Nhớ năm ngoái, tôi đến nhà tặng cụ cuốn tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam có bài tôi viết về cụ. Đọc xong, cụ rất hài lòng, cho là bài viết tốt, đầy đủ và chân thực nhưng có một chi tiết cần đính chính:
“Cụ Hồ biết tiếng cho vời lên giao nhiệm vụ phụ trách trại tù hàng binh…, như vậy không chính xác và kênh kiệu quá!”. Nên sửa là: “Cục Địch vận Trung ương biết tiếng liền điều động Hữu Ngọc về phụ trách trại tù hàng binh… “.
Kỷ niệm nhỏ làm tôi nhớ mãi và càng trân trọng hơn tính khiêm nhường, cẩn trọng ở một nhân cách lớn như cụ.
Xe máy tôi vừa đỗ xịch trước cửa nhà cụ thì cơn mưa cũng vừa dứt. Tôi cởi mũ nhìn qua cửa kính thấy cụ Hữu Ngọc người còm nhom, đang bước từng bước cầu thang lên phòng làm việc. Tôi mở cửa bước vào và mừng quýnh chào cụ, rồi đỡ cụ lên gác. Cụ Hữu Ngọc cười nói:
– Ông Đáng cứ để mặc tôi. Tôi vẫn đủ sức lên xuống thang gác được mà!
Nhà văn hóa Hữu Ngọc. Ảnh: Văn Nghệ Công An. |
Lần trước, tôi viết chân dung cụ và giới thiệu công trình mang tên: Hữu Ngọc đồng hành cùng thế kỷ Văn hóa – Lịch sử Việt Nam với gần 700 trang sách khổ lớn, gồm ba chương. Chương I đề cập “Lịch sử – Văn hóa Việt Nam qua chân dung những người cùng thời”.
Họ là những nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, những nhà trí thức lớn, những nhà khoa học xuất sắc, những văn nghệ sĩ tài năng của Việt Nam.
Chương II: “Lịch sử – Văn hóa Việt Nam qua chân dung những nhân vật nước ngoài nổi tiếng cùng thời”.
Chương III: “Những góc nhìn văn hóa” qua lăng kính Hữu Ngọc.
Bằng cách nhìn tổng quan, Hữu Ngọc dẫn dắt bạn đọc từ “Đôi điều về bản sắc văn hóa Việt” qua “Những nẻo đường văn hóa” đến “Các thế hệ nam – nữ” và “gút” lại ở “Gia đình và xã hội” Việt Nam.
Hàng trăm nhân vật nổi tiếng trong nước được “lão tướng” Hữu Ngọc rút tỉa, chưng cất, tổng kết những tinh hoa của họ “hiện hình” trên từng trang sách. Có những nhân vật nhìn nhận chưa chính xác, cụ không ngần ngại “gạn đục khơi trong” như trường hợp người thầy khả kính Hoàng Xuân Hãn là một ví dụ.
Cho đến nay, vẫn còn có ý kiến ở một số cán bộ thiển cận, kể cả trong giới lãnh đạo, cho Hoàng Xuân Hãn là “Trí thức trùm chăn” suốt thời kỳ gian khổ, sống 45 năm thoải mái ở Paris.
Với cụ Hữu Ngọc, đó là một nhận định chưa thấu tình đạt lý. Yêu nước có thể muôn màu muôn vẻ, có thể bằng máu hay bằng chất xám, đóng góp trên tác động cụ thể của hành động.
Cụ nói: “Năm 1998, tôi cùng anh Nguyễn Đình Hiến nhận nhiệm vụ sang Pháp sưu tập và biên soạn bộ sách: La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (gồm 3 tập với 4.000 trang). Có thì giờ suy nghĩ, tôi mới thấy sự đóng góp của Thầy Hãn cho đất nước là to lớn.
