“Chúng ta được thừa hưởng quá nhiều di sản của thế hệ đi trước, thì phải có nghĩa vụ duy trì và cải thiện nó tùy theo trình độ của mỗi người”, dịch giả Phùng Hoài Phương – Chủ tịch Công ty CP Phong Thủy Phùng Gia – mượn lời trích dẫn trong cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê để mở đầu câu chuyện.
Cuộc đời và dấu ấn tượng đài văn hóa đọc Nguyễn Hiến Lê được dịch giả Phùng Hoài Phương, “nữ hoàng tên miền” Lê Thúy Hạnh và CEO Đỗ Thị Hương bàn trong tọa đàm xoay quanh ba cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, Bách gia tranh minh và Kinh dịch. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam, được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 20/4.
Ba cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê: Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, Bách gia tranh minh và Kinh dịch. Ảnh: H.T. |
Sự gần gũi qua những tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê
“Khẳng khái cần vương dị – Thung dung tựu nghĩa nan” là câu thơ người đời nói về Nguyễn Hiến Lê. Không ồn ào, hào nhoáng, hay cố làm cho mình rực rỡ, lóng lánh, cụ Lê dành cả cuộc đời mình để lặng lẽ làm việc, ung dung đạt được điều nghĩa.
Sinh ra ở xứ Đoài mây trắng, nhưng do sự đẩy đưa của dòng đời, cụ quyết định gắn bó với miền đất phương Nam. Những tác phẩm viết và dịch của vị học giả này xóa nhòa không gian, thời gian, người đọc chỉ còn cảm nhận được ở đó sự gần gũi.
Thầy Phùng Hoài Phương (người hiệu đính cuốn Kinh dịch) chia sẻ mình là một trong những người yêu mến các tác phẩm của cụ Lê, bởi nó gắn bó với tuổi thơ.
“Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có bố và chị yêu đọc sách. Chị gái là người đưa cho tôi hai cuốn sách đầu tiên: Đắc nhân tâm và Quẳng đi gánh lo và vui sống. Mãi đến sau này tôi mới biết chính thầy Lê là người đã dịch hai cuốn sách này”.
Diễn giả Lê Thúy Hạnh cho biết sách của Nguyễn Hiến Lê là sách gối đầu giường của cô. Giữa bốn người thầy trong cuộc đời (tạo hóa, thiền, âm nhạc, sách) thì sách là nền tảng, người thầy quan trọng nhất giúp cô thành công.
“Trong sách tích hợp nhiều tri thức của nhân loại, từ quá khứ đến hiện tại, đôi khi là cả những hình dung về tương lai để chúng ta ‘vượt gộp’ nhanh nhất. Trong hơn 120 tác phẩm viết và dịch của cụ Lê, tư tưởng trong Đắc nhân tâm có ảnh hưởng nhiều đến tôi, nó chính là cuốn sách để đời của thế hệ 8X, 9X”, Thúy Hạnh giải thích.
Có thể thấy, những tác phẩm của cụ Lê vẽ nên điều vĩ đại từ những chi tiết bình dị nhất. Giá trị sâu sắc ấy được bà Đỗ Thị Hương – CEO Công ty CP sách Bizbooks (đơn vị liên kết xuất bản rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê) – đánh giá là một “sự kết tinh của nhiều tinh hoa, tri thức, ứng dụng được truyền tải trong trang sách”.
Các diễn giả trong tọa đàm. (Từ trái qua: MC Mỹ Hạnh, dịch giả Phùng Hoài Phương, doanh nhân Lê Thúy Hạnh, CEO Công ty CP sách Bizbooks Đỗ Thị Hương). Ảnh: H.T. |
Nhân sinh quan qua tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê
Cũng trong tọa đàm, các diễn giả và người yêu thích tác phẩm của vị học giả tài ba này chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết của mình về nhân sinh quan khi nhắc tới tượng đài văn hóa đọc cùng hàng trăm tác phẩm để đời.
Theo bà Hương, khi dân tộc ta vẫn còn sống trong nạn đói, cụ Lê đã làm được một công việc mà khó ai có thể làm được, đó là cất công sang nước ngoài, gửi những lá thư để xin dịch nhiều tác phẩm. Điều đó cho thấy, “trong lúc ăn còn chưa no, cụ đã nghĩ đến tri thức, mang hạt mầm tri thức ấy gieo về Việt Nam”.
Bộ ba cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, Bách gia tranh minh và Kinh dịch cho chúng ta thấy thế giới về nhân sinh quan được vẽ nên từ những điều bình dị, mà ở đó, cụ Lê đã truyền lửa luồng tư tưởng riêng biệt của mình vào cách chuyển dịch.
Nếu như Hồi ký Nguyễn Hiến Lê viết về xã hội Việt Nam trong từng sự kiện suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược qua cách nhìn của cụ, thì Bách gia tranh minh giúp chúng ta hiểu thêm về thời cuộc, đạo quân tử của các bậc vĩ nhân trong lịch sử phương Đông.
Bà Thúy Hạnh đánh giá đây là một bộ sách quý lớp trẻ nên đọc, để có thể lựa chọn luồng tư tưởng phù hợp với bản thân từ 8 nhân vật: Hàn Phi Tử, Khổng Tử, Lão Tử, Liệt Tử Dương Tử, Mặc Tử, Mạnh Tử, Trang Tử và Tuân Tử.
Mặt khác, Kinh dịch là bộ sách kỳ lạ cho ta thấy bức tranh đối chiếu của các công trình nghiên cứu từ các nhà triết học phương Đông và phương Tây.
Theo diễn giả Hoài Phương, học giả Nguyễn Hiến Lê là người kế thừa đạo kinh dịch nguyên bản của Việt Nam. “Đây là bộ môn có nhiều trường phái, nếu không có vốn hiểu biết nhất định thì sẽ không thể dịch liều lĩnh được”. Với thầy Phương, cuốn sách không chỉ có kiến thức về phong thủy thuần túy, nó hội tụ nhiều nhất tinh hoa về kinh dịch, giúp ta học hỏi được những điều thiết thực, không hề lý thuyết.
Bên cạnh đó, bà Hương cũng nhận định rằng thế hệ trẻ hoàn toàn có thể áp dụng từ bộ sách này những phương pháp học tập cũng như đạo đức làm người. Bà hứa hẹn chuyển thể tri thức, tinh hoa của cụ Lê thành những ấn phẩm phù hợp hơn để lớp trẻ có thể tiếp cận hạt giống tri thức mà cụ Lê muốn dành cho đất nước.
Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là nhà giáo, nhà văn, học giả, dịch giả, với 120 tác phẩm đặc sắc, công phu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, ngôn ngữ, triết học, giáo dục, gương danh nhân, chính trị, kinh tế, du ký, dịch tiểu thuyết, tiểu luận phê bình.
Ông được biết đến là tác giả – dịch giả truyền cảm hứng nhất được độc giả yêu thích, là người đầu tiên dịch và đặt tên cho cuốn sách Đắcnhân tâm – cuốn sách bán chạy nhất tại Việt Nam trong nhiều năm liền.
Sự đóng góp của Nguyễn Hiến Lê trong nền văn học Việt Nam đương đại là hết sức quý báu và đầy giá trị. Ông có nhiều phát kiến về ngữ học Việt Nam, đồng thời vận dụng những tiến bộ mới nhất của ngữ học hiện đại vào ngữ pháp Việt Nam.
Những năm 60-70, chính phủ Sài Gòn đã trao tặng ông giải thưởng Văn chương toàn quốc và giải Tuyên dương sự nghiệp văn hóa nghệ thuật với danh hiệu cao quý đương thời.