những cuốn sách hay phù hợp lứa tuổi, bài học, môn học; để hiểu và tham gia các hoạt động đọc sách cùng con tại trường.