Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình văn hóa tiêu biểu có giá trị đặc biệt về thẩm mỹ và được coi là một phần bản sao của Nhà hát Opéra Garnier ở Paris, Pháp. Đây cũng là một di tích của một giai đoạn phát triển kiến trúc ở Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Cùng với Quảng trường 19/8, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, đồng thời nó là chứng nhân chứng kiến sự phát triển của thủ đô Hà Nội và Việt Nam trong hơn 1 thế kỷ qua.
Nhà hát Lớn Hà Nội trong một bưu thiếp đầu thế kỷ 20. Nguồn: kienthuc.net.vn |
Khu đất xây dựng Nhà hát Lớn vốn là vũng lầy
Hiện nay, Trung tâm lưu trữ quốc gia I đang lưu giữ các hồ sơ lưu trữ về Nhà hát Lớn Hà Nội, gồm cả tài liệu hành chính và kỹ thuật (có hơn 60 bản vẽ thiết kế). Những hồ sơ lưu trữ trên cung cấp nhiều thông tin mà chúng ta còn ít biết về công trình này.
Theo các tài liệu lưu trữ, ý tưởng xây dựng Nhà hát Lớn xuất phát từ nhu cầu giải trí của giới chức Pháp tại Hà Nội. Năm 1899, hội đồng thành phố Hà Nội nhóm họp dưới sự chủ trì của Công sứ – Đốc lý Hà Nội để trình Toàn quyền Đông Dương đề xuất xây dựng một nhà hát nhằm phục vụ cho nhu cầu này.
Ngày 7/1/1901, hội đồng thành phố họp xem xét bản thiết kế sơ thảo Nhà hát thành phố của kiến trúc sư Harlay. Hội đồng đã đánh giá cao thiết kế của kiến trúc sư này.
Công trình được khởi công xây dựng ngày 7/6/1901 và do hai hãng Chavary và Savelon ở Hà Nội đứng thầu. Ông Harley, kiến trúc sư – thanh tra các công trình dân sự chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thi công công trình.
Để xây dựng Nhà hát, Toàn quyền Đông Dương cho thành phố Hà Nội vay trước 100.000 đồng. Khoản vay này sẽ phi trả hàng năm trong vòng 10 năm, mỗi năm là 10.000 đồng kể từ ngày 1/1/1903.
Ngày 21/3/1904 Toàn quyền Đông Dương tiếp tục trợ cấp cho Thành phố Hà Nội 100.000 đồng để tiếp tục xây dựng Nhà hát…
Bản vẽ Nhà hát lớn Thành phố Hà Nội lập năm 1909. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. |
Để thanh toán tiền cho công trình Nhà hát thành phố, Tòa đốc lý Hà Nội đã đề nghị Thống sứ Bắc Kỳ cho thanh toán bằng tiền bán nhà và đất ở phố Takou (Hàng Cót).
Các hồ sơ lưu trữ cũng cho biết Nhà hát Lớn được xây dựng trên một vũng lầy mới được san lấp ở đầu phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền, phố Hàng Khay), nên đòi hỏi việc thi công phải hết sức cẩn trọng, nhất là liên quan đến phần móng, với điều kiện cực kỳ khó khăn và tốn nhiều công sức.
Trước khi đổ lớp bê tông dày 0,9 m làm nền tòa nhà và tăng cường cốt thép tại các điểm yếu, người ta đã đóng 35.000 cây cọc tre xuống trước.
Cơ bản hoàn thiện sau 10 năm ròng thi công
Theo các tài liệu lưu trữ, công trình Nhà hát Lớn đã sử dụng tới 12.000 m3 vật liệu và 570 tấn gang thép.
Toàn bộ khung, dầm, trần của tòa nhà được xây dựng hoàn toàn bằng kim loại, không dùng gỗ, có thể tránh được hoả hoạn.
Công trình có chiều dài 87 m, bề ngang trung bình 30 m, diện tích khoảng 2.600 m2 và phần đỉnh mái cao nhất cao 34 m so với nền đường.
Mặt bằng Nhà hát được chia thành ba phần tương đối rõ rệt, bao gồm:
Phần xây nhô phía trước là một cầu thang bộ rộng rãi dùng làm lối vào cho người đi bộ; hai bên là 2 cổng dành cho ô tô; cả ba đều dẫn đến sảnh chính dài 30 m, rộng 15 m ở khu vực trung tâm và từ đó tỏa đi các cầu thang hướng về các địa điểm khác nhau…
Ở lối vào trước chính sảnh là một sân hiên rộng rãi, cuối sân đặt các quầy bán vé có mái che. Phía trên chính sảnh, ở cùng độ cao với hành lang 1 có phòng diễn viên và phòng tiếp khách, với một ban công hướng ra trục đường chính của thành phố – phố Paul Bert.
Khu vực trung tâm dùng làm khán phòng dài 25 m30, rộng 19 m10, gồm 2 hành lang, các lối thoát rộng rãi với phòng gửi đồ và nhà vệ sinh nữ cùng 2 cầu thang dành riêng cho các nhân vật quan trọng trong ngày thường.
Chiều rộng của các cầu thang lần lượt như sau: hành lang 1: 3 m; sân khấu: 5 m; khu ghế ngồi gần khoang nhạc và khu sau khoang nhạc 3 m. hành lang 2: 4 m; cầu thang 2 bên cho phép sơ tán nhanh trong trường hợp hỏa hoạn: 3 m
Tổng số ghế ngồi là 870 và có khả năng lên tới 1200 ghế nếu di dời vách ngăn.
Khu phía sau chiều dài sân khấu đạt 17 m50 nếu tính đến điểm cuối của khu vực trước sân khấu, chiều rộng 20 m và cao 30 m. Phần mở ra khán phòng rộng 10 m và cao 8 m50.
Phía sau và hai bên sân khấu là khu vực hành chính của nhà hát: 10 phòng diễn viên ở các tầng ghế 2 và 3; 2 phòng cho đội viên hợp xướng; phòng giám đốc; 1 phòng cho các nghệ sĩ; khu vệ sinh; 1 kho dự phòng, kho đựng đồ trang trí; 1 khu để máy bơm chữa cháy; 1 phòng chứa nhạc cụ; 1 đội gác và 1 phòng dành cho lính gác.
Hai cầu thang sắt – đặt đối xứng nhau và dẫn lên các khu phía trên – phục vụ lưu thông cho các phòng liệt kê trên đây.
Tầng hầm với độ cao trung bình 5 m, được thông gió nhờ hệ thống cửa; mái vòm của tầng hầm đỡ mặt sàn của phần xây nhô và khu vực trung tâm; còn chính giữa tầng hầm là 1 hầm lớn đỡ khu ghế ngồi gần khoang nhạc và khu sau khoang nhạc.
Nhà hát lớn Hà Nội (ngày 22/7/2015). |
Năm 1911, công trình Nhà hát Lớn sơ bộ hoàn thành. Các hạng mục còn lại như tiếp tục được hoàn thiện các năm sau đó. Theo Niên giám hành chính, thương mại và kỹ nghệ kinh phí ước tính để hoàn thiện công trình khoảng 2.000.000 fr.
Nhà hát Lớn sau đó được đưa vào sử dụng. Trong thời gian đầu, nó dành cho những gánh hát từ phương Tây sang diễn cho giới chức quan lại Pháp xem. Những người thượng lưu Việt Nam cũng được tham dự, song muốn vào Nhà hát phải mặc lễ phục và trả giá vé.