Đánh giá một nhân vật lớn như vậy, không thể tùy tiện được! Viết về Lịch sử – Văn hóa Việt Nam qua những nhân vật người nước ngoài đâu phải chuyện dễ. Muốn viết về họ phải đọc họ, đọc hàng loạt tác phẩm của họ hoặc phải quen biết họ, hiểu họ mới có thể đặt bút viết được”.
Trước mắt tôi, cụ Hữu Ngọc đang hiện hữu. So với trước cụ có gầy hơn đôi chút nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn lạ thường. Nhìn cụ, tôi lại nhớ đến những lời của độc giả nước ngoài tôn vinh Hữu Ngọc như một nhà thông thái siêu đẳng!
Họ còn khẳng định rằng: Hữu Ngọc có thể thuyết trình ba giờ liền, hai giờ, một giờ hay ba mươi phút về Văn hóa Việt Nam, hoặc phác thảo chân dung những quốc gia điển hình như: “Chân dung văn hóa Nhật Bản”, “Phác thảo chân dung văn hóa Pháp”; với Mỹ có “Hồ sơ văn hóa Mỹ”.
Họ khen Hữu Ngọc nói và viết hay đến sửng sốt! Hay đến thế là cùng. Cụ nói trực tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức cứ như không.
Một đại sứ Hy Lạp phát biểu về Hữu Ngọc: “Ngài là một trong số ít được biết đến như người bắc cầu giữa văn hóa Việt Nam và thế giới. Ngài là học giả, một minh triết như những triết gia cổ đại Hy Lạp…”.
Ông Orso Delage Suget (Pháp) gửi thư khen ngợi đến Nhà xuất bản Thế giới, có đoạn viết: “Cuốn sách của ông Hữu Ngọc tôi đọc thường xuyên. Quả là một bữa tiệc tinh thần lớn! Tôi ngưỡng mộ ông, vì ông làm chủ được ngôn ngữ của chúng tôi. Tôi chỉ biết có hai người rành tiếng Pháp như Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Hữu Ngọc”.
Ông Bruno – nhà ngoại giao Bỉ – nhận xét: “Tôi bàng hoàng vì chỉ trong nửa giờ gặp ông Hữu Ngọc, tôi hiểu Việt Nam, Văn hóa Việt Nam bằng mấy chục năm tôi đọc bao nhiêu cuốn sách, và am hiểu nền văn hóa dân tộc ông!”.
Đặc biệt, những chính khách như nhà vua và hoàng hậu Na Uy, thống đốc bang Hawail (Mỹ) hay cựu thủ tướng Brazil; đặc biệt là nhà vua và hoàng hậu cùng đoàn tùy tùng mặc sắc phục vương triều Thụy Điển đến nghe Hữu Ngọc thuyết trình về Văn hóa Việt Nam và Thụy Điển.
Thụy Điển là quốc gia đặc biệt quý trọng tài năng và nhân cách của Hữu Ngọc. Họ đã tín nhiệm mời cụ làm Chủ tịch Quỹ văn hóa Việt Nam – Thụy Điển tới 16 năm liền. Cả Chính phủ Na Uy cũng mời cụ giữ chức Chủ tịch Quỹ Văn hóa Na Uy tại Việt Nam.
Có một hội nghị các đại sứ Thụy Điển ở châu Á họp ở Thủ đô Hà Nội, chương trình làm việc khép kín, khá căng thẳng, chỉ còn 10 phút thư giãn nhưng họ vẫn tha thiết mời Hữu Ngọc nói về Văn hóa Việt Nam. Rất chính xác, cụ kết thúc ở phút thứ 10 trong tiếng vỗ tay hoan hô nồng nhiệt và kéo dài.
Ông Borje Lunggren (Đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam) tấm tắc khen: “Không ai có thể tóm lược Lịch sử – Văn hóa Việt Nam sinh động trong một thời gian ngắn như vậy!”.
