Shinrin yoku–Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật là tác phẩm về phương pháp chữa lành cuộc sống của phó giáo sư, bác sĩ Qing Li, người đang công tác tại trường Y khoa Nippon, Nhật Bản. Trong cuốn sách, bác sĩ Qing Li nhấn mạnh tác dụng của nghệ thuật tắm rừng, cũng như cách ứng dụng phương pháp này vào cuộc sống.
Được sự đồng ý của Thái Hà Book, đơn vị giữ bản quyền, Zing trích đăng một phần cuốn sách.
Rừng là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Rừng trao cho chúng ta những gì cần thiết để tồn tại. Rừng sản sinh oxy, thanh lọc không khí và làm sạch nguồn nước.
Rừng phòng lũ lụt, chống xói mòn, bảo vệ đất. Rừng cung cấp cho con người nào là thực phẩm, y phục, nơi trú ẩn, nào là nguyên liệu để chế tác đồ đạc và dụng cụ. Ngoài ra, rừng còn là nguồn dược liệu vô giá, giúp chúng ta chữa lành vết thương và điều trị bệnh tật.
Từ nghìn xưa, rừng vẫn luôn xoa dịu bao nỗi muộn phiền nhân sinh, vỗ về những tâm hồn xáo động, phục hồi và tiếp thêm sinh lực cho con người. Tuy nhiên, mãi đến gần đây mới có chút ít bằng chứng khoa học xác thực sức mạnh chữa lành của rừng, điều mà trong thâm tâm chúng ta vốn vẫn luôn biết rõ.
Những bước đi đầu tiên
Vào đầu những năm 1980, khi mọi người bắt đầu thực hành shinrin yoku (nghệ thuật tắm rừng), liệu pháp này chỉ dựa trên cơ sở kinh nghiệm và trực giác rằng việc đắm mình vào những cánh rừng xanh ngát tuyệt đẹp hẳn nhiên là có lợi cho sức khỏe.
Năm 1982, Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, ông Tomohide Akiyama, đặt ra thuật ngữ shinrin yoku. Ông cũng tuyên bố rằng người dân Nhật Bản đang cần được thiên nhiên chữa lành hơn bao giờ hết.
Ý tưởng này cũng là một phần trong chiến dịch bảo vệ rừng. Một khi người dân được khuyến khích đến thăm rừng vì mục đích sức khỏe, ý thức bảo vệ và chăm sóc rừng sẽ được nâng cao.
Yakushima là một hòn đảo ngoài khơi Nhật Bản và sở hữu một số khu rừng nguyên sơ. Ảnh: Japan-magazine. |
Năm 1990, một nhóm nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu sơ bộ tại Yakushima, một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi phía nam Nhật Bản, có hình dạng tròn với đường kính khoảng 28 km. Yakushima sở hữu một số khu rừng nguyên sơ nhất Nhật Bản với nhiều thác nước và suối nước nóng.
Thảm thực vật vô cùng phong phú với hàng nghìn loài cây và hàng trăm loại rêu khác nhau phủ khắp rừng một màu xanh rực rỡ sinh động. Đây cũng là một trong những nơi có khí hậu ẩm thấp nhất thế giới.
Cảnh tượng hươu, khỉ lang thang trong khu rừng tuyết tùng rêu phủ Yakusugi ẩm ướt tạo nên một vẻ đẹp vô cùng huyền bí và phi thực cho nơi này, tựa như chúng ta đang được ngắm nhìn cảnh sắc thế giới thuở hồng hoang.
Đi bộ ở Yakushima sẽ đem lại kết quả gì? Trên hòn đảo này, mọi người sẽ có cảm giác như thế nào khi tiến hành shinrin-yoku trong rừng?
Thực ra, từ kinh nghiệm bản thân, tôi vốn đã biết câu trả lời. Năm 1988, khi còn là sinh viên, tôi cùng đám bạn cắm trại trong khu rừng rực xanh huyền bí này.
Tôi đi vào đợt “Tuần lễ vàng” – một kỳ nghỉ lễ tại Nhật Bản bao gồm cả “Ngày xanh”, một ngày để chúng tôi kết nối với thiên nhiên, biết ơn mọi cảnh sắc và tạo vật được ban tặng. Tất nhiên là hồi đó tôi không nhận thức được nhưng giờ ngẫm lại mới thấy vô cùng hợp lý.
Chính khoảng thời gian đó trên đảo Yakushima đã khiến tôi tin rằng liệu pháp tắm rừng là tuyệt đối cần thiết đối với sức khỏe con người. Chuyến đi chơi thú vị và đầy hứng khởi này đã có tác động quan trọng đến toàn bộ cuộc đời cũng như định hướng nghiên cứu trong tương lai của tôi.
Chuyến nghiên cứu sơ bộ năm 1990 là cuộc khảo sát mang tính võ đoán hơn là chuyên môn khoa học. Chuyến đi được đài truyền hình Nhật Bản quay thành phim và cho thấy tác động của việc đi bộ trong rừng đến vấn đề cải thiện tâm trạng và tăng cường sinh lực.
Nghiêm túc nghiên cứu
Mọi thứ vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi, thế nhưng ít nhất chúng tôi cũng đã có bước đầu tìm hiểu cụ thể cảm giác sung mãn và minh mẫn mà rừng mang lại. Phải mãi đến năm 2004, những nghiên cứu khoa học về mối tương quan giữa rừng và sức khỏe con người mới bắt đầu được hoàn thiện.
Kết hợp cùng nhiều cơ quan chính phủ và tổ chức học thuật, tôi đã hỗ trợ thành lập Hội Nghiên cứu Liệu pháp Tắm rừng với mục tiêu tìm hiểu nguyên do cây xanh mang lại cho con người cảm giác khỏe khoắn.
Vào năm sau đó, cùng 12 nam nhân viên văn phòng khỏe mạnh trong độ tuổi trung niên đến từ Tokyo, tôi đã tổ chức một chuyến đi tắm rừng kéo dài ba ngày tại thành phố Iiyama, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nagano. Liyama sở hữu những khu rừng thuộc loại đẹp và ít bị tàn phá nhất Nhật Bản.
Một cây bạch quả 500 tuổi tại Liyama, tỉnh Nagano, Nhật Bản. Ảnh: Imgur. |
Với những cây sồi khổng lồ trên đỉnh núi Nahekura và nguồn nước tuyết tan của Chikumagawa (còn được biết đến với tên gọi Shinanogawa), dòng sông dài nhất lãnh thổ, phong cảnh nơi này mang nét đặc thù của đất nước Nhật Bản.
Đây cũng là bối cảnh thơ mộng trong những bài hát dân gian truyền thống như bài Oborozukiyo (Đêm sáng trăng), kể về một đêm xuân tươi đẹp nơi thôn dã, hay bài Furusato.
Furusato có nghĩa là “cố hương” hoặc “quê nhà” và người nhạc sĩ sáng tác bài hát này lớn lên ở Nagano, ngay gần những cánh rừng của Iiyama.
Ca từ thể hiện niềm khao khát núi rừng và đồng ruộng nơi quê nhà thời thơ ấu. Đây quả thực là địa điểm thích hợp để lần đầu trải nghiệm liệu pháp tắm rừng!
Và chính tại Iiyama, chúng tôi đã bước đầu chứng minh được một cách khoa học rằng liệu pháp tắm rừng có khả năng: Thúc đẩy hệ miễn dịch, tăng cường thể lực, làm giảm tình trạng lo âu, trầm cảm và nóng giận, giải tỏa stress và mang lại cảm giác thư thái.