Sách “Lính Chiến – Nhật ký chiến trường” của Phạm Hữu Thậm. Ảnh: AV. |
Theo một văn bản ngày 20/9/1996 của Thượng tá, Sư đoàn trưởng sư đoàn 2-QK5 Nguyễn Trung Thu, trong 14 năm cầm súng, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm đã tham gia nhiều chiến dịch như Chiến dịch K700 Thượng Đức – Quảng Đà tháng 3/1970; Chiến dịch giữ chốt Hòn Chiêng tháng 5/1972… Tổng cộng, ông đã trực tiếp chiến đấu 127 trận đánh.
Ông Phạm Hữu Thậm còn bắn rơi 19 máy bay (4 chiếc phản lực và 15 trực thăng). Trong chiến đấu và công tác, ông được tặng thưởng 7 Huân chương Chiến công như 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay” cùng nhiều danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua” và “Chiến sĩ Quyết thắng”…
Ông Phạm Hữu Thậm sinh năm 1945 tại thôn Huề Trì, Hải Dương. Nhập ngũ tháng 4 năm 1968, chỉ qua huấn luyện tân binh 2 tháng, ông đã cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam và được biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Từ một chiến sĩ, trải qua nhiều trận đánh sống chết với kẻ thù, ông Thậm đã trở thành Phó tiểu đoàn trưởng Quân sự, với quân hàm Trung úy. Cho đến năm 1982 khi sức khỏe không còn cho phép, ông mới được Quân đội cho nghỉ chế độ mất sức của bệnh binh.
Trong chiến đấu, ông đã chịu nhiều chấn thương. Cảm động về cuộc đời của Phạm Hữu Thậm, một nhóm nhà văn chiến binh đã tìm về thôn Huề Trì (phường An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) nhiều lần, xác minh tư liệu, trò chuyện với tác giả Phạm Hữu Thậm và những người thân trong gia đình ông.
Nhật ký chiến trường Lính chiến của Trung úy CCB Phạm Hữu Thậm là một phát hiện mới của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, do Nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm và biên soạn.
Ông Phạm Hữu Thậm cùng vợ xuất hiện tại buổi giao lưu ra mắt sách. Ảnh: AV. |
Dù sức khỏe yếu, tác giả Phạm Hữu Thậm vẫn cố gắng đến tham dự buổi giao lưu ra mắt sách sáng 14/12 tại Hà Nội.
Tại đây, ông nói: “Trong thời gian ở chiến trường, chúng tôi chia sẻ nhiều kỷ niệm với nhau, giữa những người đồng chí, đồng đội… Rời khỏi quân ngũ, về quê hương, nhiều năm sau, cuốn nhật ký của tôi chỉ ở trong phạm vi gia đình. Hôm nay, có mặt ở đây, tôi trân trọng cảm ơn đội ngũ biên soạn, sưu tầm và Câu lạc bộ Trái tim người lính”.
Nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết: “Thật may mắn, là những ngày ở chiến trường, Phạm Hữu Thậm có thói quen ghi chép vắn tắt hoạt động của mình và anh em trong đơn vị vào một cuốn sổ tay. Khi có thời gian rảnh rỗi, ông viết bổ sung thêm nhiều chi tiết cụ thể cho những sự vật và hiện tượng mình đã chứng kiến. Đó là tư liệu quý giá, cộng với trí nhớ ‘trời cho’ để ông có thể hoàn thành bản thảo tác phẩm nhật ký Lính chiến sau này”.
Nhà văn Lê Hoài Nam, một trong những người đầu tiên đọc bản thảo nhật ký Lính chiến, chia sẻ cảm nhận rằng sách không phải là chuyện văn chương, mà là chuyện đời.
Cuốn sách truyền tải tới người đọc nhiều thông tin trung thực về những người lính đã sống và chiến đấu tại chiến trường Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ. “Sự trung thực đến trần trụi về cuộc sống và những trận chiến đầy máu và nước mắt: Những trận đánh kéo dài hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác và năm này qua năm khác, lần lượt hiện lên qua từng trang nhật ký đầy máu và nước mắt. Đó thật sự là những khúc ca bi tráng của người lính tại chiến trường”, ông Lê Hoài Nam nhận xét.
You must be logged in to post a comment Login