Mãi nghĩ về cụ Hữu Ngọc với những hồi ức sống động thì bất chợt nhìn quanh không thấy cụ đâu. Đang dáo dác tìm thì cụ chợt xuất hiện với nụ cười hóm hỉnh, trên tay cầm hai cuốn sách dày, khổ rộng.
Cụ ký tặng tôi bộ sách mang tên Cảo thơm lần giở do Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ấn hành, vẫn còn thơm mùi mực. Tôi kinh ngạc! Cụ Hữu Ngọc ở tuổi 102 mà vẫn viết và xuất bản sách, xứng đáng được ghi vào kỷ lục “guiness” thế giới!
– Quà tặng ông Đáng đấy! Chưa có thì giờ đọc thì xem lời giới thiệu do bà Lady Borton viết. Ông Đáng biết bà này chứ?
Tôi nói với cụ Hữu Ngọc rằng: “Hữu Ngọc và bà nhà văn Lady Borton thì như hình với bóng ấy”. Cụ Hữu Ngọc nghe thế thì cười tươi.
Tôi tranh thủ đọc những dòng đầu tiên của bà nhà văn Lady Borton về cuốn sách của cụ Hữu Ngọc:
“Ông Hữu Ngọc giới thiệu cuộc đời và tư duy của hơn 180 danh nhân Đông – Tây, từ xưa tới nay thuộc mọi lĩnh vực: Tôn giáo, văn hóa, triết học, khoa học…Văn học, nghệ thuật, đạo đức học, sử học, tâm lý học, chính trị học…
Bức phác họa hoành tráng ấy nêu lên những tư tưởng, học thuyết và khuynh hướng chủ yếu của các nền văn hóa thế giới qua những đại diện tiêu biểu, bao gồm những giáo chủ như Phật Thích Ca, Chúa Jesus, tiên tri Muhammad, những triết gia như Khổng Tử, Sokrates, Hegel, Sartte; những nhà khoa học như Darwin, Eintein; những nhà văn, nhà thơ như Shakespeare, Cesvantes, Dante, Goethe, Dostoyevsky, Lỗ Tấn, Tagor, Molière; những nhà chiến lược quân sự như Tôn Tử, Machiavelli; những nghệ sĩ như Leonardo de Vinci, Picasso, Guitry…
Về phần Việt Nam, có ba vị được tổ chức thế giới UNESCO công nhận: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh.
Mỗi danh nhân được giới thiệu dưới hai góc độ: Cuộc đời và những danh ngôn thể hiện tư tưởng của nhân vật… Hàng nghìn danh ngôn được trích, đề cập đến những quan niệm khác nhau về thế giới quan và nhân sinh quan…
Xin mời bạn đọc cùng Hữu Ngọc thực hiện một chuyến lãng du văn hóa qua thời gian và không gian, để tìm con người muôn thuở”.
Thấy tôi chăm chú đọc lời giới thiệu cuốn sách, cụ Ngọc lại cười:
– Đấy mới là giới thiệu tóm tắt, ông Đáng đọc hết là mệt đấy, sẽ thấy họ thật kinh khủng. Họ là những nhân vật đại diện cho các nền văn hóa nhân loại.
– Vâng, đúng là như vậy. Hàng nghìn những ngôi sao sáng trên hành tinh, cụ tuyển chọn được hơn 180 nhân vật, có lẽ phải đọc hàng tạ sách, ghi chép, trích dẫn đến vắt óc, thân thể hao mòn sức lực mới gạn lọc được từng ấy nhân vật. Viết ra nó đã công phu, nhưng đọc nó cũng phải suy nghĩ, ngẫm ngợi và kiên trì lắm.
Đã gần đến 12 giờ trưa, tôi đành phải cáo lỗi và trịnh trọng xin phép cụ được treo bức ảnh chân dung tôi chụp cụ năm ngoái, khi cụ 101 tuổi vẫn đang miệt mài làm việc. Tôi vừa ngắm cụ vừa thán phục, cụ đúng là nhà văn hóa lớn của Việt Nam thế kỷ XXI.